(HBĐT) - TP Hòa Bình trong những năm qua đã, đang từng bước nỗ lực, khẳng định được vai trò, vị thế của một đô thị trung tâm, tạo tiền đề quan trọng trong xây dựng và phát triển tỉnh là vùng kinh tế trọng điểm của Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, mỗi năm thành phố được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào hạ tầng, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực nhằm xứng tầm là đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội và là trái tim của cả tỉnh.

 


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố Hoà Bình và các sở, ngành thị sát nắm bắt tình hình đẩy mạnh phát triển khu vực vùng ven thành phố.

Nhờ đó, bộ mặt đô thị thành phố có nhiều đổi thay và được định hình ngày càng rõ nét. Nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị thành phố như: Quảng trường Hòa Bình, dự án nhà ở xã hội Sao Vàng, trung tâm thương mại, công viên Tuổi trẻ, trụ sở các cơ quan tỉnh cùng các cây cầu hiện đại bắc qua 2 bờ sông Đà. Những cung đường đẹp, hiện đại như đường Trần Hưng Đạo, đường Chi Lăng kéo dài, đại lộ Thịnh Lang, đường Trương Hán Siêu, Trần Quý Cáp, đường Hoà Bình… được nâng cấp, mở rộng.

Giao thông, cơ sở hạ tầng được đầu tư kéo theo đó nhiều khu dân cư mới mọc lên, mang lại diện mạo mới cho thành phố. Các tuyến đường mới mở thu hút hàng chục dự án bất động sản, Shophouse… quy mô lớn đầu tư làm tăng mạnh tỷ lệ đô thị hoá trên địa bàn.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đô thị, thành phố đã ban hành và triển khai thực hiện quy chế quản lý đô thị, đặc biệt, quy định trách nhiệm người đứng đầu về quản lý trật tự đô thị trên địa bàn. Từ đó từng bước tạo sự chuyển biến mới trong công tác quản lý trật tự đô thị, góp phần duy trì, xây dựng TP Hòa Bình ngày càng văn minh, hiện đại.

Cùng với sự thay đổi của hệ thống đô thị là sự đổi thay trong đời sống kinh tế của người dân. Người dân thành phố, nhất là giới trẻ đang bắt nhịp với thời đại công nghiệp hoá. Mọi người năng động hơn, biết thượng tôn pháp luật, tôn trọng các quy tắc sống đô thị, nhờ đó thành phố dần trở nên ngăn nắp, trật tự hơn, chất lượng cuộc sống bắt đầu thay đổi từ nhiều chiều. Ngoài ra, trên địa bàn các dự án khu, cụm công nghiệp, sân golf được đầu tư mạnh mẽ, thu hút nhiều lao động vào làm việc, từng bước đưa mức sống người dân ngày một nâng cao.

Về lĩnh vực văn hoá, nhiều năm nay, TP Hòa Bình là một trong những điểm sáng trong bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc. Những nét văn hóa đặc sắc của bà con dân tộc được phát huy trong đời sống. Hiện, thành phố đang có chủ trương thực hiện một số dự án khu du lịch cộng đồng, góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch địa phương. Chú trọng hướng tới một đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả với các tuyến đường tự quản, tuyến phố văn minh, khu dân cư không rác... được nhân dân hưởng ứng tích cực.

Trong những năm tới, TP Hòa Bình xác định đầu tư mạnh mẽ hơn nữa nhằm xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, hành chính, văn hóa - xã hội và khoa học - kỹ thuật của tỉnh; là một trong những đô thị trung tâm vùng Thủ đô Hà Nội, là đầu mối giao thông, lưu giữ giữa vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Tây Bắc; đô thị sinh thái mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử, dân tộc vùng Tây Bắc; có vị trí QP-AN quan trọng phía Tây vùng Thủ đô. Với định hướng phát triển thành phố theo mô hình đa trung tâm cùng hệ thống trung tâm cấp vùng và cấp đô thị được tổ chức: Trung tâm hành chính - chính trị cấp tỉnh; trung tâm chính trị - hành chính cấp thành phố; trung tâm đào tạo; trung tâm TDTT; trung tâm y tế cấp vùng; trung tâm tài chính - thương mại - dịch vụ; trung tâm dịch vụ logistics... Trong đó, tập trung mở rộng, phát triển không gian khu bờ trái, bờ phải; khu vực Nam Kỳ Sơn, Bắc Kỳ Sơn với tổng diện tích đất tự nhiên lập quy hoạch lên đến trên 34.800 ha.

Một bước phát triển mới bền vững cho TP Hoà Bình chính là công tác quy hoạch và tầm nhìn về tương lai. Có quy hoạch mới có thể tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị. Trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của công tác lập quy hoạch của cả tỉnh, đặc biệt với riêng TP Hoà Bình. Theo Bí thư Tỉnh uỷ, quy hoạch cần định hướng được không gian phát triển của thành phố gắn với thế mạnh, tiềm năng về du lịch, văn hóa… Trong đó, quy hoạch phải đảm bảo tính định hướng, không gian phát triển, môi trường xanh, sạch, đẹp; có tính vượt trội về kết nối, giao thông, môi trường sống, thể chế và nhân lực. Đưa TP Hoà Bình xứng tầm là trái tim của tỉnh, là đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, trước mắt nhanh chóng phấn đấu nâng cấp đô thị thành phố đạt tiêu chí loại II vào năm 2025.



Hồng Trung


 

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục