(HBĐT) - Mạng lưới giao thông đi các xã vùng cao có vai trò quan trọng giao thương, thúc đẩy phát triển KT-XH, dù đã được quan tâm đầu tư từng bước, song nguy cơ trượt sạt, ngập úng, ách tắc giao thông trong mùa mưa lũ luôn thường trực. Các đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương đang rà soát, triển khai các phương án, kịch bản xử lý nhanh nhất những sự cố ách tắc giao thông, bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) thông suốt.


Công ty CP xây dựng giao thông Hòa Bình - đơn vị quản lý tuyến đường 433 xử lý cống tại km 65, xã Giáp Đắt (Đà Bắc).

Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi có dịp khảo sát một số tuyến đường vùng cao trên địa bàn tỉnh. Đường 433 từ TP Hoà Bình đi các xã vùng cao huyện Đà Bắc dài khoảng 90 km, được coi là cung đường độc đạo, luôn đứng trước nguy cơ trượt sạt đất, đá, ngập úng tại các ngầm tràn khi bước vào mùa mưa. Tại các đoạn tuyến, đơn vị quản lý đã tổ chức cho công nhân rà soát, phát dọn cây cối che khuất tầm nhìn, khơi thông cống rãnh, sơn sửa cọc tiêu, biển báo, phối hợp chính quyền tổ chức tuyên truyền, cảnh báo người dân thực hiện các quy định về bảo đảm ATGT trong mùa mưa bão. Anh Lê Tuấn Tuyến, Giám đốc Công ty CP xây dựng giao thông Hòa Bình, đơn vị quản lý tuyến đường 433 kể: Tuyến đường 433 rất quan trọng, tuy nhiên nằm ở địa hình đồi núi, độ dốc lớn, mái taluy dương cao, dựng đứng, taluy âm sâu như vực thẳm, liên tục xảy ra trượt sạt với khối lượng đất, đá lớn, có những năm cả chiếc xe ô tô bị trượt xuống vực và vùi lấp. Đợt mưa lũ năm 2017, 2018, 2019 bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều đoạn tuyến từ Tân Minh, Tân Pheo, Giáp Đắt, Mường Chiềng, Nánh Nghê bị đất, đá vùi lấp, ngầm tràn bị cuốn trôi, phải huy động làm xuyên đêm để thông xe bước 1 và nhiều thời gian sau mới xử lý cơ bản.

Cho đến nay, tuyến đường 433 đã được đầu tư, sửa chữa đến đoạn xã Cao Sơn, từ xã Tân Minh giao thông vẫn tiềm ẩn nguy hiểm, ách tắc. Trên tuyến nhiều vị trí ngầm tràn như ngầm Suối Láo, Trầm, Diều Luông, Ênh… hay bị ngập sâu. Đoạn xã Nánh Nghê từ km 84 đến hết địa bàn xã thường xuyên xảy ra đá lở, đá lăn, nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATGT vào mùa mưa lũ hàng năm, đơn vị đã rà soát triển khai phương án xử lý các sự cố giao thông khi xảy ra. Trong đó chuẩn bị khoảng 200 rọ thép, hàng trăm m3 đá hộc tập kết ở các vị trí thuận lợi để huy động khắc phục sự cố. Cùng với đó xây dựng cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp, chính quyền địa phương để rà soát, triển khai các phương án bảo đảm ATGT trên tuyến.

Không chỉ tuyến đường 433, nhiều tuyến đường giao thông vùng cao cũng tiềm ẩn nguy cơ trượt sạt cao vào mùa mưa lũ. Tuyến đường 432 (Mai Châu) cũng nằm ở địa hình nền đất yếu, độ dốc cao, đã từng trượt khối lượng lớn đất, đá lấp đường, tràn xuống cả lòng hồ thuỷ điện; tuyến đường 448 (TP Hòa Bình - Kim Bôi) hàng năm thường xảy ra trượt sạt, ngập úng tại các ngầm tràn. Hiện, lực lượng chức năng khẩn trương rà soát triển khai các phương án bảo đảm ATGT, xử lý sự cố theo phương phâm "4 tại chỗ”.

Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm km đường vùng cao có nguy cơ trượt sạt, ngập úng tại các ngầm tràn mỗi khi mưa lớn kéo dài. Ngay từ đầu năm, Sở GTVT phối hợp chính quyền các địa phương, chỉ đạo các đơn vị quản lý rà soát, xác định những khu vực, vị trí xung yếu có nguy cơ ách tắc giao thông gồm: quốc lộ 6 đoạn dốc Cun, dốc Quy Hậu, dốc Thung Khe, Thung Nhuối...; đường 433; tuyến C, đường Trường Sơn A, đường 12B... Các đường tỉnh như: 432, 433, 435, 448 chiều cao và độ dốc mái taluy lớn nên có nguy cơ sụt lở, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Trên cơ sở đó xây dựng, triển khai các phương án sát với thực tế, tập trung nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra, thực hiện duy tu, sửa chữa, gia cố những đoạn đường nền yếu, đoạn đèo dốc, mái taluy dễ sạt lở, chuẩn bị nhân lực, vật tư, vật liệu dự phòng tập kết tại những khu vực dễ cơ động để có thể huy động, phối hợp xử lý sự cố ách tắc giao thông. Sở GTVT đã phân công lãnh đạo và các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiểm tra, rà sát, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các phương án bảo đảm giao thông trong mùa mưa bão năm 2022 theo nguyên tắc: Chủ động phòng ngừa là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương những ách tắc giao thông, không để ách tắc kéo dài. Có kế hoạch phân luồng, điều tiết giao thông, hướng dẫn các phương tiện lưu thông an toàn khi xảy ra sự cố ách tắc, kiên quyết không cho người dân cố ý vượt ngầm khi nước lũ dâng cao, chảy siết, tránh những thiệt hại thương tâm về người. Bên cạnh đó, tại khu vực hồ thuỷ điện Hoà Bình, Sở GTVT đã có phương án phối hợp các đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa rà soát, điều chỉnh hệ thống biển báo hiệu, đèn hiệu theo quy định; kiểm tra các khu vực bố trí cho phương tiện tránh bão bảo đảm an toàn; kiểm soát chặt chẽ các phương tiện thủy chấp hành quy định bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.


Lê Chung

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục