Thời gian qua, nhiều dự án thủy điện nhỏ và vừa đã được xây dựng trên hệ thống thượng nguồn sông ở các tỉnh miền núi phía bắc. Tuy nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, rừng bị tàn phá, lũ lụt, sạt lở có xu hướng xảy ra nhiều hơn..., vấn đề lợi-hại của thủy điện vừa và nhỏ từ công tác quy hoạch đến xây dựng cần được đặt ra một cách nghiêm túc, tránh những ảnh hưởng trước mắt và lâu dài tác động lớn đến đời sống của người dân.

Nhà máy thủy điện Nậm Đích 1 và đập nhà máy thủy điện Nậm Đích 2 (xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu).

Nhà máy thủy điện Nậm Đích 1 và đập nhà máy thủy điện Nậm Đích 2 (xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu).

Bài 1: Ồ ạt làm thủy điện và những hệ lụy

Hiện nay, việc phát triển "nóng” các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa ở các tỉnh phía bắc đã, đang làm gia tăng các vấn đề môi trường-xã hội. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, chính người dân ở vùng hạ du của các địa phương này đang phải đối mặt nhiều hậu quả, điển hình nhất là những hệ lụy từ việc mất rừng.

Các dự án thủy điện nhỏ và vừa với ưu thế đầu tư ít, thời gian thi công và hiệu quả thu hồi vốn nhanh đang trở thành một lĩnh vực hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư. Theo tính toán sơ bộ, một nhà máy thủy điện nhỏ với công suất khoảng 3MW có thể đem lại doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm. Có nghĩa là một tỉnh càng có nhiều thủy điện, nguồn thu ngân sách sẽ càng cao, nhất là với các địa phương miền núi khó khăn.

Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Lai Châu, nếu 160 dự án đã được tỉnh quy hoạch được đưa vào vận hành, hằng năm sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia trung bình khoảng 15,9 tỷ kW giờ; nộp ngân sách khoảng 3.070 tỷ đồng tiền thuế các loại và khoảng 570 tỷ đồng tiền phí dịch vụ môi trường rừng...

Đại diện Sở Công thương tỉnh Nghệ An cho rằng, các nhà máy thủy điện đưa vào khai thác đã phát huy, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Hằng năm, các nhà máy phát điện với sản lượng khoảng ba tỷ kW giờ; giải quyết việc làm ổn định cho hơn 700 lao động, trong đó hơn 300 là người địa phương. Mặt khác, nhà máy thủy điện đã góp phần điều tiết nguồn nước hiệu quả, cắt giảm lũ vào mùa mưa, tạo thuận lợi cho thủy lợi chống hạn.

Nhiều hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, điện, y tế, trường học ở khu vực xây dựng nhà máy, các điểm tái định cư được đầu tư mới đã tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản lòng hồ, cải thiện các chương trình phúc lợi xã hội khác, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương vùng dự án.

Số liệu thống kê sơ bộ tính đến tháng 9/2022, các tỉnh phía bắc gồm: Sơn La, Bắc Kạn, Lai Châu, Nghệ An, Hà Giang, Lào Cai có tổng cộng khoảng hơn 220 dự án thủy điện nhỏ, vừa đi vào hoạt động trên tổng số 455 vị trí quy hoạch. Từ thủy điện, Lai Châu thu được khoảng hơn 1.500 tỷ đồng/năm; Hà Giang hơn 600 tỷ đồng/năm; Sơn La hơn 400 tỷ đồng/năm; Nghệ An hơn 650 tỷ đồng/năm...

Vì lẽ đó, các tỉnh miền núi phía bắc có tiềm năng lớn về thủy điện đã sớm trình quy hoạch và được Bộ Công thương phê duyệt hàng loạt vị trí xây dựng thủy điện nhỏ và vừa, nhất là các địa phương có lợi thế nhiều sông, suối, như: Lai Châu, Nghệ An, Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Bắc Kạn... Đơn cử, Nghệ An đã có 32 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch được phê duyệt, hiện có 22 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất hơn 934MW. Hai dự án đang được đề xuất quy hoạch, gồm thủy điện Thông Thụ (huyện Quế Phong) và thủy điện Cẩm Sơn (huyện Anh Sơn) với tổng công suất 62MW…

Tỉnh Lai Châu hiện có 33 dự án thủy điện nhỏ và vừa đã vận hành khai thác kinh doanh; 32 dự án đang thi công; 43 dự án đang hoàn thiện thủ tục về đất đai, môi trường, thiết kế và 52 dự án đã được quy hoạch. Tỉnh Lào Cai được xem là "thủ phủ” của thủy điện với 135 dự án, trong đó 130 dự án đã được phê duyệt vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất gần 1.600MW…

Mặc dù có nhiều mặt tích cực, nhưng hệ thống thủy điện nhỏ và vừa cũng đã để lại nhiều hệ lụy, lấy đi một diện tích rừng khá lớn (trung bình để tạo ra 1MW điện sẽ phải đổi từ một đến 10ha rừng) và tác động xấu cho môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân vùng hạ du, khiến cho bài toán nên hay không nên phát triển thủy điện nhỏ và vừa luôn được nhắc tới.

Địa bàn huyện Quang Bình (Hà Giang) hiện có 12 dự án thủy điện vừa và nhỏ không có khả năng cắt lũ. Do đó, khi đầu nguồn mưa lớn, nước đổ về nhiều, các thủy điện đồng loạt xả lũ hết công suất dẫn đến hạ lưu "hứng trọn” một khối lượng nước rất lớn ồ ạt đổ về. Ông Xin Văn Lào, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình cho biết: Nếu không có lũ quét thì thời gian tới gia đình sẽ thu hoạch lúa mùa, nhưng do năm nay có lũ lớn, Nhà máy thủy điện sông Bạc xả đáy cho nên bà con ở hạ lưu chịu ảnh hưởng, toàn bộ lúa bị chôn vùi dưới bùn đất. "Lo lắng nhất là lúc nhà máy xả lũ mới cảnh báo, thậm chí người dân không được thông báo trước dẫn đến hoàn toàn bị động, xoay xở không kịp!”, ông Lào thở dài.

Cẩn trọng với các dự án thủy điện nhỏ và vừa ảnh 1

Thủy điện đồng loạt xả lũ là một trong những nguyên nhân khiến hàng trăm héc-ta lúa tại huyện Quang Bình (Hà Giang) bị ngập úng vào tháng 9 vừa qua.

Theo chuyên gia về biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, các dự án thủy điện nhỏ không có khả năng kiểm soát lũ, nhất là khi thiên tai cực đoan xảy ra, sẽ tạo hệ lụy rất lớn. Khi thủy điện đầu nguồn mất kiểm soát - không còn khả năng kiểm soát lũ, mưa bao nhiêu xả bấy nhiêu thì tất cả các thủy điện bên dưới đều bị động, phải xả ra lượng nước lớn hơn, có thể gây nguy hiểm cho vùng hạ du.

Bên cạnh đó, việc chạy theo tiến độ, nhằm mục đích sớm thu lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư đã "phớt lờ” các quy định trong đầu tư xây dựng, gây bức xúc trong nhân dân. Điển hình như Nhà máy thủy điện Phúc Long (Lào Cai), công suất 22MW phát điện thương mại hơn một năm nay. Mặc dù đã cam kết nhiều lần, nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa đền bù thiệt hại do ngập úng ruộng vườn, lún nứt nhà ở của 150 hộ dân ở thị trấn Phố Ràng, xã Phúc Khánh, xã Xuân Thương (Bảo Yên). Hay như thị xã Sa Pa tập trung gần 20 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, tác động xấu đến môi trường.

Riêng xã Bản Hồ, sáu nhà máy thủy điện bao quanh đã "hút nước” trơ đáy suối Bản Hồ, ảnh hưởng nghiêm trọng du lịch sinh thái Bản Hồ và vùng chung quanh do vi phạm về xả lũ, vận hành không đúng quy trình. Lào Cai còn có tới bốn nhà máy cố tình lắp đặt công suất lớn hơn so với công suất cho phép, buộc sự đã rồi, cơ quan chức năng phải áp dụng hình thức "phạt cho tồn tại”.

Có thể nói, đối với hầu hết dự án thủy điện nhỏ và vừa ở các tỉnh miền núi, việc lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa nhận diện đầy đủ các tác động, ảnh hưởng của dự án đến công trình hạ tầng; chưa nêu cụ thể diện tích phải bồi thường, giải phóng mặt bằng; chưa đánh giá đúng về tốc độ bồi lắng lòng hồ và chưa thống kê cụ thể các giải pháp khắc phục…

Điều này dẫn đến những phát sinh, bất cập khi nhà máy vận hành mới được phát hiện, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, hiệu quả của dự án. Mặt khác việc chấp hành pháp luật của một số chủ đầu tư chưa tốt, chưa thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa, nhất là duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập, làm khô cạn dòng suối, ảnh hưởng môi trường thủy sinh, cạn kiệt nguồn lợi thủy, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Tại Lai Châu, khi nổ mìn thi công hầm dẫn nước của công trình thủy điện Mường Kim 2 đã gây nứt vỡ tường nhà, công trình phụ trợ của hơn 70 hộ dân. Năm 2020, thi công hầm dẫn nước thủy điện Nậm Xe 2 đã gây rung, lắc, nứt, vỡ tường nhà và công trình phụ trợ của hơn 60 hộ dân hai bản Mấn 1 và Mấn 2, xã Nậm Xe (Phong Thổ). Để xây dựng nhà máy thủy điện, tỉnh Sơn La đã phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng 1.679ha đất để giao đất, cho thuê đất với 58/65 thủy điện, tổng số hơn 3.600 hộ dân bị ảnh hưởng do thu hồi, đền bù đất, ảnh hưởng 237ha rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng.

Một đề tài nghiên cứu khoa học được công bố năm 2018, do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội phối hợp với Tổ chức mạng lưới sông ngòi Việt Nam thực hiện, đã phân tích năm nhóm rủi ro chủ yếu khi vận hành các thủy điện nhỏ và vừa. Trong đó rủi ro lớn nhất là vận hành trong mùa mưa bão với mực nước xả lũ không hợp lý, không có hồ chứa hoặc dung tích hồ chứa nhỏ, không đủ để chứa nước lũ nên gây ngập lụt nghiêm trọng ở các khu vực hạ lưu. TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều phối mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, xây quá nhiều thủy điện nhỏ sẽ gây nguy cơ tai họa rất lớn, hầu hết các nhà đầu tư tư nhân khi đề xuất làm dự án đều nói là nguồn năng lượng sạch, mang lại lợi ích kinh tế nên địa phương dễ dàng duyệt.

"Tuy nhiên khi đến từng nhà máy thủy điện nhỏ sẽ thấy nhiều bất cập bởi các thủy điện nhỏ xây dựng ở vùng sâu, vùng xa nên nhà đầu tư thường tính toán để giảm tối đa chi phí đầu tư, không loại trừ nảy sinh nhiều vấn đề về chất lượng xây dựng hồ đập…”, ông Tứ nhấn mạnh.

Vấn đề đặt ra giữa lợi ích kinh tế và hệ lụy do thủy điện nhỏ và vừa gây ra cần được cơ quan chức năng, địa phương xem xét, đánh giá thấu đáo, trách nhiệm... Bởi trên thực tế, các địa phương khi phê duyệt dự án thủy điện đều đặt nặng mục đích kinh tế như cấp điện sinh hoạt cho dân, đóng thuế cho địa phương… Tuy nhiên, có sự bất bình đẳng là người được hưởng lợi ích kinh tế từ các dự án thủy điện nhỏ nhiều nhất là nhà đầu tư tư nhân, nhưng thiệt hại lớn nhất từ thiên tai, từ việc xả lũ của thủy điện nhỏ chính là người dân vùng hạ du.

(Còn nữa)

                                                                          Theo báo Nhân Dân



Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục