(HBĐT) - Sản phẩm thịt lợn bản địa Tân Minh của HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Đà Bắc đánh giá đạt hạng 3 sao cấp huyện. Hiện, HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022 sắp diễn ra.      


Sản phẩm thịt lợn bản địa Tân Minh của HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh, xã Tân Minh (Đà Bắc) được hút chân không đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Xã Tân Minh có đồng bào các dân tộc Tày, Mường, Dao... cùng sinh sống với văn hóa ẩm thực độc đáo. Trong đó, một số món ăn được chế biến từ thịt lợn bản địa như: thịt lợn luộc chấm hạt dổi, thịt nướng hạt dổi hay thịt lợn nấu cây chuối rừng, được người dân nơi đây và du khách ưa thích. Với kinh nghiệm 17 năm bán hàng ăn, chị Hà Thị Tâm, xóm Ênh, xã Tân Minh đã đầu tư nuôi lợn đen bản địa nhằm chủ động nguồn thực phẩm sạch cho quán ăn, vừa bán cho bà con. Chất lượng thịt lợn thơm ngon được khách hàng của quán gia đình chị Tâm lan truyền đi nhiều nơi. Không chỉ khách hàng tại địa phương mà cả ở các nơi khác tới tìm mua lợn bản địa, do vậy gia đình chị Tâm tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi. Chị đã mở rộng thị trường bán hàng trên các mạng zalo, facebook. Đồng thời, thành lập HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh vào tháng 8/2022 với 17 thành viên. 

Chị Hà Thị Tâm, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX Tâm Cương Tân Minh chia sẻ: Điều tạo nên sự khác biệt của thịt lợn bản địa Tân Minh đến từ giống lợn và cách chăm sóc. Giống lợn bản địa được bà con giữ gìn nguồn gen qua thời gian. Sau khi con giống được chọn lọc kỹ lưỡng, đủ tiêu chuẩn sẽ được nuôi thành lợn thương phẩm. Trung bình 1 lứa lợn nuôi từ 7 tháng đến 1 năm, thức ăn chủ yếu là cây chuối trộn với ngô, sắn nấu thành cám. Vì vậy, thịt lợn bản địa có mùi thơm, ngậy nhưng không béo do có mỡ đặc trưng. 

Hiện, quy mô nuôi lợn đen của HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh có khoảng 200 con/lứa. HTX liên kết với 25 hộ dân trong xã để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Theo đó, các hộ vệ tinh ký cam kết với HTX đảm bảo về nguồn giống, quy trình kỹ thuật chăn nuôi. HTX sẽ đảm bảo thu mua lợn thương phẩm với giá 80.000 đồng/kg.

Với quyết tâm duy trì và phát triển thương hiệu lợn bản địa Tân Minh, năm 2022, HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh quyết tâm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm lợn bản địa Tân Minh để tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. HTX đã đầu tư hệ thống lò mổ khang trang cùng trang thiết bị bảo quản, máy hút chân không để đảm bảo thịt lợn luôn tươi ngon đến tay khách hàng, kể cả khách hàng ở xa. Sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc, có mã số, mã vạch rõ ràng. Hiện, thịt lợn móc hàm được HTX bán với giá 130.000 đồng/kg; bán lẻ hút chân không 150.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, HTX tiêu thụ khoảng 5 tạ lợn thương phẩm.

Trong tháng 10/2022, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Đà Bắc chấm sản phẩm "Thịt lợn Tân Minh” được 58,7 điểm, đạt hạng 3 sao. HTX đang hoàn thiện hồ sơ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Chị Hà Thị Tâm, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX Tâm Cương Tân Minh chia sẻ thêm: Hiện tại, nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng các tỉnh, thành phố rất lớn. Mỗi năm, vào dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi không đủ hàng cung cấp cho thị trường. Trung bình dịp Tết tiêu thụ hơn 100 con lợn đen. Tôi tin rằng, sau khi sản phẩm lợn bản địa Tân Minh được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh thì thị trường sẽ được mở rộng. Do đó, HTX mong muốn liên kết với các HTX chăn nuôi lợn đen trên địa bàn tỉnh. Từ đó tạo thành chuỗi liên kết ngành lợn đen của tỉnh, đảm bảo nguồn cung cho thị trường các tỉnh, thành phố trên cả nước.


T.T

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục