(HBĐT) - Tại các địa phương trong tỉnh, nông dân đã cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa mùa và đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây màu vụ hè thu. Cùng với đó, các ngành, địa phương chủ động chuẩn bị vật tư và xây dựng kế hoạch gieo trồng vụ đông xuân 2023 để đảm bảo sản xuất trong các điều kiện tốt nhất.


Nông dân xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) khẩn trương thu hoạch mía tím, chuẩn bị đất cho vụ mới.

Đầu vụ mùa, hè thu năm nay, tại địa bàn huyện Lạc Sơn, thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất. Mưa lũ ít nên không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng; sâu bệnh hại cũng nhẹ hơn so với vụ mùa năm trước. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra; tổng sản lượng lương thực cây có hạt vụ mùa, hè thu đạt gần 33.000 tấn. Đồng chí Bùi Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Để đạt được kết quả tốt ở cuối vụ, nông dân các xã, thị trấn đã chủ động vật tư nông nghiệp đầy đủ trước khi sản xuất, giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tương đối ổn định. Hơn nữa, các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc cơ sở thực hiện tốt các biện pháp thúc đẩy phát triển sản xuất cũng như các chính sách hỗ trợ giống, phân bón, xây dựng mô hình trình diễn...

Vụ mùa, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo trồng cây hàng năm đạt 44,3 nghìn ha. Các địa phương đang gấp rút thu hoạch diện tích trồng màu để kịp thời giải phóng đất cho vụ sản xuất sắp tới. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, diện tích lúa vụ mùa của tỉnh đạt 21.525 ha; năng suất ước đạt 54,48 tạ/ha, sản lượng ước đạt 12 nghìn tấn; diện tích ngô vụ hè thu trên 11.400 ha (đạt 98,1% kế hoạch), năng suất ước đạt 46,16 tạ/ha, sản lượng ước đạt gần 53.000 tấn. Từ chỉ đạo của các ngành chuyên môn và các địa phương, nông dân thu hoạch đến đâu là làm đất ngay đến đó để đảm bảo các điều kiện sản xuất vụ đông xuân tốt nhất.

Nhận định vụ chiêm xuân 2022 - 2023 là vụ sản xuất lớn, quyết định đến kết quả sản xuất và sản lượng cả năm, do vậy, Sở NN&PTNT đặt ra mục tiêu: Duy trì diện tích lúa 16.600 ha, năng suất phấn đấu đạt 58,8 tạ/ha, sản lượng đạt 9,7 vạn tấn; diện tích cây ngô phấn đấu đạt 18.000 ha, năng suất duy trì 46 tạ/ha, sản lượng đạt 81 vạn tấn. Phấn đấu diện tích trồng cây hàng năm gồm: lạc 3.000 ha; đậu tương 170 ha; khoai lang 2.600 ha; rau đậu các loại trên 10.000 ha. Ổn định, duy trì diện tích trồng mía trên 7.000 ha. Ổn định diện tích cây ăn quả có múi cho thu hoạch trên 8.000 ha, tổng sản lượng ước đạt trên 155.000 tấn.

Ngành nông nghiệp cũng định hướng chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và cây trồng khác phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương... Tuy nhiên, thời tiết vụ đông xuân dự báo diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại có thể xảy ra sớm, tập trung nhiều trong thời kỳ khoảng giữa tháng 12/2022 - 2/2023, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất dự báo từ 30 - 50%, có thể xảy ra tình trạng hạn hán trong giai đoạn đầu vụ. Do đó, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ ngay từ đầu vụ để đạt kết quả toàn diện cả về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị nông sản.

Đối với khung thời vụ của các trà lúa, ngành NN&PTNT khuyến cáo các địa phương tập trung mở rộng diện tích gieo cấy vụ xuân trên diện tích trà muộn bằng các giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, thích ứng điều kiện các địa phương. Mở rộng gieo cấy các giống lúa chất lượng cao ở những vùng có điều kiện thích hợp để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, lựa chọn 2-3 giống chủ lực trong cơ cấu giống cho từng vùng. Trà xuân sớm, chính vụ chiếm 15-20% diện tích, nên tập trung cấy giống có thời gian sinh trưởng khoảng 140 - 145 ngày; gieo mạ từ ngày 5 - 15/1; cấy từ ngày 25/1 - 5/2/2023. Với trà lúa xuân muộn (chiếm 80 - 85% diện tích) cần tập trung vào các giống có thời gian sinh trưởng ngắn dưới 130 ngày; gieo mạ từ ngày 25/1 - 5/2/2023, cấy trước ngày 10 - 15/3/2023. Ngoài ra, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất những loại cây trồng cụ thể, có thế mạnh; gắn tổ chức sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm; chủ động dự tính, dự báo sâu bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất.

Thời điểm này, các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể, sẵn sàng bước vào vụ đông xuân 2022 - 2023. Các cấp, các ngành chức năng phân công cán bộ về cơ sở kiểm tra, hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, nhất là khi thời tiết bất thuận để xử lý kịp thời phát sinh...

 

Thu Hằng

Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục