(HBĐT) - Sau Tết Nguyên đán là thời điểm diễn ra các lễ hội. Đây cũng là thời điểm nhu cầu đi lại cao nên các dịch vụ về vận tải hành khách, các loại thực phẩm thiết yếu, đồ phục vụ lễ hội có xu hướng tăng. Chính vì vậy, các ngành chức năng đã kịp thời nắm bắt thông tin tình hình thị trường, đưa ra các giải pháp nhằm tiếp tục bình ổn giá cả thị trường thời điểm sau Tết.


Các chợ truyền thống đã hoạt động bình thường, mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống không có nhiều biến động so với thời điểm trước Tết. Ảnh chụp tại chợ Nghĩa Phương (TP Hòa Bình).

Theo báo cáo của Sở Công Thương, thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2023 khá dồi dào, đa dạng về mẫu mã, sản phẩm. Chất lượng hàng hoá nhìn chung đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Sức mua của người dân chủ yếu tăng mạnh vào những ngày giáp Tết, tập trung tại các siêu thị, trung tâm thương mại và các điểm phân phối mua sắm lớn trên địa bàn tỉnh với lượng hàng hoá bán ra tăng gấp 2 - 3 lần so với thường kỳ. Tại các cửa hàng tạp hoá, đại lý và các chợ truyền thống trên địa bàn các huyện, thành phố, người dân mua hàng với số lượng lớn. Do làm tốt công tác bình ổn nên nhìn chung các mặt hàng thiết yếu như gạo, muối, đồ khô, dầu ăn... không có đột biến về giá. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng nhẹ trong những ngày cuối năm. 

Trong kỳ nghỉ Tết, tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, tư thương mở cửa bán hàng từ ngày mùng 2 Tết. Theo ghi nhận, từ mùng 2 đến mùng 4 Tết, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau, cá, đậu giá tăng khá cao so với ngày thường, trung bình các mặt hàng tăng từ 10 - 15%. Từ mùng 6 Tết đến nay, các siêu thị đã hoạt động trở lại bình thường. Tại các chợ truyền thống tiểu thương cũng quay trở lại bán hàng ổn định, nhiều mặt hàng đã hạ nhiệt so với những ngày trong Tết.

Chị Lê Thị Hường, tổ 2, phường Phương Lâm, TP Hòa Bình cho biết: Nhìn chung khi người lao động quay trở lại đi làm bình thường thì các chợ cũng hoạt động ổn định. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ phong phú, giá cả ổn định, không tăng nhiều như những ngày trong Tết. Thời điểm hiện tại, trung bình giá rau bán 10.000 đồng/mớ, giá thịt lợn khoảng 120.000 - 140.000 đồng/kg tùy loại.  

Đây cũng là giá chung tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP Hòa Bình. Tại các huyện lân cận, trong những ngày mới ra Tết, thời điểm người dân còn du xuân, nhiều tiểu thương chưa quay trở lại bán hàng các mặt hàng tươi sống có tăng giá. Tuy nhiên theo một số tiểu thương, sau mùng 10 tháng giêng trở đi sức mua tăng, giá cả cũng ổn định hơn. Theo chị Nguyễn Ngọc Hà, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi: Năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng nhiều đến sản xuất rau vụ đông nhưng ra Tết, giá rau xanh không biến động nhiều. Tại chợ Bo, người dân vẫn bán 20.000 đồng/3 cây bắp cải, từ 7.000 - 12.000 đồng/cây súp lơ. Giá các loại thịt như thịt gà, thịt bò cơ bản ổn định. 

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, để đảm bảo bình ổn thị trường sau Tết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Cục QLTT đã chỉ đạo các Đội QLTT quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết; tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải dịp sau Tết, xử lý nghiêm việc lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, nhằm đấu tranh với tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại có thể diễn biến phức tạp sau Tết, các Đội QLTT trực thuộc đẩy mạnh quản lý địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đầu mối giao thông, điểm tập kết hàng hóa và phối hợp các cơ quan liên quan trong việc thực thi công vụ; giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu để kịp thời phát hiện hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
  
Đinh Hòa

Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục