Mùa đại hội cổ đông sắp bước vào giai đoạn cao điểm. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối diện với nhiều khó khăn, câu chuyện chia cổ tức là một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong mùa đại hội lần này. Bên cạnh đó, do thị trường chứng khoán diễn biến sôi động nên việc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn dự báo sẽ làm "nóng” mùa đại hội.

Năm nay, câu chuyện chi trả cổ tức có phần thêm nóng trước khó khăn chung không phải doanh nghiệp nào cũng có lãi để mạnh tay chi trả, thậm chí có doanh nghiệp trễ hẹn, hoãn, hủy trả cổ tức.

Có thể kể đến trường hợp của Công ty cổ phần FECON (mã chứng khoán: FCN) dự kiến chi gần 79 tỷ đồng cổ tức năm 2022, sau khoảng thời gian chậm trả do hoạt động kinh doanh và cân đối thu chi khó khăn. Tuy nhiên, phải đến cuối năm nay, cổ đông của doanh nghiệp mới được nhận phần lớn lượng tiền này. Công ty cho biết sẽ không thực hiện trả một lần duy nhất mà chia thành 2 đợt là vào ngày 29/3/2024 thanh toán 1% và dự kiến đến tháng 12/2024 sẽ thanh toán 4% còn lại.

Việc chậm trả cổ tức của doanh nghiệp có liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh không thuận lợi. Cụ thể, tiến độ triển khai một số dự án lớn từ đầu năm 2023 bị chậm hơn so với kế hoạch dự kiến nên ảnh hưởng đến việc chào thầu, dẫn đến kéo dài việc ký kết hợp đồng, sản lượng thi công đạt thấp. Cùng đó là chi phí lãi vay tăng cao và khó khăn trong huy động vốn. Thực tế năm 2023, doanh thu thuần của công ty giảm 5% so với năm 2022 về mức gần 2,880 tỷ đồng. Doanh nghiệp lỗ hơn 32 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi gần 40 tỷ đồng.

Không chỉ trễ hẹn trả cổ tức, có doanh nghiệp còn thông báo hoãn, thậm chí hủy chi trả cổ tức. Điển hình như Công ty cổ phần Lương thực Bình Định (Bidifood, mã chứng khoán: BLT). Theo Bidifood, giá vốn hàng hóa tăng đột biến hơn 50% kể từ tháng 7/2023, giá gạo bình quân trên 15.500 đồng/kg. Công ty phải duy trì mức dự trữ lưu thông hơn 3.000 tấn gạo, trị giá hơn 46 tỷ đồng làm hạn chế nguồn vốn, tăng chi phí lãi vay. Bên cạnh đó, công ty phải huy động vốn cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 40 tỷ đồng trong hai năm 2023 - 2024.

Để đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh, có nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và tái đầu tư, khôi phục sản xuất, sau khi chi tạm ứng cổ tức 30%, Hội đồng quản trị đã trình cổ đông thông qua việc ngừng chi trả cổ tức còn lại tỷ lệ 140,5% bằng tiền.

Hay như Công ty cổ phần Hóa chất Cơ bản miền Nam (mã chứng khoán: CSV) đã thông báo lùi thời gian trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với lý do để sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Việc tạm ứng cổ tức năm 2023 sẽ được thực hiện vào thời điểm thích hợp. Cùng đó, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Bình Dương ACC (mã chứng khoán: ACC) cũng đã thông qua việc hoãn chi trả cổ tức năm 2022 vì năm 2023, các công trình thi công đang triển khai chưa được hoàn thành nghiệm thu như dự kiến dẫn đến việc thu hồi công nợ bị chậm trễ.


Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TechcomBank. Ảnh minh họa: Thanh Tân/TTXVN

Trong khi cổ đông nhiều doanh nghiệp bức xúc vì việc trễ hẹn chia cổ tức nhiều năm, cổ đông nhóm ngân hàng lại đang đón nhận niềm vui. Theo đó, các ngân hàng dự kiến trả cổ tức năm 2023 và sẽ thông qua tại kỳ đại hội 2024 như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB ) sẽ chia cổ tức tỷ lệ 15% bằng tiền mặt, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (mã chứng khoán: MBB) là 20% bằng cả tiền mặt và cổ phiếu, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (mã chứng khoán: ACB) là 10% tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu; Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (mã chứng khoán: VIB) tối đa 12,5% bằng tiền mặt và 17% cổ phiếu, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (mã chứng khoán: VPB chia cổ tức bằng tiền mặt 5 năm liên tiếp, được phép dùng 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm để chia cổ tức cho cổ đông.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng chia cổ tức để tăng vốn như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán: BID), Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (mã chứng khoán: LPB)…

Theo bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích dữ liệu Công ty cổ phần FiinGroup Việt Nam, ngành ngân hàng trong năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề nợ xấu khiến áp lực trích lập lớn; rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi lượng đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300 nghìn tỷ đồng và thị trường bất động sản cần thời gian để giải quyết các vướng mắc về pháp lý.

Tuy nhiên, triển vọng của ngành ngân hàng vẫn được kỳ vọng khi lợi nhuận sau thuế dự báo tăng từ 12 - 15% so với mức 3,5% trong năm 2023, dựa trên sự hồi phục từ tăng trưởng tín dụng trong môi trường lãi suất thấp, sức khỏe nền kinh tế tăng trưởng cao hơn năm trước cùng với biên lãi ròng (NIM) cải thiện.

Theo bà Khuất Thúy Quỳnh, Giám đốc Pháp chế Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, nhu cầu chào bán chứng khoán ra công chúng năm 2024 được dự báo tăng mạnh so với trước đây nhờ ảnh hưởng tích cực từ thị trường thứ cấp dần hồi phục trở lại.

Bà Quỳnh cho biết, thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vốn huy động qua chào bán chứng khoán đã tăng trưởng đáng kể, với tổng giá trị huy động đạt 95.170 tỷ đồng trong năm 2023. Theo đó, tỷ trọng chào bán cho cổ đông hiện hữu không nhiều, chủ yếu tập trung ở trái phiếu chào bán ra công chúng của khối ngân hàng, một số doanh nghiệp lớn.

Thị trường thứ cấp sôi động, hoạt động chào bán cho cổ đông hiện hữu được kỳ vọng sẽ tăng mạnh. Chuyện đổ vỡ do phụ thuộc vốn vay ngân hàng, trái phiếu quá lớn là bài học cho các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp chú trọng hơn đến phương án tăng vốn chủ sở hữu để giảm đòn cân nợ.

Dưới góc độ quản lý, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, điểm lớn của thị trường năm nay là mục tiêu nâng hạng, do đó các công ty niêm yết cũng không nên nằm ngoài "cuộc chơi” này.

Trong mùa đại hội cổ đông 2024, các doanh nghiệp có thể thực hiện các công việc liên quan về sở hữu nước ngoài. Doanh nghiệp có thể điều chỉnh ngành nghề đăng ký kinh doanh, nhưng cần được đại hội cổ đông thông qua. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có sự chuẩn bị trước về vấn đề công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Hiện tại, doanh nghiệp cần công bố các thông tin định kỳ như: Thông tin về tổ chức đại hội cổ đông, báo cáo tài chính, tình hình quản trị công ty, tiến độ sử dụng vốn sau khi chào bán... Đồng thời, chú trọng giao tiếp với cổ đông trong nước và nước ngoài, trực tiếp chia sẻ và trải nghiệm với nhà đầu tư.



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục