Cán bộ kỹ thuật Công ty truyền tải điện 1 trao đổi về tiến độ thi công với nhà thầu.

Cán bộ kỹ thuật Công ty truyền tải điện 1 trao đổi về tiến độ thi công với nhà thầu.

Hòa chung không khí đón Xuân của cả nước, những cán bộ, công nhân truyền tải điện khu vực Tây Bắc-nhiều người vẫn gọi thân mật là "lính" truyền tải, đang ngày đêm nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, giữ vững dòng điện để nhân dân yên tâm đón Tết.

Thực hiện chủ trương hòa lưới quốc gia dòng điện từ Nhà máy Thủy điện Sơn La, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (NPT) trực tiếp là Công ty truyền tải điện 1 đã đầu tư tuyến đường dây 500 kV Sơn La-Hòa Bình-Nho Quan, dài 282,9 km với tổng số 641 vị trí cột, 119 khoảng néo, trong đó có 177 km là mạch kép (từ Mường La, Sơn La đến Tân Lạc, Hòa Bình), 105,9 km mạch đơn gồm đoạn Tân Lạc về đến trạm 500 kV Hòa Bình và Tân Lạc đi Nho Quan (Ninh Bình). Trên tuyến có hệ thống cáp quang viễn thông OPGW. Ðến nay, các đơn vị đã cơ bản thi công xong các vị trí cột, một số đoạn ở Mai Sơn (Sơn La) đã bắt đầu kéo dây. Ði trên quốc lộ 6 từ Hòa Bình đến Sơn La, thỉnh thoảng, trên đỉnh núi, chúng tôi trông thấy những cột truyền tải 500 kV mới dựng xong. Phía dưới là những vườn mận ra hoa kết trái, vườn đào đang khoe sắc thắm tạo nên một khung cảnh hữu tình hiếm có. Thi đua tiến độ cùng công trình thủy điện Sơn La, các đơn vị truyền tải đang phấn đấu đến tháng 6 này sẽ đóng điện xung kích đường dây và tháng 8-2010 đóng điện các trạm biến áp (TBA) 500 kV Sơn La và Hòa Bình (mở rộng).


Tuyến đường dây 500 kV Sơn La-Hòa Bình-Nho Quan là công trình đường dây 500 kV mạch kép lớn nhất từ trước tới nay, cũng là tuyến khó khăn nhất bởi địa hình phức tạp, chủ yếu là núi đá, đường giao thông đi lại khó khăn. Cán bộ tư vấn giám sát cho chúng tôi biết, khó khăn nhất của tuyến đường dây này là có những vị trí nằm ở khu vực địa chất không ổn định, dễ sạt lở (phía khu vực Sơn La) nên xử lý móng rất lâu và tốn kém. Cũng có vị trí nằm trên đỉnh núi đá, xử lý được phần móng mất hàng tháng trời. Như vị trí cột 359 ở xã Phúc Sạn, Mai Châu (Hòa Bình), ô-tô chở vật liệu tập kết ngoài đường, anh em phải đi bộ vào 15 km nữa mới tới chân công trình. Chính vì địa hình quá phức tạp nên hầu như các phương tiện thi công cơ giới không thể tiếp cận nhiều vị trí cột. Tất cả phải làm bằng sức người: vận chuyển vật tư, thiết bị, lương thực... bằng kéo cáp hoặc thuê ngựa thồ lên đỉnh núi.


Các công trình TBA cũng được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. TBA 500 kV Sơn La là trạm đầu mối có vai trò rất quan trọng trong hệ thống, nhận điện trực tiếp từ Nhà máy Thủy điện Sơn La. Trạm đặt tại xã Pi Toong, huyện Mường La,  có hai máy biến áp công suất 450 MVA/máy với tổng mức đầu tư hơn 1.109 tỷ đồng. Từ nhà máy đến TBA có 15 vị trí cột, trong đó có 12 vị trí mạch kép. Các đơn vị thi công đang phấn đấu hết tháng 2-2010 hoàn thành các vị trí cột nhánh rẽ từ nhà máy đến TBA và đến tháng 5-2010 hoàn thành toàn bộ công trình TBA. Ðến TBA 500 kV Hòa Bình, chúng tôi được Trưởng trạm Nguyễn Tiến Vượng cho biết, trạm có vị trí cực kỳ quan trọng vì là đầu mối tiếp nhận điện từ miền nam ra miền bắc qua đường dây 500 kV bắc-nam. Ðể bảo đảm dòng điện ổn định trong dịp Tết, đơn vị đã rà soát, kiểm tra các thiết bị của trạm để có phương án xử lý, bố trí thêm nhiều cán bộ và công nhân vận hành trong phiên trực Tết, chuẩn bị sẵn các loại vật tư, thiết bị dự phòng... bảo đảm an toàn mức cao nhất. Hiện nay, khu ngăn lộ mở rộng đường dây 500 kV để đón dòng điện từ Sơn La về Hòa Bình đã được san mặt bằng và đang đúc móng trạm. Các đơn vị phấn đấu hoàn thành đồng bộ cùng với tuyến đường dây.


Giám đốc Công ty truyền tải điện 1 Nguyễn Khắc Cần cho biết: Ðặc thù công trình truyền tải điện quốc gia không cho phép và không được phép thi công chất lượng kém. Bởi vậy, ngay từ khâu thi công, các công ty truyền tải điện được giao trực tiếp tư vấn giám sát (TVGS). Xong hạng mục nào, nghiệm thu hạng mục đó và đơn vị thi công mới được làm hạng mục tiếp theo. Và cũng nhờ thế, đơn vị truyền tải nắm rõ tình trạng tuyến đường dây, thuận lợi cho vận hành và bảo dưỡng sau này. Lực lượng TVGS này phải huy động từ các đơn vị của công ty và NPT lên tới gần 200 người có trình độ và kinh nghiệm. Cán bộ TVGS đều phải có chứng chỉ hành nghề. Ðường dây 500 kV Sơn La-Hòa Bình-Nho Quan là một trong những công trình chuẩn quốc gia về chất lượng. Ngay từ bây giờ, việc bảo đảm an toàn, an ninh cho tuyến đường dây 500 kV là rất quan trọng, do đó việc phối hợp với chính quyền, công an các địa phương trong việc tuyên truyền cho người dân, dựa vào dân làm "tai mắt" bảo vệ tài sản của Nhà nước. Vừa qua, cũng nhờ các đơn vị NPT phối hợp tốt với chính quyền địa phương nên công tác giải phóng mặt bằng cho công trình đã được tiến hành rất thuận lợi.


Công việc của những cán bộ, công nhân truyền tải điện thì vất vả, liên tục di chuyển trên những địa hình phức tạp, thường phải xa gia đình, một hai tháng mới về thăm một lần là chuyện thường. Chính vì vậy, lãnh đạo NPT, công ty và các đoàn thể luôn quan tâm, bám sát công trường, động viên cả vật chất lẫn tinh thần nhân dịp Tết cho cán bộ, công nhân viên. Nhờ đó anh chị em "lính" truyền tải cảm thấy ấm lòng và yên tâm cống hiến vì công trình trọng điểm quốc gia, vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc.
 
 
                                                                               Theo ND

Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục