Nhiều khu vực bán bánh tập trung ở TPHCM treo bảng của những thương hiệu nổi tiếng nhưng thực chất bán lẫn lộn bánh của các cơ sở nhỏ, kể cả bánh dỏm không nhãn mác

 
Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Trung thu (rằm tháng 8 âm lịch) nhưng nay bánh trung thu dỏm đã tràn ra đường với giá rẻ bất ngờ. Cách quảng bá và đóng gói nhập nhèm của nhiều điểm bán khiến người mua rất dễ bị nhầm lẫn.
 

Bánh trung thu không thương hiệu bán tràn ngập ở chợ Bình Tây - TPHCM. Ảnh: XUÂN THẢO

 
Vỏ thật, ruột dỏm
 
Tại khu vực đường Cao Xuân Dục, quận 8, bánh trung thu “ba không” (không nhãn mác, không hạn sử dụng, không địa chỉ sản xuất) bày bán la liệt. Người bán giới thiệu bánh một trứng 250 g, giá 30.000 đồng/cái, mua nguyên hộp 4 cái được giảm còn 110.000 đồng. Chúng tôi đang chần chừ thì người bán giảm tiếp còn 100.000 đồng. Chúng tôi trả 80.000 đồng, người bán đồng ý ngay.
 

 Vuốt đuôi!

Theo một số cán bộ QLTT, giá bánh mỗi năm đều tăng từ 10% - 20%, điều này đã tạo cơ hội cho bánh giá rẻ tung hoành.
 
Bánh dỏm được bày bán tràn lan nhưng đến thời điểm này, chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra. Ngành y tế TPHCM cho biết đang có kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn. Tuy nhiên, dù có kiểm tra vào thời điểm này cũng không hiệu quả vì hiện phần lớn các cơ sở đã cơ bản hoàn tất khâu sản xuất.
 

Trong khi đó, theo Chi cục QLTT TPHCM, phải đến sát rằm tháng 8 âm lịch, đơn vị mới tung quân kiểm tra bánh trung thu.

Dọc theo Quốc lộ 50 từ khu vực Bến xe quận 8 nối sang huyện Bình Chánh, bánh trung thu nhãn hiệu lôm côm, kể cả bánh “ba không” cũng được bán ven đường khá nhiều, trong đó có cả hàng in nhái mẫu chữ của bánh trung thu Kinh Đô. Còn tại khu vực Chợ Lớn (gần Bến xe Chợ Lớn, quận 6), bánh trung thu của một số cơ sở còn nhái cả logo hình chiếc vương miện của Kinh Đô khá giống. Phần lớn các khu vực bán bánh dỏm đều treo bảng hiệu Kinh Đô, Đồng Khánh, Bibica nhưng bên trong đều là bánh của các cơ sở nhỏ hoặc bánh “ba không”.
 
Tại những khu vực ngoại thành, nhất là dọc theo các tuyến đường cửa ngõ giao thông vào TPHCM như Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, bánh dỏm cũng mặc sức tung hoành. Các điểm bán tập trung ở đây treo bảng Kinh Đô, Đồng Khánh rợp trời nhưng bên trong bán lẫn với bánh của các cơ sở nhỏ. Trên bao bì có ghi nhãn hiệu Đồng Khánh nhưng đều kèm theo hàng loạt chữ khác, kể cả chữ viết tắt. Chưa hết, bánh dỏm còn bán lưu động bằng xe ba bánh, xe tải nhẹ tập trung nhiều tại các khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc chỉ dựng lên cây dù và bày bánh ra khay bán ven đường.
 
Những người bán bánh dọc theo Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn) giới thiệu với khách toàn là bánh Kinh Đô nhưng chỉ bán... 10.000 đồng - 30.000 đồng/cái, mua nhiều còn được giảm giá đến 30% - 50%! Bánh giá rẻ này thuộc dạng “ba không”, trên bao bì chỉ ghi chữ “Moon cake” và một số chữ Hoa, hạn sử dụng ghi là 30 ngày nhưng không ghi ngày sản xuất.
 
Làm ăn chụp giật
 
Khảo sát tại chợ Bình Tây - quận 6 cho thấy bao bì từ hộp bánh trung thu cho đến bao nhựa gói từng chiếc bánh đều có bán tại đây. Ông Hứa Hồng, chủ một sạp ở chợ, cho biết nhiều cơ sở làm bánh đến đây đặt hàng số lượng lớn với giá bao gói nhựa chỉ 70.000 đồng - 80.000 đồng/kg; còn hộp giấy, túi xách từ 30.000 đồng - 50.000 đồng/kg, tùy loại. Chưa hết, bánh trung thu thuộc loại hàng xá (không bao bì) cũng được bày bán ở khu vực Chợ Lớn.
 
Ông Huỳnh Tâm, chủ một cơ sở bánh, cho biết đến mùa bánh trung thu, một số người nhảy vào làm ăn theo kiểu chụp giật. Họ mua bánh xá hoặc đến cơ sở nào đó đặt hàng giá rẻ mang về tự đóng gói rồi tung ra thị trường. Có người còn tạo niềm tin bằng cách in cả nhãn hiệu và địa chỉ “ma” để đánh lừa người tiêu dùng. Họ còn đưa cả gói hút ẩm, chống mốc thuộc loại hàng độc hại mua ở chợ Kim Biên (quận 5) vào.
 
Nhân bánh làm sẵn từ Trung Quốc
 
Thông tin từ một số cơ sở sản xuất bánh ở TPHCM cho thấy nhân bánh làm sẵn được một số người đến tận cơ sở làm bánh để chào hàng với giá rất rẻ. Nhân bánh đậu xanh, hạt sen, sô-cô-la, khoai tây, khoai môn, mè, khoảng 40.000 đồng - 45.000 đồng/kg; còn nhân thập cẩm từ 70.000 đồng - 75.000 đồng/kg. Người bán giới thiệu là hàng nhập từ Đài Loan hoặc một số nước Đông Nam Á nhưng trên bao gói đều không có nhãn mác, xuất xứ. Tuy nhiên, theo những người am hiểu, loại nhân làm sẵn này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhân làm sẵn có mùi thơm nồng hơn so với nhân của các cơ sở trong nước sản xuất do có sử dụng chất tạo mùi và phụ gia.
 
Tăng cường kiểm tra
 
Trong hai ngày 26 và 27-8, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã tiến hành thanh - kiểm tra hoạt động sản xuất bánh trung thu tại quận Tân Bình và huyện Hóc Môn - TPHCM. Ghi nhận ban đầu của đoàn thanh tra cho thấy một số tồn tại ở các cơ sở sản xuất bánh trung thu liên quan đến nguồn nguyên liệu, điều kiện vệ sinh... Thanh tra Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khắc phục những thiếu sót như bổ sung, làm rõ thời gian sản xuất đối với nguồn nguyên liệu, thay thế mặt nền khu vực làm bánh bằng gạch men...        
 
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, việc kiểm tra này sẽ kéo dài cho đến qua mùa Tết Trung thu.
 
Hiện TPHCM có khoảng 250 cơ sở sản xuất bánh trung thu đã đăng ký.

 

                                                                                           Theo NLĐ

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục