Các đơn vị thi công đang tập trung xe máy, phương tiện để san lấp mặt bằng làm đường cao tốc Hòa Lạc - TP Hòa Bình

Các đơn vị thi công đang tập trung xe máy, phương tiện để san lấp mặt bằng làm đường cao tốc Hòa Lạc - TP Hòa Bình

(HBĐT) - Xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn có 5/8 xóm là Trung Mường 1, Trung Mường 2, Cun, Rợn, Mùn 5 bị thu hồi đất nông nghiệp và đất thổ cư để xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - TP. Hòa Bình.

 

Tìm lời giải bài toán chuyển đổi nghề nghiệp?

Hiện nay, nhân dân xóm Trung Mường 2 đã nhận tiền đền bù với tổng số tiền trên 10 tỉ đồng. Khi nhận được chủ trương đầu tư, xã đã tuyên truyền cho nhân dân về sử dụng tiền đền bù, tiền bán đất hợp lý, không nên lãng phí và quan tâm học nghề. Tuy nhiên, do phong tục, tập quán và hầu như người dân chưa được cầm số tiền lớn một lúc bao giờ nên không ít hộ đã vung tay sử dụng phung phí. Có người đã mua ô tô, xe tải để chở hàng, chở khách nhưng cũng có người mua xe ga hạng sang, xe ô tô 4 chỗ chỉ để đi lại. Cả xã hiện có trên 50 xe ô tô.  Việc học nghề cũng chưa được nhân dân thực sự quan tâm, ngay cả giới trẻ. Mới đây, một số cơ sở hàn xì đến tận xã tuyển lao động để dạy nghề và làm việc nhưng chẳng có mấy ai để ý. Vài thanh niên được tuyên truyền đi học để  thành nghề thì chỉ sau vài ngày lại bỏ về. Vấn đề tạo việc làm ổn định lâu dài cho người dân sau thu hồi đất đang là bài toán khó.  ông Ngô Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Yên Quang trăn trở. Tìm việc làm cho thanh niên đã khó nhưng với những người từ 40 - 60 tuổi không có tay nghề, trình độ học vấn, không có khả năng học nữa càng khó khăn hơn. Hiện nay, hầu như bà con chưa có định hướng gì về chuyển đổi nghề nghiệp mà vẫn mơ hồ với những đồng tiền đền bù và lâng lâng với số tiền bán đất. Trong khi đó, nhiều người chưa tốt nghiệp THCS, THPT mà cũng không mặn mà đi học nghề. Trước đây có nhiều người đã từng đi làm ở Công ty Phú Đạt, Nhà máy nước Sông Đà - Hòa Bình nhưng do không có tay nghề nên đã bị trả về. Doanh nghiệp ở ngay trên địa bàn mà còn không trụ được huống chi là đi xin việc ở nơi khác?! Đất nông nghiệp và 66/90 ha đất lâm nghiệp đã trong quy hoạch thu hồi, chỉ còn lại rừng đặc dụng thuộc vườn quốc gia Ba Vì. Đây là loại rừng không được xâm phạm. Sau này, bà con  biết làm gì để sinh sống?   Anh Nguyễn Văn Hưng, trưởng xóm Rợn lo lắng. Cùng chung nỗi niềm đó, Bí thư chi bộ Nguyễn Ngọc Lan tâm sự: Sẵn tiền rồi, ngoài việc mua sắm đồ dùng, không ít người tổ chức ăn uống linh đình, say rượu lại  xảy ra xô xát mất tình anh em. Khi đó, tiền đúng là bạc. Tỉ phú như vậy liệu có bền vững không hay chỉ như cánh diều gặp gió bốc lên trời cao chốc lát rồi lại rơi xuống vỡ tan như bong bóng xà phòng, nghèo lại hoàn nghèo.

 

Đâu là giải pháp?

 

Xác định khâu tuyên truyền là một trong những biện pháp cần tích cực triển khai và thực hiện thường xuyên, càng sớm càng hiệu quả, xã thường xuyên lồng ghép nội dung này vào các cuộc họp xóm. Hệ thống loa phát thanh ở từng xóm cũng tập trung tuyên truyền về vấn đề sử dụng tiền đền bù để tái đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, gắn bó với thửa ruộng, tự nhiên bảo đi học làm chổi chít, mây tre đan, thêu ren, hàn xì... bước đầu cũng không dễ nhưng không phải không làm được. Huyện Kỳ Sơn cũng đã ưu tiên mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại các xã bị thu hồi đất. Từ đầu năm đến nay, huyện đã liên kết với các doanh nghiệp mở 1 lớp dạy nghề chổi chít cho 100 học viên, 1 lớp hàn xì cho 30 học viên xã Yên Quang. Một số người đã vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhưng có tới 70% số người đã học lại bỏ không theo làm. ông Ngô Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Yên Quang cho rằng, trình độ tay nghề và ý thức của người dân còn thấp nên chính họ không mặn mà hoặc không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Mặt khác, khi túi tiền của họ còn rủng rỉnh họ cũng chưa mấy quan tâm đến việc học nghề. Do vậy, thời gian tới, xã sẽ tăng cường tuyên truyền tới từng hộ gia đình để người dân thấy được tầm quan trọng của việc trang bị cho mình kiến thức, nghề nghiệp cần thiết khi không còn đất sản xuất. Đồng thời, cán bộ, đảng viên sẽ là những người tiên phong trong thực hiện vấn đề này. Từ đó, vận động con em, cộng đồng cùng làm theo. Điều quan trọng nhất là bản thân từng người phải thay đổi nhận thức, suy nghĩ của mình để theo kịp sự thay đổi và đón đầu được cơ hội mà dự án đem lại. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là huyện Kỳ Sơn chưa xây dựng được trung tâm dạy nghề mà vẫn phải học nhờ tại nhà văn hoá các xóm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy nghề. Bà Nguyễn Thị Xuyên, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Để khắc phục vấn đề này, trước mắt huyện sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở các lớp dạy nghề phù hợp cho nông dân. Sau khi học nghề, người dân sẽ được làm việc cho chính doanh nghiệp đó. Huyện sẽ tiếp tục dành ưu tiên cho những xã bị thu hồi đất như Yên Quang.

 

                                                                                             Cẩm Lệ

  

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục