Dũng Phong - xã điểm thực hiện chương trình xây dựng NTM  của huyện Cao Phong đã tập trung đầu tư phát triển GTNT đem lại diện mạo mới cho nông thôn.

Dũng Phong - xã điểm thực hiện chương trình xây dựng NTM của huyện Cao Phong đã tập trung đầu tư phát triển GTNT đem lại diện mạo mới cho nông thôn.

(HBĐT) - Chương trinh mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đang được đẩy mạnh triển khai trên phạm vi cả nước, nhằm mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng KT-XH thiết yếu ở nông thôn theo chuẩn NTM, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng được cơ bản hệ thống giám sát ô nhiễm nông thôn, cơ bản xây dựng xong kết cấu hạ tầng KT-XH theo chuẩn NTM...

 

Tỉnh ta đã triển khai thực hiện ở 11 xã điểm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp một số khó khăn. PV Báo Hoà Bình đã phỏng vấn đồng chí Bùi Ngọc Đảm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của tỉnh về vấn đề này.  

PV: Xin đồng chí khái quát đôi nét về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và cho biết sự khác biệt của chương trình lần này so với nhiều chương trình xây dựng nông thôn đã được tiến hành từ nhiều năm trước đây?

Đồng chí Bùi Ngọc Đảm: Có thể nói đây là chương trình rất lớn và toàn diện, lần đầu tiên được thực hiện tại nước ta trên quy mô cả nước. Theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/T.ư của T.ư phải xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng KT-XH từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần đó, NTM có 5 nội dung cơ bản. Thứ nhất, là nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại. Hai là, sản xuất bền vững, theo hướng hàng hóa. Ba là, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Bốn là, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển. Năm là, xã hội nông thôn được quản lý tốt và dân chủ. Để xây dựng nông thôn với 5 nội dung đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM bao gồm 19 tiêu chí.

Về một số khác biệt, có thể nói, xây dựng nông thôn đã có từ lâu tại Việt Nam. Có thời điểm chúng ta xây dựng mô hình nông thôn ở cấp huyện, cấp thôn, nay chúng ta xây dựng cấp xã. Khác biệt trước hết là chúng ta xây dựng theo tiêu chí chung cả nước được định trước. Khác biệt thứ hai là cộng đồng dân cư là chủ thể của xây dựng NTM, không phải ai làm hộ, người nông dân tự xây dựng. Khác biệt thứ ba, đây là một chương trình khung bao gồm 11 chương trình mục tiêu quốc gia và 13 chương trình có tính chất mục tiêu đang diễn ra tại nông thôn.

 

PV: Để thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM, vấn đề đặt ra là cần phải phát huy được vai trò chủ thể của người nông dân. Vậy vai trò chủ thể đó cần được phát huy trên lĩnh vực nào và làm thế nào để phát huy được? 

 

Đồng chí Bùi Ngọc Đảm: Trong Nghị quyết Trung ương 7 có nói rõ vai trò chủ thể của người nông dân. Nói một cách khái quát, mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ, thay vì như khẩu hiệu mà chúng ta đang thực hiện hiện nay là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Chương trình NTM là một trong những nội dung nhiệm vụ trọng tâm rất quan trọng để thực hiện Nghị quyết 26. Nông dân phấn khởi bởi đây là chương trình hết sức tổng hợp bao gồm nhiều nội dung về kinh tế, xã hội, văn hóa...Đặc biệt, việc xây dựng NTM tạo ra những giá trị mới của nông thôn để có một nông thôn hiện đại với giá trị mới về kinh tế, văn hóa, tổ chức của cộng đồng. Cuối cùng, thành công là tạo được sự đồng thuận của người dân. Người dân trực tiếp tham gia quy hoạch cụ thể thì mới thành công được. Để sát thực với người nông dân trong khâu quy hoạch nông thôn người dân phải bàn và tham gia ngay từ đầu, là khâu hết sức quan trọng, có tính chất lâu dài. Thứ hai, thảo luận, bàn bạc xong rồi, khi triển khai, người dân quyết định cái gì làm trước, cái gì làm sau phù hợp với nguồn lực của chính họ, của địa phương và của Trung ương hỗ trợ cho họ để đạt hiệu quả nhất. Thứ ba, công trình nào mà người dân làm được thì để người dân làm, không phải cái gì cũng thuê. Họ có thể có thu nhập, đồng thời có thể đóng góp sức lực cho công cuộc xây dựng NTM thông qua việc xây dựng công trình đó. Thứ tư, là làm cho từng người dân tự giác chỉnh trang nhà họ theo quy hoạch chung của xã, đóng góp cho văn minh, sạch đẹp của làng xã từ chính nhà mình. Thứ năm, người nông dân phải thực sự hiểu được, thấy được là họ làm cho chính mình, thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Theo nhận thức của chúng tôi, người nông dân là chủ thể ở NTM.

 

 PV: Chương trình xây dựng NTM được thực hiện trên cơ sở có sự đầu tư của Nhà nước và sự phát huy nội lực của địa phương. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về phần đầu tư của mỗi bên?

 

Đồng chí Bùi Ngọc Đảm: Thực tiễn cho thấy, cơ cấu vốn là 40% từ ngân sách Nhà nước bao gồm 2 khoản. Khoản 1 là các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình có mục tiêu trên địa bàn nông thôn chiếm 23%. Khoản thứ 2 xuất phát từ yêu cầu xây dựng NTM. Nhà nước bổ sung hỗ trợ thêm 17% cho 8 nhóm, như: nước sạch môi trường, đường liên thôn, liên xóm, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi kênh mương nội đồng... 8 công trình Nhà nước hỗ trợ, 7 công trình  Nhà nước đầu tư 100% vốn. Tổng số vốn từ 2 loại này chiếm 40%. Còn 60% còn lại gồm 30% vay của ngân hàng đầu tư sản xuất cho người dân và công trình phúc lợi... 20% nữa do doanh nghiệp đầu tư. Thực tế các xã đạt NTM đều có vai trò của doanh nghiệp, đây là khâu bền vững. 10% còn lại là từ nguồn của người dân. Người dân trước hết tự bỏ tiền của để sửa sang các công trình, đầu tư sản xuất của chính họ trên đất của họ, trong đó, một số ít cũng tham gia vào các công trình công cộng. Cũng có nơi huy động ngày công, có nơi hiến đất cũng có nơi đóng tiền.

 

PV: Theo đánh giá của Ban chỉ đạo chương trình thì tiến độ xây dựng NTM ở tỉnh ta còn chậm so với kế hoạch. Theo đồng chí đâu là khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong  triển khai thực hiện chương trình? Cách giải quyết những khó khăn, vướng mắc này?

 

Đồng chí Bùi Ngọc Đảm: Tôi cho khó khăn lớn nhất là nhận thức về mục tiêu chương trình không chỉ là trong người dân mà ngay cả trong Ban chỉ đạo các cấp. Do đó, trong thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân có thể hiểu được, để cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực hơn nữa. Vấn đề thứ hai là nguồn lực để xây dựng NTM. Xây dựng NTM phải có lộ trình. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn và đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn, theo tôi, cần có cơ chế lồng ghép với các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn để phát huy hiệu quả cao nhất. Vấn đề thứ ba là mối quan hệ giữa nông thôn truyền thống và NTM. Phải làm sao vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc của nông thôn truyền thống, nhưng cũng chứa đựng yếu tố hiện đại phù hợp với nhu cầu con người, với xu thế phát triển. Vấn đề nữa là phải có giải pháp xử lý các mâu thuẫn ở nông thôn, đảm bảo an ninh trên địa bàn, đưa nông thôn phát triển bền vững.

 

 PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

                                                                                   Đinh Thắng

 

 

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục