Chỉ khoảng 65% các dự án nguồn điện trong tổng sơ đồ điện VI vận hành đúng tiến độ. Ảnh: T.X

Chỉ khoảng 65% các dự án nguồn điện trong tổng sơ đồ điện VI vận hành đúng tiến độ. Ảnh: T.X

Thiếu vốn, thủ tục đầu tư phức tạp và năng lực nhà thầu yếu được xem là những “thủ phạm” dẫn đến việc chậm tiến độ của hầu hết các công trình điện.

Tại hội thảo “Bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ các giải pháp năng lượng của đất nước” do Hiệp hội Năng lượng VN tổ chức trong tuần qua tại Hà Nội, thông tin được đưa ra là chỉ có khoảng 65% các dự án (DA) nguồn điện trong tổng sơ đồ điện VI (giai đoạn 2006-2010) đưa vào vận hành đúng tiến độ.

Nhiều dự án chậm từ 1-3 năm

Ông Vũ Mạnh Hùng - Phó TGĐ Tập đoàn CN Than - Khoáng sản VN (TKV-Vinacomin) - cho biết: Đến thời điểm này, Vinacomin đã có 5 DA nhiệt điện (NĐ) với tổng công suất lắp đặt 1.110MW đang vận hành phát điện và các nhà máy NĐ than lớn đang tham gia cùng EVN, nhưng hầu hết các nhà máy NĐ than đều có vấn đề về chậm tiến độ. Nguyên nhân chậm tiến độ bắt đầu từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư do thời gian thực hiện thông thường phải mất từ 2-3 năm, thủ tục đầu tư rất phức tạp.

Giai đoạn thực hiện đầu tư cũng phải tiến hành qua các bước khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán... mất khoảng 6 tháng đến 1 năm. Thủ tục xin giao đất, đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu EPC... mất từ 1-2 năm. Đối với các DA NĐ than, nguy cơ chậm tiến độ luôn tiềm ẩn do cả hai phía: Chủ đầu tư và nhà thầu và chủ yếu là từ nhà thầu.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Hiện thời gian thực hiện hợp đồng EPC đối với các DA điện cũng chưa thống nhất và chưa có quy định cụ thể, chỉ chủ yếu phụ thuộc vào thoả thuận giữa chủ đầu tư và nhà tổng thầu EPC. Thông thường, với hợp đồng EPC nhiệt điện đốt than, nhà thầu phải bàn giao cho chủ đầu tư vận hành thương mại trong thời gian tối đa đến 42 tháng, nhưng do năng lực quản lý điều hành của tổng thầu hạn chế nên việc chậm tiến độ xảy ra như “cơm bữa”. Việc trục trặc đối với các nhà máy NĐ than, theo thống kê, có tới 70% các sự cố xảy ra có nguyên nhân từ lò hơi. Nhưng lò hơi lại không được thiết kế, chế tạo phù hợp với chủng loại than, khiến DA bị chậm trễ.

Là nhà đầu tư điện lớn thứ hai hiện nay, song Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) cũng đang gặp khó bởi áp lực thu xếp vốn cho các DA NĐ than với tổng mức đầu tư khoảng trên 1,5 tỉ USD/DA. Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho DA cơ sở hạ tầng dùng chung cũng rất lớn. Hiện PVN đang phải ứng trước vốn để triển khai các hạng mục cơ sở hạ tầng dùng chung, sau khi hoàn thành và có các chủ đầu tư DA cụ thể thì mới phân bổ lại chi phí cho các chủ đầu tư này. Việc thu xếp vốn cho phần đầu tư này vì thế rất khó khăn, vì hiệu quả đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn hoàn toàn phụ thuộc vào các chủ đầu tư nhà máy, nên các ngân hàng không mặn mà cho vay.

Khó tìm được tiếng nói chung

Về phía Tập đoàn Điện lực VN, theo một đại diện TCty Điện lực Miền Bắc (NPC), vốn đang là vấn đề cực kỳ nan giải. Hiện 2 nguồn vốn chính của NPC là vốn khấu hao cơ bản để lại và nguồn vốn vay, nhưng hiện nguồn vốn khấu hao cơ bản từ năm 2010 dự kiến sẽ gần như  không còn. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu là vay thương mại (chiếm 55-61% tổng khối lượng đầu tư) trong bối cảnh lãi suất vay cao và không ổn định, không có ân hạn về trả gốc và lãi vay. Trong khi giá đầu vào đều tăng cao, thì giá điện vẫn chưa thật sự theo giá thị trường.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, sở dĩ thời gian qua, các DA điện khó tìm được “tiếng nói chung” giữa người bán và người mua là bởi giá điện ở VN dù đã được cải thiện một bước, nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực, nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Giai đoạn trước mắt khi mức chi trả của người dân chưa thể theo kịp với tốc độ tăng của giá cả hàng hoá, thì khó nói tới việc đầu tư cho đủ điện, càng chưa thể nói đến cạnh tranh. Các nhà đầu tư luôn muốn tối đa hoá lợi nhuận, trong khi giá điện ở VN chưa thể đáp ứng được điểm hòa vốn, vì vậy EVN cũng không thể đàm phán giá điện ở mức cao để rồi gánh lỗ.

Để đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục cho nhu cầu xã hội với nhu cầu điện hằng năm tăng trưởng ở mức 13-15%/năm, theo ước tính, tổng vốn đầu tư cho phát triển hệ thống điện trong 20 năm tới rất lớn - khoảng 124 tỉ USD, bình quân hằng năm khoảng 6,8 tỉ USD (gồm đầu tư thuần và lãi xây dựng), bao gồm cả nguồn, lưới truyền tải và phân phối điện, trong đó giai đoạn 2011-2020 trung bình gần 5,5 tỉ USD/năm với cơ cấu 67,4% cho các nhà máy điện và 33,6% cho xây dựng lưới điện.

Vì vậy, giá thành trung bình dài hạn cho sản xuất, truyền tải và phân phối điện sẽ tăng lên khoảng trên 8,8 UScent/kWh vào năm 2020, trong đó riêng giá thành sản xuất điện khoảng 6,8 UScent/kWh. Trong khi, giá điện tăng thời gian qua chỉ đủ chạy theo trượt giá và thực tế vẫn đứng ở mức bình quân không quá 5,5 UScent/kWh. Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, vấn đề quan trọng là Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ nút thắt về giá để thu hút đầu tư vào điện để có đủ điện, từ đó những khó khăn sẽ dần được tháo gỡ.

                                                                     Theo Báo Laodong

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục