Nông dân Tiền Giang đang thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn (Nguồn: Chinhphu.vn)

Nông dân Tiền Giang đang thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn (Nguồn: Chinhphu.vn)

Góp phần xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" được coi là hướng đi đúng hiện nay.

 

Trong sản xuất lúa gạo nói riêng và trong trồng trọt nói chung, sản xuất nông nghiệp hàng hoá trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với cơ sở chế biến là một nội dung quan trọng trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu và hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, nhiều nơi trong cả nước đã hình thành nhiều mô hình khác nhau trong sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, trên phạm vi cả nước, việc các nông hộ, các doanh nghiệp chế biến nông sản, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chưa thực sự liên kết chặt chẽ. Mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp không đạt hiệu quả như mong đợi. Nông dân vẫn sản xuất manh mún; nhiều doanh nghiệp chế biến không chủ động được nguyên liệu, xuất hiện lúc thừa, lúc thiếu nguyên liệu; doanh nghiệp xuất khẩu không có hàng kịp thời để xuất khẩu theo hợp đồng. Thực tế đó làm cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế bị phá vỡ, sản xuất không ổn định,... Như vậy, để sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản ổn định, cần phải có một hình thức sản xuất ổn định - mô hình liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Đặc biệt trong bối cảnh của hội nhập ngày càng sâu, rộng hiện nay, nếu sản xuất nông nghiệp không có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, xuất khẩu sẽ rất khó khăn trong cạnh tranh.

Một mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" ở Thanh Hóa (Ảnh: Đ.H)

Hình thành liên kết 4 nhà

Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động ngày 26/3/2011 tại thành phố Cần Thơ, được các tỉnh Nam Bộ hưởng ứng nhiệt tình và được coi là hướng đi quan trọng trong sản xuất hàng hóa nông sản theo hướng sản xuất lớn. “Cánh đồng mẫu lớn” từng bước đã tạo ra mối liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Từ thực tiễn “Cánh đồng mẫu lớn” ở phía Nam đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt so với cánh đồng khác, vụ xuân 2012, mô hình này được thí điểm thực hiện ở 4 tỉnh phía Bắc là Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình và Hà Nội. Kết quả thí điểm mô hình này ở 4 tỉnh trên trong vụ xuân 2012 đều cho kết quả tốt, bước đầu nông dân đã tin tưởng thực hiện. Trên cơ sở đó, mô hình này đã được nhiều tỉnh ở phía Bắc triển khai. Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ hè thu và vụ mùa 2012 tại phía Bắc đã có thêm các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An… đồng loạt triển khai mô hình "Cánh đồng mẫu lớn". Diện tích thực hiện mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" ngày càng tăng. Trong vụ đông xuân 2011-2012, tổng diện tích thực hiện thí điểm mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" tại một số tỉnh phía Bắc khoảng 6.248 ha; thì đến vụ hè thu 2012, con số này đã lên tới 12.575 ha.

Mô hình "Cánh đồng mẫu lớn", thực chất là sự liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp. Với vai trò và trách nhiệm của mình, Nhà nước đã xây dựng chiến lược, tạo hành lang pháp lý bằng các chỉ thị, nghị quyết, phát động phong trào, xây dựng cơ chế chính sách, hỗ trợ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng về thủy lợi, đường giao thông, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam nói chung và thương hiệu lúa gạo của các tỉnh nói riêng. Chẳng hạn, tỉnh Thái Bình có chính sách hỗ trợ xây dựng 9 mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng trong 2 năm 2012-2013 để hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ kinh phí tập huấn và in sổ ghi chép đồng ruộng cho nông dân; hoặc tại Nghệ An, địa phương đã hỗ trợ tổ chức hội thảo đầu bờ, tập huấn, tuyên truyền với mức 15 triệu đồng/1 cánh đồng mẫu, hỗ trợ 30% giá các loại vật tư chủ yếu như phân bón, chế phẩm sinh học,… để đầu tư đủ quy trình sản xuất hiện hành; hỗ trợ nông dân mua máy cày đa chức năng công suất từ 8CV-30CV và máy công tác kèm theo (bánh lồng, phay, lưỡi cày, rơ moóc,…); hoặc tại Hải Dương, địa phương hỗ trợ 4.000 đồng/kg đối với giống lúa lai, 8.000 đồng/kg đối với lúa chất lượng cao. Ngoài mức hỗ trợ về giống, địa phương này còn hỗ trợ thêm cho nông dân tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với mức 2,4 triệu đồng/ha… Một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long cũng thực hiện hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân định kỳ 3-4 tháng/lần; hỗ trợ 30-50% tiền đầu tư mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất như công cụ hạ sàng, lò sấy,…

Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã có những đóng góp mới, có sự hỗ trợ mới cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều giống lúa lai mới, có năng suất cao, có khả năng canh tác ở nhiều vùng sinh thái khác nhau được sản xuất. Thời gian qua, Nhà nước đã có sự đầu tư mạnh cho công tác nghiên cứu sản xuất giống lúa mới. Những dự án nghiên cứu này được nhiều bộ, ngành và địa phương tham gia. Các chương trình này đã góp phần giải quyết những khâu quan trọng trong việc phát triển giống lúa mới như đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đồng ruộng, mua sắm trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực,… Chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Dự án Sản xuất giống lúa lai tại huyện Eakar và huyện KrôngPăc tỉnh Đắc Lắc giai đoạn 2011-2015 với tổng mức đầu tư là 370,108 tỷ đồng; Dự án Sản xuất giống lúa lai hai dòng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo do Trường Đại học Nông nghiệp I làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 27,812 tỷ đồng; một số dự án do địa phương triển khai như Dự án Đầu tư vùng nhân dòng giống lúa bố mẹ và vùng sản xuất hạt giống lúa lai tại tỉnh Lào Cai với tổng mức đầu tư 34,967 tỷ đồng; Dự án Phát triển vùng sản xuất giống lúa lai tỉnh Quảng Nam với tổng mức đầu tư 128,563 tỉnh đồng. Ngoài ra, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất lúa giống, như Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định) đã đầu tư 10 tỷ đồng mua bản quyền sản xuất giống lúa lai hai dòng TH3-3 từ Viện Sinh học Nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội… Nhìn chung, các tiến bộ khoa học về giống cây trồng mới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật thâm canh, quản lý cây trồng, cơ giới hóa và công nghệ sau thu hoạch từng bước được áp dụng đồng bộ trên mô hình "Cánh đồng mẫu lớn". Ngoài ra, mô hình này cũng có sự tham gia trực tiếp hướng dẫn và chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của các nhà khoa học và cán bộ quản lý.

Nhờ sự vào cuộc trực tiếp của các nhà khoa học, nhà nông bước đầu đã thực hiện được tất cả các công đoạn sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch theo các quy trình công nghệ do các nhà khoa học đề xuất. Các loại vật liệu và vật tư như giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón do các doanh nghiệp cung ứng đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý. Cũng nhờ việc áp dụng thống nhất quy trình kỹ thuật tiên tiến nên nhà nông đã giảm được chi phí cho sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện sản xuất trên "Cánh đồng mẫu lớn", nhà nông được bổ sung, tích lũy và nâng cao nhận thức và kiến thức về khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Nhờ đó, năng suất và chất lượng lúa ở mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" cao hơn hẳn và chi phí sản xuất thấp hơn.

Điểm nổi bật của mô hình "Cánh đồng mẫu lớn", đó là sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân yên tâm sản xuất. Đã có nhiều loại hình doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện vào mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" như công ty cung ứng giống, công ty cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công ty về cơ điện nông nghiệp cung cấp thiết bị, máy móc thực hiện cơ giới hóa, công ty lương thực xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm,…Có nhiều doanh nghiệp đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, giúp cho nông nghiệp tránh được tình trạng sản phẩm của nông dân bị tư thương ép giá.

Thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp đã hỗ trợ nhà nông trên nhiều phương diện khác nhau. Chẳng hạn, Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã hỗ trợ nông dân trong xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn" bằng phương thức cho nông dân vay phân bón, giống, đến cuối vụ thanh toán không thu lãi; cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với địa phương thực hiện đúng quy trình kỹ thuật; thu mua sản phẩm của nông dân với giá cao hơn 1,1 lần giá thị trường tại thời điểm thu mua. Hoặc ở các tỉnh phía Nam, Công ty CP Bình Điền bán phân bón cho nông dân theo giá gốc, hỗ trợ chi phí vận chuyển và cho nông dân nợ 4 tháng; Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân với lãi suất 0%, sau khi thu hoạch, nông dân được hỗ trợ chi phí vận chuyển, sấy và lưu kho trong 30 ngày; Công ty Lương thực Long An thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn từ 100-150 đồng/kg…

Những điểm yếu cần khắc phục

Nhìn chung, mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" đã góp phần thúc đẩy nông dân tự nguyện dồn điền đổi thửa, quy hoạch thiết kế lại đồng ruộng, cải tạo nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng,… Qua đó, nhà nông từng bước tiến tới sản xuất hàng hóa nông sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện cho việc phân công lại lao động trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" cũng bộc lộ một số yếu điểm cần sớm khắc phục, đó là: mô hình này tuy được triển khai đồng đều ở các tỉnh phía Nam, nhưng ở các tỉnh phía Bắc, đa số nông dân chưa có kinh nghiệm sản xuất tập trung theo kiểu mô hình "Cánh đồng mẫu lớn". Số hộ nông dân tham gia trong một mô hình còn nhiều, trình độ hiểu biết, tiếp thu về kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp không đồng đều. Nông dân còn thụ động trong việc chăm sóc, phát hiện và xử lý các giải pháp kỹ thuật mặc dù đã được tập huấn, còn lệ thuộc vào tập thể và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trong lúc chờ giá lúa, nông dân được gửi lúa miễn phí 30 ngày tại kho
của Công ty cổ phần BVTV An Giang (Nguồn: nongthonmoihatinh.vn)

Các doanh nghiệp tham gia trong cùng một "Cánh đồng mẫu lớn" còn hoạt động riêng lẻ, chưa có doanh nghiệp nào đứng ra để tập hợp các doanh nghiệp cùng thảo luận, bàn bạc gắn kết hợp tác, triển khai hợp đồng với đại diện của hộ nông dân (hợp tác xã) theo thế mạnh riêng của từng doanh nghiệp. Hợp đồng kinh tế về thu mua sản phẩm của doanh nghiệp với đại diện hộ nông dân còn mang tính nguyên tắc, chưa có tính pháp lý cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng còn thấp, giao thông và thủy lợi chưa thuận lợi cho cả tưới và tiêu nước. Công nghệ chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch còn thấp như hệ thống sấy hạt và đóng bao công suất lớn, thiếu hệ thống thiết bị chế biến bảo đảm chất lượng gạo theo tiêu chuẩn hàng hóa,…

Hướng tới phát triển bền vững

Để khắc phục những điểm yếu nêu trên nhằm mở rộng và phát triển bền vững mô hình "Cánh đồng mẫu lớn", đòi hỏi các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình này một cách thường xuyên hơn. Sớm xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách chủ động, kịp thời và đồng bộ trong việc triển khai thực hiện "Cánh đồng mẫu lớn" từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã và phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái, từng địa phương. Nhà nước và các cấp quản lý cần tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ quy hoạch đồng ruộng, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ một phần giống, vật tư cho năm đầu xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn". Trong quá trình triển khai thực hiện "Cánh đồng mẫu lớn", các địa phương cần tổng kết các mô hình để rút ra bài học cho việc thực hiện, mở rộng các loại mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" cho các đối tượng cây, con khác phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương.

Cần sớm xây dựng liên danh chuỗi các doanh nghiệp tham gia xây dựng mô hình "Cánh đồng mẫu lớn", xác định được doanh nghiệp đủ mạnh có thể đứng ra “làm nhạc trưởng” để cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân cần phải được thực thi bằng hợp đồng kinh tế sao cho đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người nông dân trong chuỗi giá trị tạo ra. Người nông dân và các thành viên tham gia trong "Cánh đồng mẫu lớn" cần được tập huấn về quy trình kỹ thuật trước khi thực hiện. Đồng thời, các hộ nông dân cần thống nhất cùng hành động thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật đã ban hành, chấp hành các giải pháp kỹ thuật tiên tiến đã được công nhận do các nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật được phân công hướng dẫn thực hiện.../.

 

                                                               Theo Báo ĐCSVN

 

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục