Bản Bước, xã Xăm Khòe (Mai Châu) phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Bản Bước, xã Xăm Khòe (Mai Châu) phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

(HBĐT) - Là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, cửa ngõ của thủ đô Hà Nội, hệ thống giao thông nối liền với các tỉnh đồng bằng và một số tỉnh vùng Tây Bắc; tiềm năng phát triển đa dạng, phong phú cả về du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái... Tuy những năm gần đây, du lịch tỉnh ta đã có những bước phát triển tích cực, góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Song, trên thực tế phát triển du lịch chưa xứng với tiềm năng, chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như kỳ vọng của tỉnh.

 

Những chuyển biến bước đầu

 

Với mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành và toàn dân, xây dựng và phát triển ngành du lịch của tỉnh trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, kinh doanh có hiệu quả, thu hút nhiều lao động, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, tăng thu ngân sách Nhà nước, góp phần xoá  đói - giảm nghèo..., ngày 21/8/2007, Tỉnh ủy đã ban hành NQ số 11-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2007-2010, định hướng đến 2015. Thực hiện NQ của Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ phát triển du lịch thông qua việc xây dựng, thực hiện quy hoạch phát triển du lịch tỉnh đến năm 2015 và một số quy hoạch cấp huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Đà Bắc. Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch; phối hợp tổ chức thực hiện các dự án nguồn T.ư hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch... Theo đó, công tác tuyên truyền, quảng bá được quan tâm bằng việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch; chủ động phối hợp với các tỉnh  vùng Tây Bắc và các đơn vị tổ chức sự kiện quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa và các sản phẩm du lịch của tỉnh. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo các địa phương tổ chức lễ hội truyền thống như: lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy), lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội đền Bờ (Cao Phong, Đà Bắc); lễ hội Xên Mường (Mai Châu)... Từ những hoạt động này bước đầu đã giới thiệu hình ảnh du lịch của tỉnh tới du khách trong và ngoài nước.

 

Song song với giới thiệu, quảng bá, việc thu hút đầu tư xây dựng và phát triển các loại hình dịch vụ du lịch được coi trọng. 5 năm qua, từ nguồn hỗ trợ của T.ư đã đầu tư cho tỉnh 54,5 tỷ đồng triển khai 13 dự án hạ tầng du lịch. Đồng thời, có 14 dự án được tỉnh cấp phép đầu tư với số vốn đăng ký trên 2.353 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 36 dự án lĩnh vực du lịch được cấp phép đầu tư với tổng số vốn 4.836 tỷ đồng và 38 triệu USD, trong đó có 8 dự án đi vào hoạt động bước đầu tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Bên cạnh đó, việc phát triển các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh được coi trọng. Đến năm 2012, toàn tỉnh đã có 240 khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch với 20 khách sạn. Các loại hình du lịch văn hóa gắn du lịch sinh thái, tín ngưỡng, tâm linh ngày càng phát triển. Một số huyện, thành phố đã xây dựng được 5 tuyến du lịch mới là đi bộ, leo núi, xe đạp địa hình, du lịch văn hóa dân tộc, sinh thái thu hút được lượng khách đáng kể. Qua đó, trong giai đoạn 2007-2012, toàn tỉnh đã thu hút trên 6,3 triệu lượt khách đến tham quan du lịch. Tốc độ tăng số lượng khách bình quân đạt 23,8%/năm. Doanh thu từ du lịch đạt 2.030 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 18,9%/năm.

 

Còn đó những khó khăn

 

Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định, song các chỉ tiêu về phát triển du lịch vẫn chưa đạt so với mục tiêu NQ số 11 của Tỉnh ủy đề ra. Theo đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, du lịch tuy có bước phát triển tích cực nhưng chưa xứng so với tiềm năng của tỉnh. Hiện tại, ngành du lịch còn thiếu cán bộ có chuyên môn và công tác quy hoạch, định hướng về du lịch còn là khâu yếu. Do vậy, nhiệm vụ trước mắt cần phải kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là cán bộ làm công tác quản lý về du lịch.

 

Ông Đỗ Văn Hạnh, Phó GĐ Sở VH-TT&DL đánh giá: Nhân lực làm công tác QLNN về du lịch của tỉnh còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt là cấp huyện hầu như không có cán bộ làm công tác tham mưu về du lịch. Được biết, năm 2008, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đoàn công tác đi khảo sát, học tập kinh nghiệm tại nước Pháp. Tại đây, phía bạn đã cam kết giúp đỡ tỉnh mỗi năm cử 2 cán bộ tham gia nghiên cứu, học tập về chuyên ngành du lịch tại các trường đại học nhưng mấy năm qua, tỉnh vẫn chưa lựa chọn được cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn để cử đi đào tạo. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.500 cán bộ, công chức, người lao động hoạt động du lịch, song phần lớn chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực này.

 

Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến, quảng bá về du lịch của tỉnh chưa mang tính chuyên nghiệp cao, chưa có nhiều tài liệu, ấn phẩm giới thiệu về tiềm năng của tỉnh và về từng điểm du lịch. Toàn tỉnh không có đơn vị, tổ chức nào thực hiện chức năng thông tin tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Công tác nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch mang tính chiến lược chưa được tập trung đúng mức. Sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, phong phú. Các đơn vị kinh doanh du lịch mới có khoảng 30% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn lại 70% là hộ kinh doanh và mới chỉ tập trung chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú chứ không có nhiều khu, điểm du lịch vui chơi giải trí chất lượng cao, dịch vụ tốt. Hiện, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế, đại lý, chi nhánh, văn phòng đại diện lữ hành quốc tế...


 

Một khó khăn nổi cộm trong lĩnh vực du lịch là công tác xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức. Quy hoạch tổng thể du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2001-2010 đã hết hạn nhưng chưa được rà soát điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng quy hoạch giai đoạn tiếp theo và vẫn còn 7 huyện, thành phố chưa xây dựng được quy hoạch. Cùng với đó, quy hoạch khu du lịch hồ Hòa Bình giai đoạn 2006-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khu vực nhiều tiềm năng để phát triển thành khu du lịch quốc gia, song đến nay, việc triển khai thực hiện còn gặp không ít khó khăn do cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông.

 

Ngoài ra, nguồn vốn đối ứng của ngân sách tỉnh bố trí cho các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch thực hiện từ nguồn hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch ngân sách T.ư chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư và sự phát triển của ngành. ông Đỗ Văn Hạnh, Phó GĐ Sở VH-TT&DL cho biết thêm: Từ năm 2007- 2012, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư 14 dự án với khoảng 67 tỷ đồng, nhưng kinh phí đầu tư hạ tầng du lịch ngành VH-TT&DL không được biết dẫn đến việc đầu tư dàn trải, không đúng trọng điểm, phát huy hiệu quả thấp. Hiện, toàn tỉnh có 37 di tích lịch sử văn hóa cấp bộ, 22 di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên mỗi năm chỉ có hơn 1 tỷ dành cho đầu tư tôn tạo, do vậy những nơi này chưa trở thành điểm du lịch để thu hút du khách cũng như nâng cao hiệu quả du lịch...

 

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, “Trong thời gian tới, tỉnh ta cần lập quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030. Các huyện, thành phố cũng nên chú trọng lập quy hoạch về du lịch cho địa phương mình. Bên cạnh đó cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng du lịch; giao kinh phí đầu tư du lịch cho ngành văn hóa để có sự đầu tư trọng điểm. Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, kể cả cán bộ quản lý, tỉnh ta nên thành lập Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch nhằm tằng bước tháo gỡ khó khăn nhân lực và cơ sở hạ tầng du lịch” - ông Đỗ Văn Hạnh nhận định.

 

 

                                                                                Hoàng Nga

 

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục