Tuyến đường xóm Nghê - Đăm, xã Đồng Nghê (Đà Bắc) dài 5,2 km được Nhà nước đầu tư giúp phát triển KT-XH xóm khó khăn nhất của tỉnh.

Tuyến đường xóm Nghê - Đăm, xã Đồng Nghê (Đà Bắc) dài 5,2 km được Nhà nước đầu tư giúp phát triển KT-XH xóm khó khăn nhất của tỉnh.

(HBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 36 xóm đặc biệt khó khăn có địa hình hiểm trở, chia cắt rất phức tạp, chủ yếu là đồi, núi cao, đất sản xuất có độ dốc lớn, đất đai nhiều nhưng diện tích sản xuất ổn định rất ít, tỷ lệ hộ nghèo cao, thiếu đường giao thông, điện lưới, nước sinh hoạt, xa trung tâm xã... Những xóm này cần có cơ chế, chính sách và sự giúp đỡ của Nhà nước phát triển KT- XH.

 

Nghèo và thiếu

 

Theo khảo sát  36 xóm này có 2.233 hộ dân với 10.089 khẩu, trong đó, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tới 92,2%. Thu nhập và mức sống người dân thấp, chỉ đạt bình quân 4,1 triệu đồng/người/năm, so với bình quân chung của tỉnh, mức sống này chỉ đạt từ 25-30%, cá biệt có thôn dưới mức 3 triệu đồng/người/năm (như thôn Kế, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) ở mức 2,9 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo ở các xóm này chiếm  tới 60,1% (nếu tính cả hộ cận nghèo tỷ lệ này 84,64%), cá biệt như thôn Kế, xã Mường Chiềng tỷ lệ 93,5%; thôn Chếch, xã Đông Lai tỷ lệ 93,1%; thậm chí tới 100% hộ nghèo như thôn Thung Vòng, xã Do Nhân. Hiện vẫn còn 329 ngôi nhà tạm bợ, dột nát, hầu hết đều được làm từ gỗ, tranh tre, nứa lá. Người dân đa số làm nông nghiệp với phương thức canh tác nương rẫy, sản xuất tự túc, tự cấp, lượng thóc, gạo hầu như không có tích lũy. Trình độ lao động thấp, tổng số 6.118 lao động, 92% trong số đó là lao động sản xuất nông- lâm nghiệp, chỉ có 8% lao động phi nông nghiệp, phần lớn chưa qua đào tạo, số lao động đã qua đào tạo (như tập huấn, hướng dẫn) chỉ chiếm 2%. Theo kết quả phiếu khảo sát điển hình rút mẫu ngẫu nhiên cho thấy có đến 90% số hộ được khảo sát cho biết mình thiếu việc làm từ 1- 3 tháng/năm. Tỷ lệ sinh tự nhiên còn cao, một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn tồn tại. Do tập quán, thói quen về sử dụng các nguồn nước tự nhiên, trong vùng, người dân hầu như chỉ lấy nước tự chảy từ đầu nguồn các suối về sử dụng. Hiện nay, số hộ được sử dụng nước sinh hoạt từ các nguồn này 1.806 hộ, còn lại 420 hộ vẫn chưa có nước để sinh hoạt, họ thường phải đi lấy nước từ nguồn rất xa hoặc có nguồn nước nhưng bị cạn kiệt về mùa khô với thời gian thiếu nước trong năm từ 3-5 tháng.

 

Ở các xóm này, tỷ lệ người dân được tham gia BHYT rất cao, đạt 100% (do là địa bàn thuộc CT 135). Tuy vậy, do cự ly tới các cơ sở y tế rất xa, khó khăn (bình quân 8,3 km) cộng với tâm lý e ngại, người dân hầu như rất ít tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc y tế. Qua tìm hiểu, phương án thay thế cho việc đi đến các cơ sở y tế lại là tự chữa bệnh bằng các kinh nghiệm dân gian hoặc vẫn còn có hiện tượng chữa bệnh bằng các biện pháp thiếu cơ sở khoa học như chữa mẹo, làm phép hoặc cúng ma... 

 

Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng rất yếu và thiếu từ trung tâm xã đến đến các thôn, xóm này hầu hết là đường mòn, do người dân tự mở để phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng những phương tiện thô sơ, gùi hàng trên vai hoặc sử dụng những chiếc xe quệt do súc vật kéo lê. Ngoài các thôn, bản chưa có đường đến trung tâm xóm, còn lại đều chưa có điện sinh hoạt hoặc đang sử dụng bằng nguồn điện tự kéo từ nơi khác đến không đảm bảo an toàn và chất lượng điện. Một số hộ dân tự thiết kế và lắp đặt máy phát điện mini với công suất cực nhỏ, truyền tải bằng dây không có vỏ bọc rất nguy hiểm. Các công trình khác như nhà văn hóa chưa có hoặc có nhưng thiếu các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động chung. Về điện trong 36 thôn xóm có 12 thôn đã có công trình điện, còn lại dân tự mắc dây kéo điện từ các thôn, bản khác, thậm chí từ tỉnh khác về sử dụng, các đường dây này thường được tận dụng từ hệ thống điện cũ đã thanh lý hoặc dây khác với tiết diện nhỏ, không đảm bảo dòng điện cho phụ tải. Các cột điện, xà sứ thường được làm bằng cây que, dễ mục nát rất nguy hiểm khi có gió bão hoặc trời mưa. Còn 12/36 thôn, bản chưa thể liên lạc được bằng điện thoại (kể cả không dây hoặc có dây)...

 

Cần có cơ chế chính sách phát triển riêng

Ông Phạm Tiến Dũng- Phó chi cục trưởng Chi cục định canh- định cư (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: Để hỗ trợ các xóm xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo cần có những cơ chế, chính sách cụ thể. Tập trung lồng ghép nguồn vốn Chương trình 134, 135, nguồn vốn đầu tư XDCB tập trung, dự án giảm nghèo... Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, công trình thuỷ lợi, đường điện, trường lớp học, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất như đưa giống mới có năng suất cao (như ngô cao sản, lúa lai) và phân bón đồng thời với hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác thâm canh; hỗ trợ công khai hoang mở rộng diện tích canh tác. Trên địa bàn một số thôn, bản có khí hậu phù hợp với canh tác một số loại cây đặc sản, dược liệu, các hộ ven lòng hồ sông Đà đề nghị hỗ trợ phương tiện đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng. Việc xây dựng nội dung hỗ trợ sẽ do cộng đồng dân cư thống nhất quyết định. Đồng thời, hỗ trợ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. Tăng cường truyền thông, tập huấn các kiến thức về sản xuất, xoá đói- giảm nghèo, nâng cao nhận thức pháp luật. Nâng cao năng lực cộng đồng, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia có hiệu quả vào việc giám sát các hoạt động trên địa bàn. Có chính sách ưu tiên phù hợp trong đào tạo nhân lực và sử dụng cán bộ, đào tạo cán bộ nguồn cho xã, thôn, bản là con em các dân tộc sinh sống trên địa bàn, đào tạo nghề cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số, tăng cường chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tuyến cơ sở. Đây là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với xoá đói- giảm nghèo và phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa các xóm khó khăn với các khu vực khác.

 

 

                                                                                     Việt Lâm

 

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục