Nông dân xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng hoa, cây cảnh, góp phần tăng thu nhập.

Nông dân xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng hoa, cây cảnh, góp phần tăng thu nhập.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, cả nước đã hoàn thành cơ bản hệ thống các cơ chế, chính sách. Công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, đội ngũ cán bộ xây dựng NTM đã từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, nhất là công tác quy hoạch gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, hiện vẫn còn nhiều hạn chế, cần có biện pháp cụ thể để xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

 

Thiếu quy chế quản lý quy hoạch

Sau khi rà soát lại quy hoạch, đến nay đã có 93,1% số xã của cả nước hoàn thành quy hoạch chung. Công tác quy hoạch đã giúp người dân tham gia xây dựng đề án NTM của địa phương mình. Các địa phương đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng, coi đây là yếu tố quan trọng nhất để cải tạo bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy được người dân đồng thuận. Nhiều tỉnh, thành phố đã quan tâm đến tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, gắn với nâng cao thu nhập của người dân theo mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, bất cập, như nhiều địa phương chưa điều chỉnh quy hoạch sản xuất cho các huyện cho nên thiếu căn cứ để các xã xây dựng đề án sản xuất theo lợi thế vùng. Đề án xây dựng NTM ở một số cấp xã chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, nặng về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến sản xuất, môi trường; giải pháp thực hiện, nhất là huy động nguồn lực, còn thiếu tính thực tiễn. Phổ biến hiện nay là các xã còn nợ tồn quy hoạch do mức kinh phí 150 triệu đồng/xã theo quy định hiện hành chỉ phù hợp với khu vực đồng bằng, các xã miền núi không đủ cho công tác quy hoạch chung, nên hầu hết đều nợ các đơn vị tư vấn. Nhiều xã, sau khi quy hoạch xong không có kinh phí cắm mốc chỉ giới cho nên đã xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm xây dựng vào diện tích đã quy hoạch. Đến nay, hầu hết các xã chưa có quy chế quản lý quy hoạch.

Nằm trong số các địa phương gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực xây dựng NTM, tỉnh Bắc Cạn mặc dù đến nay đã có 100% số xã được phê duyệt đề án quy hoạch, nhưng năm 2013, toàn tỉnh chưa có xã nào đạt tiêu chí về giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường. Tỉnh Sơn La, mặc dù đã huy động được hơn 22 nghìn tỷ đồng triển khai các nội dung xây dựng NTM, và đã có 188 xã hoàn thành quy hoạch, tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi ông Phạm Anh Hữu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, việc quy hoạch NTM ở tỉnh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Là địa phương miền núi, Sơn La phải xây dựng quy hoạch theo kiểu "từ dưới lên", nghĩa là dựa vào điều kiện thực tế từ các xã, cán bộ tổng hợp, lấy ý kiến, rồi đưa ra phương án thiết kế quy hoạch phù hợp. Có những nơi vừa làm công tác tái ổn định dân cư sau cuộc di dân, chính quyền và các cấp, các ngành rà soát xác định tiêu chí phù hợp để xây dựng đề án quy hoạch; nhiều nơi khác do điểm xuất phát rất thấp cho nên dù cố gắng nhưng vẫn chưa đạt được tiêu chí nào. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là cơ cấu hạ tầng nông thôn tại nhiều địa phương miền núi còn gặp khó khăn, cần huy động nguồn kinh phí lớn, một số xã như Háng Đồng (huyện Bắc Yên), Pá Lông (huyện Thuận Châu) hiện vẫn được liệt vào loại "xã trắng" về xây dựng NTM.

Tương tự như Sơn La, một số tỉnh miền núi phía bắc cũng đang gặp nhiều vướng mắc vì thiếu quy hoạch phù hợp với thực tiễn. Tỉnh Lạng Sơn, sau hơn ba năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, đến nay mặc dù 100% số xã (207 xã) đã được phê duyệt quy hoạch chung và đề án xây dựng, song mới có chín xã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Tỉnh cũng đã chọn ra năm xã tại các huyện Chi Lăng, Bình Gia, Tràng Định, Văn Lãng và TP Lạng Sơn để tập trung chỉ đạo làm điểm.

Đánh giá chung về công tác quy hoạch, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho rằng, tình trạng phổ biến hiện nay là tại nhiều xã, đề án chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, nặng về tính toán đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng tới sản xuất, môi trường văn hóa..., nhất là ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Trước những hạn chế nêu trên, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu nghiên cứu, bổ sung kinh phí hỗ trợ các địa phương hoàn thành dứt điểm công tác quy hoạch, nhất là ở các xã khu vực miền núi, Tây Nguyên. Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung kịp thời các quy hoạch, chú trọng hoàn thiện quy hoạch chi tiết hạ tầng, cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng sau quy hoạch và công bố rộng rãi quy hoạch để nhân dân biết, đồng thời sớm ban hành quy chế quản lý quy hoạch mẫu để các xã có căn cứ thực hiện.

Tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho nông dân

Một trong những mục tiêu quan trọng của xây dựng NTM là nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm đến tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, gắn với nâng cao thu nhập của người dân theo mục tiêu xây dựng NTM, nổi bật là các tỉnh Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, An Giang, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa và TP Hà Nội. Bên cạnh đó, có nhiều địa phương như Lâm Đồng, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp... đã xúc tiến công tác dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa; xây dựng "cánh đồng mẫu lớn", "cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp". Tại TP Hà Nội, một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng NTM, hiện có hơn 40 xã đạt tiêu chí. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất kết cấu hạ tầng nông thôn, các chỉ tiêu khác như thủy lợi, bưu điện, trường học, chợ nông thôn, nhà ở dân cư... tại nhiều xã đã cơ bản hoàn thành. Điểm nổi bật của phong trào xây dựng NTM tại Hà Nội là công tác dồn điền, đổi thửa gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của TP Hà Nội đã đạt khoảng 24 triệu đồng/người/năm, tăng gần ba lần so với năm 2008, có 135 trong số 401 xã đạt tiêu chí về giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Hiện nay, cả nước đã có 43 tỉnh, thành phố thực hiện xây dựng "cánh đồng mẫu lớn" với diện tích khoảng hơn 100 nghìn ha. Hầu như tỉnh nào cũng có hàng chục mô hình sản xuất hiệu quả đang được triển khai, nhân rộng. Hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản của nông dân đang có bước chuyển mới, gắn kết nông dân sản xuất nguyên liệu với nhà máy chế biến và doanh nghiệp thương mại. Tính đến nay, đã có hơn 9.000 mô hình sản xuất có hiệu quả, tổng vốn ngân sách hỗ trợ khoảng 8.400 tỷ đồng. Nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ vốn vay, lãi suất ưu đãi để giúp nông dân mua máy móc nông nghiệp hoặc có đề án sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Một số tỉnh, thành phố đã bước đầu quan tâm chỉ đạo hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch ở nông thôn, xúc tiến xây dựng làng nghề sinh thái, làng cổ truyền thống gắn với du lịch để tạo sức hút đầu tư của các doanh nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là bất cập trong việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng NTM ở hầu hết các địa phương. Vốn hỗ trợ, nhất là vốn để xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả ở địa bàn thôn, xã để người dân dễ học tập còn ít được lãnh đạo các địa phương quan tâm, thế nên đến nay mới chỉ có 6 đến 7% tổng số vốn dành cho sản xuất trên địa bàn xã. Các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ ở nông thôn chưa có chuyển biến tích cực, các xã còn chậm triển khai các mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất.

Mặc dù số lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác có tăng lên, nhưng các mô hình làm ăn hiệu quả chưa rõ nét.

Số lượng các trang trại tăng chậm, năm 2013 tăng 500 trang trại, nâng tổng số trang trại cả nước lên 21.600 trang trại các loại...

Bắt đầu từ năm nay, vốn đầu tư cho xây dựng NTM sẽ được tăng cao, riêng đầu tư từ trái phiếu Chính phủ sẽ đạt khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm. Do đó, bên cạnh việc phân bổ nguồn vốn cho các địa phương, cần tập trung vào các mục tiêu có tính dài hạn như quy hoạch, phát triển sản xuất. Đồng thời, phải rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất, xây dựng các tiêu chí, mục tiêu phát triển trong Chương trình xây dựng NTM tại các địa phương phù hợp, hiệu quả, nhằm phát huy thế mạnh sẵn có, khơi dậy mọi nguồn lực trong nhân dân.

Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đặt mục tiêu phấn đấu cho năm nay có 600 đến 700 xã đạt chuẩn NTM; cả nước đạt bình quân 10 tiêu chí/xã, số xã đạt dưới năm tiêu chí còn dưới 5%. Cùng với đó là các giải pháp hoàn thành xây dựng các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn; đẩy mạnh tuyên truyền; tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu; tạo đột phá trong phát triển sản xuất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; phát triển giáo dục, y tế và xây dựng đời sống văn hóa NTM...

 

 

                                                                         Theo Báo ND

 

 

Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục