Hội đồng Ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã nhất trí về các ưu tiên mới trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược Liên hợp quốc-EU giai đoạn 2022-2024. Giữa lúc những thách thức toàn cầu ngày càng trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19, sự đoàn kết, mở rộng hợp tác của Liên hợp quốc và EU mang ý nghĩa quan trọng, góp phần huy động nguồn sức mạnh tổng hợp để ứng phó những mối đe dọa chung.


EU ưu tiên đẩy mạnh hợp tác với Liên hợp quốc về bảo vệ trẻ em.

Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống như hoạt động gìn giữ hòa bình, quản lý khủng hoảng dân sự, giai đoạn 2022-2024, EU chủ trương mở rộng một loạt ưu tiên hợp tác với Liên hợp quốc. Theo đó, EU sẽ tích cực góp sức cùng Liên hợp quốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, ứng phó thông tin sai lệch. EU cũng coi vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang là một ưu tiên xuyên suốt, tăng cường chú ý đến chương trình nghị sự thanh niên, hòa bình và an ninh, đồng thời quan tâm đến vấn đề phụ nữ, bình đẳng giới. Hội đồng Ngoại giao EU khẳng định, việc hợp tác với Liên hợp quốc sẽ giúp EU tăng cường vị thế, vai trò của khối đối với tình hình an ninh toàn cầu, qua đó hỗ trợ hiệu quả chủ nghĩa đa phương.

Biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, xung đột vũ trang... vốn là những "căn bệnh trầm kha", là thách thức lâu nay của toàn cầu. Những thách thức này càng trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết dưới tác động của đại dịch Covid-19. Ðại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell (G.Bo-ren) cho biết, dịch bệnh đã làm bộc lộ sự mong manh của thế giới và đòi hỏi tăng cường hợp tác giữa các quốc gia. Hưởng ứng lời kêu gọi đoàn kết chung tay đẩy lùi đại dịch từ Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét), EU luôn tích cực hỗ trợ vắc-xin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) vừa thông qua kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 của Tập đoàn AstraZeneca. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ góp phần duy trì liên tục nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19, bảo đảm hỗ trợ vắc-xin cho các nước thông qua Cơ chế tiếp cận vắc-xin toàn cầu COVAX.

Phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, dễ bị tổn thương bởi thiên tai, dịch bệnh. Trong khi mọi quốc gia phải tập trung nguồn lực nhằm ứng phó đại dịch Covid-19, nhiều tổ chức khủng bố, cực đoan đã lợi dụng cơ hội này để phát triển mạnh và chiêu mộ trẻ em tham gia. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, trong số các vụ bắt cóc được xác nhận hồi năm 2020, có tới 37% số vụ là nhằm tuyển mộ và sử dụng trẻ em cho các cuộc xung đột. Dịch bệnh cũng "tiếp tay" cho tình trạng bạo lực giới gia tăng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có gần 40% số phụ nữ sống ở các quốc gia nghèo nhất trên thế giới phải đối mặt với hành vi bạo lực từ chồng hoặc bạn trai mình. Nhằm khẳng định vai trò, vị thế của EU trong cuộc chiến chống lại tình trạng xung đột, bạo lực trên toàn cầu, EU mới đây khởi động Chương trình về hòa bình, ổn định và phòng ngừa xung đột giai đoạn 2021-2027, với ngân sách trị giá gần 900 triệu euro.

Nhân Khóa họp thứ 76 Ðại hội đồng Liên hợp quốc, EU đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, đưa thế giới trở thành một nơi an toàn hơn. Hội đồng châu Âu nêu rõ, mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và năng động giữa EU và Liên hợp quốc có vai trò quan trọng trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, và sự hợp tác này cần được duy trì bằng việc tổ chức thường xuyên hội nghị cấp cao giữa hai bên.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Độc đáo máy bay ''Tomorrowland'' mới với công nghệ thực tế tăng cường

Brussels Airlines vừa giới thiệu phiên bản mới của chiếc máy bay "Amare" mang màu sắc lễ hội Tomorrowland, đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa hãng hàng không Bỉ và lễ hội âm nhạc điện tử nổi tiếng thế giới.

Kế hoạch phòng thủ dân sự của Thụy Điển cho tình huống xung đột lan rộng ở châu Âu

Thụy Điển đang tăng cường phòng thủ dân sự, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn khủng hoảng.

Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục