Báo chí Trung Quốc và cư dân mạng giận dữ vì vụ đâm tàu khiến ít nhất 36 người thiệt mạng cuối tuần trước, đồng thời lo lắng vì sự phát triển quá nhanh của mạng lưới đường sắt cao tốc nước này.

 

Nhân viên cứu hỏa làm việc tại hiện trường vụ tai nạn đường sắt cao tốc ở tỉnh Chiết Giang. Ảnh: AFP.

Nhân viên cứu hỏa làm việc tại hiện trường vụ tai nạn đường sắt cao tốc ở tỉnh Chiết Giang. Ảnh: AFP.

Hàng nghìn người trên các mạng xã hội của Trung Quốc tỏ ra giận dữ vì cho rằng quy mô thực sự của tai nạn này đã bị che đậy.

Giới chức Trung Quốc tìm cách xoa dịu cơn giận sữ của công chúng bằng việc sa thải ba quan chức cao cấp ngành đường sắt và thực hiện thanh tra khẩn cấp mức độ an toàn đường sắt quốc gia. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định tai nạn vừa rồi đang khiến mối lo của dân chúng tăng lên.

"Tai nạn đã khẳng định rất nhiều quan ngại trước đây về tình trạng cắt giảm chi phí trong vài năm nay", Alistair Thornton, nhà phân tích cao cấp thuộc công ty nghiên cứu IHS Global Insight, nhận định.

Hàng trăm triệu dân Trung Quốc đi lại bằng tàu. Vì thế, trục trặc dù nhỏ cũng có thể gây ra hiệu ứng lớn trong đất nước mà nhiều người vẫn không đủ tiền đi máy bay sau ba thập kỷ bùng nổ kinh tế.

Tại một nhà ga ở thành phố Ôn Châu gần nơi tàu gặp nạn tối 23/7, nhiều hành khách vẫn cảm thấy bất an. "Tôi rất lo. Hôm qua khi đặt vé tàu, tôi cứ nghĩ hay là đi mua vé xe buýt", Yu Dabao, công nhân may mặc 47 tuổi, nói với AFP. "Ta phải mở rộng để phát triển song việc đó phải được tiến hành một cách tuần tự. Trước đây chúng tôi đâu có tàu cao tốc. Nó chạy quá nhanh. Điều này đáng lẽ không nên xảy ra".

Tàu cao tốc trên tuyến từ thành phố Hàng Châu tới Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, gặp nạn tối 23/7 khiến ít nhất 36 người thiệt mạng. Sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh cho hay hai công dân nước họ đã chết. Một phụ nữ Italy 22 tuổi cũng bỏ mạng vì tai nạn này.

Tai nạn cũng khiến niềm tin của các nhà đầu tư lung lay. Cổ phiếu của công ty China South Locomotive and Rolling Stock (CSR), hãng tham gia chế tạo con tàu cùng hai công ty nước ngoài, giảm 8,9%. "Bộ đường sắt đang điều tra nguyên nhân tai nạn và chúng tôi sẽ giám sát quá trình này một cách chặt chẽ", phát ngôn viên của CSR cho hay.

Mạng lưới tàu cao tốc của Trung Quốc mở cửa đón khách từ năm 2007 và phát triển nhanh chóng nhờ nguồn đầu tư từ ngân quỹ quốc gia. Hệ thống này là lớn nhất thế giới với 8.358 km đường sắt tính tới cuối năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết tốc độ phát triển nhanh chóng đã làm lộ nhiều yếu kém. Tuyến cao tốc mới mở nối Bắc Kinh và Thượng Hải gần đây bị ảnh hưởng do tình trạng trễ tàu và mất điện. Hôm qua, mất điện trên tuyến đường ở tỉnh An Huy đã khiến hơn 20 con tàu bị mắc kẹt trong ba tiếng đồng hồ.

> Xem thêm: Trung Quốc mơ dẫn đầu thế giới về tàu siêu tốc

Hôm qua, tờ The People's Daily đăng một bài viết, cho rằng yếu tố an toàn đã bị xem nhẹ khi nước này vội vã phát triển hệ thống đường sắt hàng đầu thế giới. "Tai nạn có thể đã không xảy ra nếu người ta chú ý đúng mức tới những trục trặc gần đây", người có bút danh Zhang Tie viết.

Các bloggers thì kêu gọi Bộ trưởng Đường sắt Sheng Guangzu từ chức và khuyến cáo dân chúng tránh xa đường sắt cao tốc. "Kỹ sư đường sắt không bao giờ đi tàu cao tốc vì họ biết có nguy cơ an ninh", một blogger viết.

Nhiều người thì buộc tội giới chức "chôn lấp" bằng chứng có thể giúp xác định nguyên nhân tai nạn. Giới chức Trung Quốc trước đó cho hay việc công nhân chôn các xác toa tàu gặp nạn để bảo vệ bí mật quốc gia.

Trong khi đó, nhiều lo ngại về tình trạng tham nhũng cũng nổi lên khi cơ quan kiểm toán quốc gia hồi đầu năm cho biết các công ty xây dựng và một số cá nhân đã móc nối với nhau và biển thủ 29 triệu USD từ dự án Bắc Kinh-Thượng Hải năm 2010. Hồi tháng 2, Bắc Kinh sa thải bộ trưởng đường sắt lúc đó là Liu Zhijun vì tham nhũng hơn 124 triệu USD cho các dự án mở rộng đường sắt cao tốc.

"Có thể tai nạn sẽ khiến người ta nhận ra rằng ta không thể cắt giảm chi phí cho an toàn", nhà phân tích Thornton nói.

                                                                                  Theo VnExpress

 

Các tin khác


CNN: Binh sĩ Mỹ và Nga hoạt động trong cùng một căn cứ tại Niger

Quân đội Nga và Mỹ đã hoạt động tại cùng một căn cứ quân sự ở Niger trong ít nhất vài tuần.

Mỹ kêu gọi Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, phản đối Israel tấn công Rafah

Tại cuộc hội kiến Tổng thống Israel Isaac Herzog ở Tel Aviv ngày 1/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết ưu tiên việc đưa con tin về nhà đoàn tụ với gia đình, đồng thời kêu gọi lực lượng Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn đổi lấy con tin mà Israel đề xuất.

Vụ sập cao tốc tại Trung Quốc: Ít nhất 19 người thiệt mạng

Tân Hoa xã dẫn nguồn chính quyền địa phương cho biết 19 người đã thiệt mạng sau khi một phần đường cao tốc ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc bị sập sáng 1/5.

Các nước thành viên WHO thu hẹp khoảng cách về thỏa thuận toàn cầu ứng phó đại dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, các quốc gia đã thu hẹp bất đồng trong quá trình đàm phán về thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Mặt trận Israel - Liban tiếp tục nóng lên bất chấp nỗ lực hòa giải của Pháp

Xuất hiện động lực mới cho hoạt động ngoại giao trên mặt trận Liban khi trọng tâm hiện đã chuyển khỏi sự leo thang giữa Iran - Israel.

G7 đồng thuận về đóng cửa nhà máy điện than trước năm 2035

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, các phương tiện truyền thông nước này ngày 29/4 đồng loạt đưa tin về việc Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết đóng cửa các nhà máy điện sử dụng than chậm nhất là vào năm 2035.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục