Giải quyết nợ công - vấn đề cấp bách không chỉ của Mỹ.

Giải quyết nợ công - vấn đề cấp bách không chỉ của Mỹ.

Tân Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng, nước Mỹ bị vỡ nợ sẽ là một sự kiện hết sức nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đối với nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế thế giới.

 

Tình trạng bế tắc trong việc nâng mức trần nợ của Mỹ đang có nguy cơ biến thành một cuộc chiến chính trị tổng lực và làm tăng thêm những lo lắng đối với nền tài chính toàn cầu vốn đã rất mong manh sau cuộc khủng hoảng lớn vừa qua. Với số lượng những người ôn hòa ở cả hai phe ít hẳn đi tại Quốc hội Mỹ, dường như mong muốn đạt được một sự thỏa hiệp giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa càng khó khăn.

Trong vòng một tuần trước hạn chót tăng trần nợ lên 14,3 nghìn tỉ USD vào ngày 2/8, các thủ lĩnh Đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn trong tình trạng chia rẽ gay gắt khi theo đuổi những đề xuất ngân sách riêng rẽ và chưa có lộ trình rõ ràng nào để mang họ xích lại gần nhau.

Phe Dân chủ hiện công khai quy trách nhiệm về tình trạng bế tắc này là do phong trào Tea Party (đảng Trà) siêu bảo thủ trong Đảng Cộng hòa, trong khi không phe nào chịu ủng hộ kế hoạch ngăn chặn khả năng vỡ nợ của phe kia. Thượng nghị sĩ John McCain phê phán những người cùng đảng với ông tại Hạ viện: “Dường như các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện nghĩ rằng nếu họ không cho nâng mức nợ quốc gia, sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng vỡ nợ hoặc chính phủ liên bang phải từ từ đóng cửa, công chúng sẽ có ác cảm với Tổng thống B. Obama. Còn những người Cộng hòa ở Hạ viện không chịu nâng mức nợ sẽ không bị mang tiếng. Sự thực là giới hạn nợ nần trước sau gì cũng được nâng lên. Vấn đề cần phải đặt ra ở đây là hành động của chúng ta ảnh hưởng đến chuyện cải tổ tài khóa như thế nào và hậu quả chính trị sẽ ở tầm vóc như thế nào”.

Trong bài diễn văn truyền hình trực tiếp sáng 26/7 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ B. Obama nói: "các nghị sỹ Cộng hòa cho biết, cách duy nhất để họ bỏ phiếu ngăn việc Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, là chỉ khi chúng ta đồng ý với biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu mà họ đề xuất "

Ông Obama nhắc lại lời kêu gọi của mình cho một "cách tiếp cận cân bằng", dựa vào sự kết hợp vừa cắt giảm chi tiêu và vừa tăng thuế đối với người giàu.

Ông nói: "Hầu hết người Mỹ, không phân biệt đảng phái chính trị, không thể hiểu nổi làm sao lại đi đòi một người cao tuổi phải trả thêm tiền cho y tế trước khi tìm đến người sở hữu máy bay và hãng dầu mỏ để yêu cầu họ bỏ quyền được giảm thuế”.

Ông Obama cũng bác bỏ đề xuất tạm thời nâng trần nợ công trong một thời gian của phe Cộng hòa vì cho rằng, mức trần nợ công nếu chỉ được nâng tạm thời thì vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết

Tổng thống B. Obama cảnh báo rằng, nếu các nhà lãnh đạo chính trị không đạt được một thỏa hiệp để tăng trần nợ của Mỹ thì khoản nợ đang tăng mạnh có thể làm ảnh hưởng đến việc làm và gây ra “thiệt hại nghiêm trọng” cho người dân Mỹ.

Cơ quan xếp hạng Standard & Poor's (S&P) đã cảnh báo rằng, trừ khi Mỹ cắt giảm chi tiêu 4.000 tỉ USD, nếu không xếp hạng tín dụng AAA của nước này sẽ sụt giảm hoặc chỉ còn ở mức AA+.

Với kịch bản giảm thâm hụt trị giá 4.000 tỉ USD trong vòng 10 năm như gợi ý của S&P, Mỹ sẽ phải trả lãi cao hơn cho các khoản nợ của mình và theo ước tính của các ngân hàng ở Phố Wall, việc này có thể tiêu tốn của Mỹ thêm 100 tỉ USD nữa, đặc biệt để trả lãi các kỳ phiếu dài hạn.

Như vậy người tiêu dùng và cả nền kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, làm tăng thêm gánh nặng nợ đang “lao dốc” của Mỹ. Đặc biệt, xét trên bình diện toàn cầu, điều này sẽ hại thanh danh và uy tín của Mỹ với tư cách một siêu cường kinh tế.

Phó Chủ tịch ngân hàng toàn cầu của Citigroup cảnh báo rằng chính trường đã làm hại khả năng phục hồi của nước Mỹ trước cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại Suy thoái.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi các nghị sĩ Mỹ nâng mức trần nợ công để tránh gây ra "một cú sốc nghiêm trọng" cho nền kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính thế giới. Ban Giám đốc IMF cũng kêu gọi nhà chức trách Mỹ cắt giảm chi tiêu từng bước để tránh bị đánh tụt hạng tín nhiệm tài chính.

Tân Giám đốc IMF bà Christine Lagarde - là một trong những người đang lo lắng theo dõi tình hình - rất mong muốn sớm tìm ra “một giải pháp phù hợp”. Phát biểu tại Hội đồng Đối ngoại của Mỹ ở New York hôm 26/7, bà Christine Lagarde nhấn mạnh, các nghị sỹ Quốc hội Mỹ và Tổng thống B. Obama cần phải đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt để nâng mức trần vay nợ của Mỹ.

Bà Christine Lagarde cho rằng, nước Mỹ bị vỡ nợ sẽ là một sự kiện hết sức nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đối với nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế thế giới. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo việc cắt giảm chi tiêu quá mạnh và vội vã có thể làm ảnh hưởng quá trình hồi phục việc làm ở Mỹ.

Tổng giám đốc IMF cho rằng, nợ công ở Mỹ hay bất cứ nơi nào, chỉ là 1 trong 3 vấn đề chính mà các nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt. Bà Lagarde thúc giục Mỹ hãy thể hiện sự can đảm giống như các nhà lãnh đạo châu Âu đã cam kết vào cuối tuần trước, nhằm giải quyết khủng hoảng nợ ở Hy Lạp.

Vì vậy, theo giới phân tích, vấn đề xử lý nợ công của Mỹ đang trở lên vô cùng cấp bách không chỉ đối với chính phủ Mỹ, với nền kinh tế Mỹ mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phục hồi của kinh tế thế giới vốn đang bị "phanh lại" bởi cuôc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng Euro. Hiện đang có những đánh giá khác nhau về các giải pháp xử lý nợ công của chính phủ Mỹ, nhưng giới phân tích chú ý đến hai nội dung quan trọng:

Một là, nâng trần vay nợ liên bang thêm 2,5 nghìn tỷ USD vào ngày 2/8/2011 để chính quyền có đủ nguồn mới thanh toán các nghĩa vụ đến hạn, trong đó quan trọng nhất đối với hệ số tín nhiệm của Mỹ là thanh toán đúng hạn gốc và lãi của các khoản vay bằng trái phiếu kho bạc;

Hai là, điều kiện để Quốc hội cho phép nâng trần vay nợ, chủ yếu là kế hoạch giảm nợ dài hạn và bền vững của chính phủ trong ít nhất một thập kỷ tới để lành mạnh hóa nền tài chính công.

Đánh giá được coi là lạc quan, là có khả năng thỏa hiệp giữa 2 đảng thông qua hai bản kế hoạch khác nhau. Một - của Chủ tịch Hạ viện John Boehner, đại diện cho đảng Cộng hòa (tạm gọi là Kế hoạch Boehner) và một - của lãnh tụ đa số tại Thượng viện Harry Reid, đại diện cho đảng Dân chủ (tạm gọi là Kế hoạch Reid).

Hai bản kế hoạch này đều có một số điểm khá giống nhau:

Điểm thứ nhất: cho phép chính quyền nâng trần vay nợ thêm ít nhất từ 1.000 tỷ USD trở lên;

Điểm thứ hai: giảm mạnh chi tiêu liên bang, kể cả những lĩnh vực được xem là “thiêng” như quốc phòng;

Điểm thứ ba: không cắt giảm chi cho các chương trình phúc lợi xã hội (do nhiều nghị sĩ Dân chủ phản đối) và không đặt vấn đề tăng nguồn thu mới từ thuế (do nhiều nghị sĩ Cộng hòa phản đối);

Điểm thứ tư: thành lập ủy ban lưỡng đảng để thống nhất giải pháp lâu dài.

Cho đến nay, nghị sĩ thuộc cả hai đảng tại Hạ viện vẫn chưa đưa ra phương án nào tốt hơn hai kế hoạch trên.

Tuy nhiên, đánh giá mang tính bi quan lại cho rằng, trở ngại hiện nay quá lớn và thời gian còn quá ít để có thể đạt được thỏa hiệp. Biểu hiện đầu tiên là phản ứng của cả hai đảng tỏ ra không thuận với hai kế hoạch trên.

Thứ nhất, lãnh đạo 2 đảng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập đủ phiếu ủng hộ trong nội bộ. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa bảo thủ phê phán Kế hoạch Boehner cắt giảm chi tiêu chưa đủ, còn số khá đông các nghị sĩ Dân chủ cho rằng Kế hoạch Reid cắt giảm chi tiêu quá nhiều, ảnh hưởng nhiều đến phục hồi kinh tế và người thu nhập thấp.

Thứ hai, ngay cả khi tập hợp được đủ số phiếu nội bộ, 2 đảng phải sẽ thỏa hiệp về một số bất đồng khá lớn giữa 2 Kế hoạch, gồm:

Một là, cho phép chính quyền nâng trần vay nợ 1 lần đủ cho nhu cầu chi tiêu cả năm nay và năm 2012 (Kế hoạch Reid), hay làm 2 lần (Kế hoạch Boehner);

Hai là, các lĩnh vực cụ thể phải cắt giảm. Chắc chắn nhiều nghị sĩ Cộng hoà sẽ phản đối cắt giảm chi tiêu quân sự đáng kể, còn các nghị sĩ Dân chủ không đồng ý cắt giảm mạnh chi tiêu dân sự;

Ba là, đảng Dân chủ đang phản đối yêu cầu của đảng Cộng hoà đòi bổ sung Điều khoản “thăng bằng ngân sách” vào Hiến pháp.

Một số dấu hiệu xuất hiện, cho thấy khả năng không có thỏa hiệp trước ngày 2/8 đang ngày càng cao hơn. Đã có những cảnh báo tác động dây chuyền nghiêm trọng và hệ số tín nhiệm của trái phiếu kho bạc Mỹ bị tụt hạng.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng khả năng mất thanh toán của chính quyền sẽ chỉ xảy ra vào ngày 15/8 chứ không phải ngày 2/8 do một số yếu tố sau:

Thứ nhất, các cơ quan chính quyền đang chuẩn bị một số biện pháp dự phòng cho tình huống trần vay nợ không được nâng lên. Ngân hàng dự trữ liên bang có thể bán một phần trái phiếu kho bạc trị giá 1,6 nghìn tỷ USD để có nguồn hỗ trợ Bộ Tài chính theo kênh riêng một cách hợp pháp.

Ông Charles Plosser, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Philadelphia nói rằng, khi thời điểm quyết định ngày 2/8 đang tới gần mà Chính phủ Mỹ vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào cho việc nâng trần nợ thì FED đã chủ động chuẩn bị cho khả năng nước Mỹ vỡ nợ.

"Vài tháng qua, FED đã làm việc với Bộ Tài chính, vạch ra những việc cần làm nếu như nền kinh tế Mỹ hết tiền vào ngày 2/8 tới. Chúng tôi đã có kế hoạch đề phòng bất trắc", ông Plosser nói. FED đang xây dựng quy trình, theo đó Bộ Tài chính Mỹ sẽ thông báo cho FED làm gì với những khoản chi tiêu của chính phủ.

Thứ hai, theo một số ngân hàng lớn, Bộ Tài chính vẫn có đủ nguồn để trang trải các nghĩa vụ cấp bách nhất trong thời gian tối thiểu là 1 tuần kể từ 2/8. Như vậy sẽ có đủ thời gian để 2 đảng đạt được thỏa hiệp phù hợp, tránh cho chính quyền lần đầu tiên trong lịch sử phải tuyên bố mất khả năng thanh toán.

Tuy nhiên, cho dù vì mục đích gì, thì nếu hạn mức vay nợ không được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính Mỹ có khả năng sẽ không còn đủ tiền để thanh toán các khoản nợ nần, khiến lãi suất tăng cao và đe dọa cả nền kinh tế Mỹ, lẫn sự phục hồi kinh tế trên thế giới./.

                                                                   Theo DangCongSan.vn

Các tin khác


CNN: Binh sĩ Mỹ và Nga hoạt động trong cùng một căn cứ tại Niger

Quân đội Nga và Mỹ đã hoạt động tại cùng một căn cứ quân sự ở Niger trong ít nhất vài tuần.

Mỹ kêu gọi Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, phản đối Israel tấn công Rafah

Tại cuộc hội kiến Tổng thống Israel Isaac Herzog ở Tel Aviv ngày 1/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết ưu tiên việc đưa con tin về nhà đoàn tụ với gia đình, đồng thời kêu gọi lực lượng Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn đổi lấy con tin mà Israel đề xuất.

Vụ sập cao tốc tại Trung Quốc: Ít nhất 19 người thiệt mạng

Tân Hoa xã dẫn nguồn chính quyền địa phương cho biết 19 người đã thiệt mạng sau khi một phần đường cao tốc ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc bị sập sáng 1/5.

Các nước thành viên WHO thu hẹp khoảng cách về thỏa thuận toàn cầu ứng phó đại dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, các quốc gia đã thu hẹp bất đồng trong quá trình đàm phán về thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Mặt trận Israel - Liban tiếp tục nóng lên bất chấp nỗ lực hòa giải của Pháp

Xuất hiện động lực mới cho hoạt động ngoại giao trên mặt trận Liban khi trọng tâm hiện đã chuyển khỏi sự leo thang giữa Iran - Israel.

G7 đồng thuận về đóng cửa nhà máy điện than trước năm 2035

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, các phương tiện truyền thông nước này ngày 29/4 đồng loạt đưa tin về việc Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết đóng cửa các nhà máy điện sử dụng than chậm nhất là vào năm 2035.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục