Tàu khu trục Aegis của hải quân Hàn Quốc - Ảnh: Global Security

Tàu khu trục Aegis của hải quân Hàn Quốc - Ảnh: Global Security

Dư luận Hàn Quốc phản đối việc Seoul xây dựng căn cứ hải quân trên đảo Jeju. Tuy nhiên giới chuyên gia khẳng định Hàn Quốc cần tăng cường sức mạnh hàng hải khi Trung Quốc đang mở rộng lực lượng trên biển.

Theo báo Chosun Ilbo, chính quyền Hàn Quốc quyết tâm tăng cường sức mạnh hải quân bằng kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân trên đảo miền nam Jeju. Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2014, căn cứ trị giá 970 triệu USD này sẽ tiếp nhận khoảng 20 tàu chiến, trong đó có tàu ngầm. Phó đô đốc hải quân Hàn Quốc Hwang Ki Chul cho biết địa điểm của đảo Jeju sẽ giúp hải quân dễ dàng triển khai tàu chiến tại các vùng biển xung quanh.

Tuy nhiên, người dân đảo Jeju phản đối dự án xây dựng căn cứ hải quân do lo ngại tác động môi trường. Dư luận Hàn Quốc cũng nghi ngờ chính quyền Seoul sẽ cho phép quân đội Mỹ đóng tại hòn đảo du lịch nổi tiếng là biểu tượng của hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ngược lại, các chuyên gia quân sự Hàn Quốc khẳng định căn cứ này sẽ giúp Seoul đảm bảo an ninh hàng hải vùng biển phía nam trước việc Trung Quốc và Nhật đang tăng cường sức mạnh trên biển.

Thụt lùi sau Trung, Nhật

Báo Korea Herald dẫn lời một số chuyên gia Hàn Quốc nhận định do ưu tiên lực lượng để đối phó với CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc đã thụt lùi so với Trung Quốc và Nhật xét về tầm ảnh hưởng và sức mạnh ở các vùng biển xung quanh. Họ cho rằng Hàn Quốc cần tăng đầu tư vào hải quân để bảo vệ quyền kiểm soát quần đảo Dokdo mà cả Nhật và Trung Quốc đều đòi chủ quyền.

Việc ngư dân Trung Quốc liên tục đánh bắt cá trái phép, tấn công và sát hại lính tuần duyên Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải cũng khiến các chuyên gia lo ngại về chiến lược dùng tàu đánh cá và tàu ngư chính để đòi chủ quyền biển của Bắc Kinh. “Chúng ta không thể cứ dựa vào Mỹ - giáo sư Lim Han Kyu thuộc Đại học Hyupsung đánh giá - Chúng ta cần cân bằng sức mạnh hải quân để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Giáo sư Lim cho rằng Trung Quốc không chỉ đang tăng cường sức mạnh trên biển Đông, biển Hoa Đông mà cả nhiều vùng biển khác với mục tiêu khai thác tài nguyên. Dựa trên tham vọng này, Trung Quốc liên tục gây hấn với các nước láng giềng ở biển Đông và đầu tư mạnh vào hải quân. Trong năm nay Bắc Kinh sẽ đưa tàu sân bay Thi Lang vào hoạt động.

Theo báo chí Hàn Quốc, Nhật đang tăng cường lực lượng hải quân với các tàu chiến công nghệ cao siêu hiện đại, bao gồm sáu chiếc tàu khu trục trang bị hệ thống tên lửa Aegis. Mục tiêu của Tokyo chủ yếu là đối phó với Trung Quốc. Ngược lại, Hàn Quốc chỉ có ba chiếc tàu khu trục Aegis, một chiếc vẫn chưa hoạt động, và sáu tàu khu trục KDX-II.

“Khi Nhật có tám chiếc tàu khu trục Aegis, Hàn Quốc cần có ít nhất bốn - giáo sư Lim nhận định - Trung Quốc muốn có thêm vài chiếc tàu sân bay, do đó chúng ta cũng cần ít nhất là một tàu sân bay quy mô nhỏ. Hàn Quốc cũng cần triển khai các vũ khí phòng vệ như tàu ngầm hạt nhân nhằm cân bằng sức mạnh với Trung Quốc”.

Chiến lược quốc gia

Korea Herald dẫn lời giáo sư Balbina Hwang thuộc Đại học Georgetown nhận định người dân Hàn Quốc vẫn thiếu ý thức về chủ quyền biển đảo. Ông cho rằng người dân Hàn Quốc cần quan tâm nghiêm túc đến các vấn đề an ninh và chủ quyền hàng hải.

Giáo sư Kang Hyo Baik thuộc Đại học Kyung Hee đánh giá hiện Hàn Quốc vẫn còn thiếu nhận thức về chủ quyền biển, không có luật để bảo vệ các đòi hỏi chủ quyền biển. Mãi đến năm ngoái quốc hội mới thông qua ngân sách phục vụ sức mạnh hàng hải. Và đến tháng 4-2012, Đại học Quốc phòng lần đầu thực hiện một nghiên cứu nghiêm túc về an ninh hàng hải. Các chuyên gia cho rằng Seoul cần sớm thông qua các luật xác định chủ quyền vùng lãnh hải và tài nguyên, bao gồm thềm lục địa.

Giáo sư Kang cho biết cả Trung Quốc và Nhật đều đã thông qua luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong thập niên 1990. Đến nay Hàn Quốc vẫn chưa có luật về thềm lục địa. “Khi bước vào các cuộc đàm phán về chủ quyền hàng hải, chúng ta phải có cơ sở luật cả trong nước và quốc tế vững chắc” - giáo sư Kang nhấn mạnh. Giáo sư Lim cho rằng Hàn Quốc cần đưa an ninh hàng hải thành chiến lược quốc gia.

 

                                                           Theo Báo Tuoitre

Các tin khác


Mỹ kêu gọi Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, phản đối Israel tấn công Rafah

Tại cuộc hội kiến Tổng thống Israel Isaac Herzog ở Tel Aviv ngày 1/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết ưu tiên việc đưa con tin về nhà đoàn tụ với gia đình, đồng thời kêu gọi lực lượng Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn đổi lấy con tin mà Israel đề xuất.

Vụ sập cao tốc tại Trung Quốc: Ít nhất 19 người thiệt mạng

Tân Hoa xã dẫn nguồn chính quyền địa phương cho biết 19 người đã thiệt mạng sau khi một phần đường cao tốc ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc bị sập sáng 1/5.

Các nước thành viên WHO thu hẹp khoảng cách về thỏa thuận toàn cầu ứng phó đại dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, các quốc gia đã thu hẹp bất đồng trong quá trình đàm phán về thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Mặt trận Israel - Liban tiếp tục nóng lên bất chấp nỗ lực hòa giải của Pháp

Xuất hiện động lực mới cho hoạt động ngoại giao trên mặt trận Liban khi trọng tâm hiện đã chuyển khỏi sự leo thang giữa Iran - Israel.

G7 đồng thuận về đóng cửa nhà máy điện than trước năm 2035

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, các phương tiện truyền thông nước này ngày 29/4 đồng loạt đưa tin về việc Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết đóng cửa các nhà máy điện sử dụng than chậm nhất là vào năm 2035.

Mục đích chuyến thăm Trung Đông mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ đã bắt đầu 3 ngày ngoại giao khó khăn ở Trung Đông, với hy vọng tạm dừng cuộc xung đột ở Dải Gaza, vốn đang gây thương vong nặng nề cho dân thường và kích động tình cảm chống Israel ở Mỹ, làm phức tạp thêm chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Biden.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục