Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ G.Pxa-ki. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ G.Pxa-ki. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo TTXVN và các nguồn tin nước ngoài, ngày 13-5, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, việc Trung Quốc có các hành động khiêu khích, gây căng thẳng ở Biển Ðông là quan điểm nhìn nhận của nhiều nước. Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ G.Pxa-ki bác bỏ cáo buộc từ phía Trung Quốc cho rằng sự can dự của Mỹ vào những diễn biến mới nhất ở Biển Ðông là phá hoại hòa bình và ổn định ở khu vực.

 

Bà Pxa-ki nhấn mạnh: "Tôi cũng xin nhắc lại hành động khiêu khích đơn phương này nằm trong chuỗi hành động chiến lược của Trung Quốc nhằm thôn tính các vùng biển tranh chấp. Chẳng có lý do nào để cho rằng các quan điểm của Mỹ làm xói mòn hòa bình và ổn định ở khu vực. Hơn nữa, ngoài Mỹ cũng có rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới cùng có cách nhìn như thế". Bà G.Pxa-ki cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri cũng đã có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong ngày 11-5. Trong cuộc đàm thoại, ông Ke-ri bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Biển Ðông, kêu gọi kiềm chế và một lần nữa lại chia sẻ quan điểm cho rằng các hành động của Trung Quốc là khiêu khích.

* Bộ Ngoại giao Ô-xtrây-li-a ngày 14-5 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên Biển Ðông làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực. Ô-xtrây-li-a hoan nghênh Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 về tình hình hiện nay ở Biển Ðông; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế những hành động khiêu khích, cùng nhau tìm biện pháp làm giảm căng thẳng; kêu gọi các chính phủ giải thích rõ và thực hiện các tuyên bố lãnh thổ, cùng các quyền hàng hải theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Ô-xtrây-li-a cũng kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC).

* Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời huy động nhiều tàu chiến đến vùng biển này, Hội hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối hành động này của Bắc Kinh. Tuyên bố nêu rõ, những việc làm đơn phương của Trung Quốc tại Biển Ðông đã vi phạm luật pháp quốc tế, và không chỉ đe dọa chủ quyền của Việt Nam mà còn đe dọa an ninh khu vực. Hành động leo thang trắng trợn của Trung Quốc đối với Việt Nam tại Biển Ðông đang làm cho các nước láng giềng của Trung Quốc hết sức quan ngại.

* Tại Anh, Mạng lưới Anh-Việt Nam ngày 13-5 ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về tình trạng căng thẳng leo thang trên Biển Ðông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981; hoan nghênh tuyên bố do người phát ngôn của Cao ủy Liên hiệp châu Âu đưa ra ngày 8-5 và tuyên bố của Quốc Vụ khanh H.Xoai về những diễn biến gần đây; kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện các biện pháp nhằm giảm căng thẳng và không có bất cứ hành động đơn phương nào có thể đe dọa đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuyên bố cũng kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác trên tinh thần hữu nghị và hợp tác, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

* Nhiều báo lớn của Ðức tiếp tục đưa tin, bài về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong đó, tờ Tấm gương số ra ngày 13-5 đăng bài: "Mỹ chỉ trích Trung Quốc trong xung đột trên biển với Việt Nam". Bài báo dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri chỉ trích Trung Quốc hành xử một cách khiêu khích trong cuộc xung đột ở Biển Ðông, đồng thời kêu gọi một giải pháp hòa bình cho tình trạng căng thẳng hiện nay. Theo bài báo, Biển Ðông luôn xảy ra nhiều cuộc đối đầu khi Trung Quốc đòi gần như toàn bộ diện tích Biển Ðông cho mình. Bài báo cũng đăng bức ảnh tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm rách, ảnh tàu Trung Quốc tiến công, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam.

* Ngày 13-5, tại thủ đô Prê-tô-ri-a, Ủy ban các nước ASEAN tại Nam Phi (APC) tổ chức cuộc họp cấp Ðại sứ nhằm trao đổi về tình hình căng thẳng tại Biển Ðông dưới sự chủ tọa của Ðại sứ Việt Nam Lê Huy Hoàng, Chủ tịch đương nhiệm của ủy ban. Tại cuộc họp, các Ðại sứ ASEAN đã chia sẻ thông tin, bày tỏ lo ngại trước những diễn biến căng thẳng gần đây trên Biển Ðông và nhất trí cho rằng ASEAN cần tăng cường đoàn kết, đồng lòng quyết tâm thúc đẩy việc duy trì bảo đảm hòa bình ổn định, an toàn, an ninh, tự do hàng hải trên Biển Ðông, coi đây là một trong những trọng tâm của các nước ASEAN trong việc hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Các Ðại sứ cho rằng việc các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ra tuyên bố riêng về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Ðông cũng như vấn đề Biển Ðông được đề cập trong Tuyên bố Nây Pi Ðô về xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2015 và Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 một lần nữa cho thấy sự đoàn kết, vai trò trung tâm, tinh thần chủ động và trách nhiệm cao của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực.

* Sáng 14-5, tại thủ đô Viêng Chăn, gần 1.000 người trong Cộng đồng người Việt Nam tại Lào, gồm cán bộ, nhân viên sứ quán, các cơ quan Việt Nam bên cạnh sứ quán, bà con Việt kiều, các doanh nghiệp Việt Nam đang hợp tác đầu tư tại Lào và lưu học sinh Việt Nam tại Lào đã mít-tinh phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

* Tại Pháp, trong Thông cáo gửi Ðại sứ quán Việt Nam tại Pháp ngày 13-5, Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) đã phản đối hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hội hữu nghị Pháp-Việt bày tỏ sự "lo ngại sâu sắc" trước sự việc này. Thông cáo nhấn mạnh: "Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế để áp đặt quan điểm của mình, đi ngược lại các quan hệ hợp tác đã được thiết lập và các thỏa thuận giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, đặc biệt là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC)". Thông cáo cũng kêu gọi Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam, đồng thời tôn trọng cam kết soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) với những nội dung mang tính pháp lý ràng buộc trong thời gian sớm nhất.

Bà Hê-len Luých, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp-Việt đã viết thư bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam. Ngoài ra, Hội Những người bạn Pháp-Việt đã có Công điện gửi Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ðại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cực lực phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc. Công điện cũng yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức rút khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam do những hành động sai trái của họ gây ra.

* Từ ngày 12-5, cộng đồng người Việt Nam ở U-crai-na đã tổ chức hoạt động biểu tình ở thủ đô Ki-ép, thu hút sự tham gia của hàng trăm người Việt Nam đang công tác, học tập, làm ăn tại U-crai-na và một số bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa nhằm thể hiện tiếng nói phản đối trước hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên thềm lục địa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

* Ban chấp hành Hội Người Việt Nam tại Ăng-gô-la đã ra Tuyên bố cực lực phản đối hành động của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nêu rõ các hành vi này của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đi ngược lại Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC). Tuyên bố của Hội khẳng định, hành động của Trung Quốc tại Biển Ðông đã vi phạm thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc, tác động tiêu cực đến tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt-Trung. Cộng đồng người Việt Nam tại Ăng-gô-la cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc lập tức dừng các hoạt động bất hợp pháp và rút hết giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

* Chủ tịch Ðảng Cộng sản Nhật Bản K.Si-i đã chỉ trích việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, coi đây là hành động đi ngược lại tinh thần của DOC, là hành động mang tính đơn phương; bày tỏ mong muốn các bên không có các hành động làm leo thang căng thẳng và giải quyết vấn đề thông qua con đường ngoại giao, theo tinh thần của DOC. Ngoài ra, Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật-Việt tỉnh I-ba-ra-ki, Nhật Bản, đã gửi thư đến Ðại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa, bày tỏ "mong muốn giải quyết hòa bình tranh chấp trên Biển Ðông".

* Ủy ban đoàn kết Ấn Ðộ - Việt Nam ra tuyên bố bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tuyên bố nêu rõ, hành động của Chính phủ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ nhân dân, tình đoàn kết và hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc, các phong trào hòa bình, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác cùng phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tuyên bố lên án mạnh mẽ hành động xâm phạm này của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Chính phủ Trung Quốc kiềm chế và tiến hành đàm phán, tuân thủ luật pháp quốc tế.

 

                                                                             Theo Báo ND

 

 

Các tin khác


Mỹ kêu gọi Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, phản đối Israel tấn công Rafah

Tại cuộc hội kiến Tổng thống Israel Isaac Herzog ở Tel Aviv ngày 1/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết ưu tiên việc đưa con tin về nhà đoàn tụ với gia đình, đồng thời kêu gọi lực lượng Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn đổi lấy con tin mà Israel đề xuất.

Vụ sập cao tốc tại Trung Quốc: Ít nhất 19 người thiệt mạng

Tân Hoa xã dẫn nguồn chính quyền địa phương cho biết 19 người đã thiệt mạng sau khi một phần đường cao tốc ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc bị sập sáng 1/5.

Các nước thành viên WHO thu hẹp khoảng cách về thỏa thuận toàn cầu ứng phó đại dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, các quốc gia đã thu hẹp bất đồng trong quá trình đàm phán về thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Mặt trận Israel - Liban tiếp tục nóng lên bất chấp nỗ lực hòa giải của Pháp

Xuất hiện động lực mới cho hoạt động ngoại giao trên mặt trận Liban khi trọng tâm hiện đã chuyển khỏi sự leo thang giữa Iran - Israel.

G7 đồng thuận về đóng cửa nhà máy điện than trước năm 2035

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, các phương tiện truyền thông nước này ngày 29/4 đồng loạt đưa tin về việc Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết đóng cửa các nhà máy điện sử dụng than chậm nhất là vào năm 2035.

Mục đích chuyến thăm Trung Đông mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ đã bắt đầu 3 ngày ngoại giao khó khăn ở Trung Đông, với hy vọng tạm dừng cuộc xung đột ở Dải Gaza, vốn đang gây thương vong nặng nề cho dân thường và kích động tình cảm chống Israel ở Mỹ, làm phức tạp thêm chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Biden.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục