Thời gian gần đây, các cuộc gọi điện thoại lừa đảo có chiều hướng gia tăng trở lại. Chiêu trò của các đối tượng rất tinh vi, thường giả danh cơ quan công an để dọa nạt, đánh vào tâm lý hay lo sợ của người dân. Không những vậy, chúng còn nhắm đến các đối tượng người cao tuổi, nội trợ,… ít giao tiếp xã hội và không nắm bắt thông tin mới. Vì vậy, dù các cơ quan chức năng, báo chí đã nhiều lần tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa đảo, cũng như tiến hành điều tra, triệt phá các ổ nhóm tội phạm, nhưng vẫn có nhiều người "dính bẫy”.


Công an TP Ðà Nẵng bắt ba đối tượng sử dụng mạng viễn thông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Ảnh: PHÚC AN

Chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Gia Lai) cho biết, đã nhận đơn trình báo của một người phụ nữ tên H. (SN 1982, trú tại phường Phù Ðổng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) tố giác bị một số đối tượng gọi điện thoại giả danh điều tra viên lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 600 triệu đồng. Cụ thể, khoảng 11 giờ ngày 10-4, chị H. nhận được điện thoại của một đối tượng nam giới, tự xưng là Nguyễn Thanh Tùng, điều tra viên đang thụ lý vụ án buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Trong quá trình điều tra, người này xác định chị H. là đối tượng có liên quan đến hành vi rửa tiền. Tiếp đó, đối tượng này chuyển điện thoại cho một người khác, tự xưng là kiểm sát viên, yêu cầu chị H. nếu muốn không bị bắt tạm giam, phải gửi toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình vào tài khoản ngân hàng của cơ quan chức năng để xác minh. Trường hợp chị H. không liên quan đến vụ án, tiền sẽ được trả lại nguyên vẹn. Quá lo sợ và muốn nhanh chóng được minh oan, chị H. ngay lập tức chuyển gần 600 triệu đồng vào hai tài khoản mở tại hai ngân hàng có địa chỉ phòng giao dịch tại Hà Nội theo hướng dẫn của các đối tượng. Tuy nhiên, sau khi bình tâm trở lại và tra cứu thông tin khuyến cáo của Bộ Công an về hình thức lừa đảo nêu trên, chị H. biết mình bị lừa nên làm đơn trình báo.

Nhằm tiếp cận nạn nhân, ban đầu các đối tượng thường đưa ra lý do như nạn nhân đang nợ cước điện thoại hoặc có quà gửi, bưu phẩm,… sau đó dẫn dắt khai thác thông tin cá nhân. Tiếp đó, chúng phân vai các đối tượng mạo danh cán bộ thuộc cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án,… thông báo những thông tin cá nhân này đã được dùng để mở tài khoản ngân hàng, có phát sinh giao dịch liên quan đến hoạt động phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (ma túy, rửa tiền,…), đồng thời đe dọa sẽ ra lệnh bắt nạn nhân để phục vụ điều tra và thậm chí làm giả cả lệnh bắt của cơ quan thực thi pháp luật. Chúng thường yêu cầu nạn nhân kết bạn qua các ứng dụng OTT, mạng xã hội như Zalo, Viber để trao đổi; các cuộc gọi cũng thường kéo dài, không cho nạn nhân có thời gian trao đổi với người thân hoặc đe dọa nếu tiết lộ thông tin thì cả người thân cũng bị liên lụy. Ðến khi nạn nhân hoảng sợ, chúng yêu cầu muốn chứng minh trong sạch phải chuyển tiền đến các tài khoản do chúng chỉ định để kiểm tra.

Ngay sau khi tiền được chuyển, các đối tượng lập tức rút tiền mặt hoặc chuyển tiếp qua nhiều tài khoản ngân hàng khác để chiếm đoạt. Tinh vi hơn, có những vụ đối tượng gửi đường dẫn trên mạng cho nạn nhân cài đặt các ứng dụng mạo danh "Bộ Công an”, sau đó yêu cầu nhập thông tin tài khoản ngân hàng, qua đó chiếm đoạt được các thông tin tài khoản và thực hiện việc chuyển tiền mà nạn nhân không hề hay biết. Trong năm 2019, đã xảy ra hàng trăm vụ, trong đó có nạn nhân bị chiếm đoạt đến hàng chục tỷ đồng.

Trước tình hình đó, lực lượng công an từ T.Ư đến địa phương đã phối hợp các cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này. Cùng với đó, cơ quan công an các địa phương cũng tích cực đấu tranh triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm công nghệ cao. Ðiển hình, tháng 1 vừa qua, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) đã phối hợp Công an tỉnh Quảng Nam triệt phá ổ nhóm gồm 10 đối tượng (tám đối tượng người Việt Nam và hai đối tượng người Ma-lai-xi-a), phát hiện nhiều tài khoản ngân hàng đã nhận được số tiền lừa đảo lên đến hơn 500 tỷ đồng.

Cảnh giác khi nhận cuộc gọi lạ

Vài năm gần đây, các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, qua điện thoại đang có xu hướng gia tăng cả về số vụ và giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Khác với tội phạm truyền thống, tội phạm sử dụng công nghệ cao không cần tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân mà vẫn có thể thực hiện hành vi lừa đảo. Xảy ra phổ biến nhất, gây hậu quả nghiêm trọng là các vụ giả danh cơ quan thực thi pháp luật, đe dọa nạn nhân có liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cũng như chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định để chiếm đoạt.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) khuyến cáo khách hàng luôn nâng cao cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi lạ, hiển thị dấu cộng (+) hoặc 00 ở đầu, hai số tiếp theo không phải là 84 (mã nước Việt Nam), xưng danh là lực lượng chức năng, ngân hàng hoặc bưu điện thông báo có quà,… Ðặc biệt, tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của các đối tượng, nhất là không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Trong trường hợp nhận được các cuộc gọi như vậy, cần báo ngay cho cơ quan công an để xử lý, hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 069.234.8560 của Cục Cảnh sát hình sự (C02) để được hướng dẫn kịp thời.

Tương tự, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cũng khuyến cáo người dân hết sức bình tĩnh, cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi lạ, xưng danh các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, có hành vi đe dọa người nghe bị dính líu đến các vụ án hình sự. Theo quy định hiện hành, khi có yêu cầu làm việc, các cơ quan này sẽ có giấy mời và làm việc trực tiếp, không bao giờ làm việc qua điện thoại. Bên cạnh đó, cần hết sức cảnh giác khi cài các ứng dụng, truy cập đường dẫn do các đối tượng gửi. Thực tế, cơ quan chức năng hiện chưa có ứng dụng trên mạng nào bắt buộc nạn nhân phải khai báo thông tin về tài khoản ngân hàng. Trường hợp cần phong tỏa tài khoản, cơ quan chức năng sẽ trực tiếp đề nghị các ngân hàng thực hiện chứ không gọi điện để yêu cầu người dân tự chuyển tiền.

Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao nhận thức về việc bảo vệ thông tin cá nhân, không khai báo bất kỳ thông tin nào khi không cần thiết. Việc lộ, lọt thông tin cá nhân có thể dẫn đến việc các đối tượng lừa đảo có nguồn tin để mạo danh cơ quan thực thi pháp luật đe dọa nạn nhân.

Trong trường hợp bị gọi điện đe dọa giống những phương thức nêu trên, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý. Ðặc biệt, những người nắm bắt được các khuyến cáo, thông tin của cơ quan chức năng cần chủ động thông báo, phổ biến cho bạn bè, người thân trong gia đình được biết, nhất là hướng dẫn những người lớn tuổi, ít tiếp xúc xã hội. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm sử dụng công nghệ cao nếu không nắm vững được các thông tin về loại tội phạm này.

TheoNhanDan

Các tin khác


Cảnh báo đồ chơi nguy hiểm có tên “bom thối”

Công an huyện Tân Lạc cho biết, thông qua công tác nắm tình hình, Công an xã Tử Nê đã phát hiện 5 học sinh trường Tiểu học và THCS Tử Nê đặt mua trên mạng và sử dụng một loại đồ chơi nguy hại có tên là "bom thối".

Khởi tố Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng

Ngày 15/4, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An.

Luật sư của cựu Chủ tịch Vimedimex giao nộp hơn 80 bộ tài liệu, chứng cứ cho Tòa

Sau phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex Nguyễn Thị Loan cùng 10 bị cáo khác trong vụ án sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất ở Đông Anh (Hà Nội) do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở ngày 9/4, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Loan đã giao nộp cho Hội đồng xét xử hơn 80 bộ tài liệu, chứng cứ có liên quan trong vụ án.

Công an tỉnh thực hiện lời di huấn của Bác Hồ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. Người để lại cho lực lượng Công an nhân dân nhiều di huấn quý báu, trong đó có bức thư gửi đồng chí Giám đốc Công an Khu 12, ngày 11/3/1948. Trong thư Người chỉ rõ: Tư cách người Công an cách mệnh là: Đối với tự mình phải: Cần, kiệm, liêm, chính; đối với đồng sự phải: Thân ái, giúp đỡ; đối với Chính phủ phải: Tuyệt đối trung thành; đối với nhân dân phải: Kính trọng, lễ phép; đối với công việc phải: Tận tụy; đối với địch phải: Cương quyết, khôn khéo.

Đấu tranh quyết liệt, phòng ngừa hiệu quả với tội phạm và tệ nạn xã hội

Với tinh thần đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với tội phạm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, Công an tỉnh đã triển khai lực lượng tập trung đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm, giữ vững ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên.

Thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Bằng sự hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn cụ thể, nhiệt tình của cán bộ Ban Tiếp công dân (TCD) tỉnh, những kiến nghị, bức xúc của 170 hộ dân có nhà và đất nằm trong phạm vi ảnh hưởng, liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) đã được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lắng nghe, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố tập trung giải quyết...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục