Những vụ va chạm giữa tàu hỏa và người tham gia giao thông trong những tháng vừa qua ngày càng tăng về số lượng và điểm nóng nhất lại thuộc các đường ngang dân sinh trái phép. Nó trở thành những “điểm đen” trên đường sắt nhưng để xóa là một bài toán khó, nếu người dân vẫn thiếu ý thức tham gia giao thông.

ĐSVN có tổng chiều dài 3.146km. Trong đó đường sắt chính tuyến là 2.640 km, đường nhánh, đường ga là 506 km, chạy qua 34 tỉnh, thành phố, 147 quận, huyện và 654 phường, xã, thị trấn. Những năm gần đây do tốc độ phát triển nhanh, mức độ đô thị hóa ngày càng sôi động, sự bùng nổ của các phương tiện giao thông... đã kéo theo sự phức tạp của hành lang ATGTĐS. Tình trạng nhiều hộ dân sống dọc đường sắt đã tự mở lối đi trái phép, chính vì vậy các vụ việc tàu va, cán, gạt người và xe cộ khi qua các đường ngang dân sinh tự phát ngày một gia tăng.

Hiện nay địa bàn xảy ra nhiều vụ tai nạn nhất trên đường ngang dân sinh là đoạn từ Hà Nội đến Nam Định thuộc 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hà Nam, Nam Định. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, số đường ngang các loại từ năm 2001 đến nay đã tăng trung bình 1,5 lần. Trên các tuyến đường sắt hiện có tới 310,272 km đường bộ chạy song song và liền kề với đường sắt, dẫn tới tình trạng ôtô đổ vào đường sắt, gây tai nạn giao thông và trở ngại chạy tàu ngày càng phổ biến.

Theo ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban ATGT Tổng Công ty ĐSVN, từ đầu năm 2010 đến nay trên toàn tuyến đường sắt xảy ra 266 vụ tai nạn, trong đó 165 vụ xảy ra tại các đường ngang dân sinh, 10 vụ xảy ra trên đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động đang hoạt động tốt; 2 vụ xảy ra trên đường ngang có gác chắn đóng đúng quy định. Địa phương xảy ra nhiều nhất là Hà Nội với 39 vụ, tuyến đường nhiều tai nạn nhất là tuyến Bắc Nam với 199 vụ.

Trong 107 người chết và 163 người bị thương thì chiếm đến 60% là do cố tình vượt đường ngang dân sinh không quan sát khi tàu đã đến gần, băng qua đường dân sinh trái phép do dân tự mở. Một điều đáng lưu ý là các vụ tai nạn xảy ra trên đường sắt, do vượt đường ngang thường không phải những người sống hai bên đường sắt mà do người ở nơi khác tới. Các hộ bên cạnh đường sắt có nhiều kinh nghiệm và cũng biết được giờ tàu chạy nên không bị va chạm với đường sắt. Nguyên nhân của những tai nạn thương tâm này là do hệ thống đường ngang dân sinh còn quá nhiều và ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông còn yếu.

Chỉ tính riêng đoạn từ Ga Hà Nội đến ngã ba vào khu đô thị mới Linh Đàm đã có gần 20 đường ngang dân sinh trái phép mà trên tuyến đường này còn có rất nhiều đường ngang dân sinh hợp pháp có ghi chắn, đèn báo tín hiệu, thiết bị cảnh báo tự động... Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2010, có 90% số vụ tai nạn xảy ra trên đường ngang dân sinh và dọc đường do người, các phương tiện tham gia giao thông đường bộ cố tình vượt qua đường sắt không quan sát khi tàu đã đến gần đâm vào tàu, đi lại, nằm ngồi trên đường sắt hoặc vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt bị tàu cán.

Không chỉ có người tham gia giao thông, xe máy, mà cả ôtô chở nhiều người cũng dễ gặp tai nạn trên những đường ngang dân sinh. Theo một tài xế taxi, đường sắt không như đường bộ, lồi lõm và có đoạn gờ, nếu như cố tình vượt khi tàu đến gần, rất dễ luống cuống, khó xử lý và gặp phải tai nạn.

Ông Nguyễn Công Thọ, Phó ban ATGT Tổng công ty ĐSVN cho biết thêm: Khi dân tự mở những đường dân sinh trái phép thì ngành đường sắt cũng như chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua rất tích cực ngăn chặn và tháo dỡ, nhưng rất khó vì người dân buộc phải qua. Ví dụ như đoạn từ Hà Nội đến Nam Định, đường Quốc lộ 1 và Quốc lộ 10 song song với đường sắt, người dân phải băng qua đường sắt thì mới sang được đường bộ. Dân ở bên phải đường sắt, nếu muốn đi đường bộ phải băng qua đường ngang.

Và để tiết kiệm thời gian và nhiên liệu, các đường ngang trái phép cứ vô tư mọc lên cho... tiện. Ngành đường sắt cùng chính quyền địa phương luôn có biện pháp, thậm chí cưỡng chế tháo dỡ các đường dân sinh nhưng thực sự thiếu hiệu quả vì chưa lập được các đường gom, đường dọc hành lang nên dân vẫn phải băng qua đường sắt. Thậm chí nhiều khi vừa tháo dỡ đường ngang vi phạm xong, đoàn cưỡng chế mới đi khỏi người dân đã kê lót vào để đi.

Tai nạn đường sắt là một trong những tai nạn thương tâm nhất, nhưng hoàn toàn có thể đề phòng được nếu mỗi người tham gia giao thông ý thức được sự nguy hiểm và tuân thủ theo những quy định của ngành đường sắt. “Nhanh một phút, chậm cả đời”, đó là câu nói mà chúng ta nên nhủ thầm mỗi khi đi trên những đường ngang có giao cắt với đường sắt, từ đó mới có thể giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm liên quan đến đường sắt.

Cần tuyên truyền tốt Luật Giao thông đường bộ

Một số vụ tai nạn giao thông đường sắt mới xảy ra gần đây đang trở thành điểm nóng về an toàn giao thông. Nguyên nhân chủ yếu của những vụ tai nạn trên đều do sự bất cẩn của tài xế ôtô, những đường dân sinh ngang qua đường sắt có ở nhiều nơi, không có sự cảnh báo khi có tàu đang đến…

Việc cần làm đầu tiên phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ. Cần giúp cho người dân hiểu về quy tắc khi đi qua đường sắt, để những người tham gia giao thông có ý thức chấp hành quy tắc giao thông. Phải đảm bảo an toàn giao thông cho người tham gia giao thông, chắc chắn đảm bảo an toàn thì người tham gia giao thông mới được vượt qua đường sắt.

Bên cạnh đó, các địa phương cùng nghành đường sắt phải triển khai và thực hiện nghiêm túc Quyết định 1856 của Thủ tướng Chính phủ về trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Việc khuất tầm nhìn của người lái tàu cũng gây nguy hiểm cho hành trình của đoàn tàu. Với các phương tiện giao thông đường bộ, cần làm thêm những gờ giảm tốc trên đường bộ, biển báo hiệu giao thông… Những đoạn đường nguy hiểm đã và chưa xảy ra tai nạn nhất thiết phải có những tín hiệu đèn báo, những biển báo giao thông.

Ông Nguyễn Trọng Thái

(Phó Chánh văn phòng, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia)

Phải có đường gom mới hạn chế được tai nạn

Theo đúng luật quy định, ngoài thành phố, trên đường sắt chính tuyến, tối thiểu phải cách 1.000m mới được mở một đường ngang qua đường sắt, nhưng trong thành phố từ ga Hà Nội xuống Văn Điển, Thường Tín và các tỉnh khác thì kể cả các đường ngang hợp pháp cũng không thực hiện được quy định đó. Đường ngang dân sinh mở nhiều, ngày càng phức tạp và trở thành điểm nóng về tai nạn giao thông.

Hiện nay ngành đường sắt đang thực hiện Quyết định 1856 của Chính phủ làm đoạn đường gom hàng rào dọc tuyến đường sắt, không chỉ riêng tuyến đường sắt Thống nhất mà trên toàn quốc để nhân dân đi vào các đường ngang theo quy định. Đồng thời hạn chế bớt các đường dân sinh tràn lan dọc tuyến, để ngăn chặn các vụ tai nạn có thể xảy ra.

Thu gom tất cả đường dân sinh mở trái phép hiện nay thành một nơi quy định để buộc người dân phải đi theo đường quy định, ở một lối đi nhất định và tại lối đi có đầy đủ thiết bị để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện đi qua. Tiến độ xây dựng các đường gom theo Quyết định 1856 được triển khai từ năm 2010-2013. Hiện nay một số tuyến đường gom đã được thiết lập, xây dựng, còn hầu hết mới chỉ trong giai đoạn lập dự án, sẽ được thực thi vào khoảng đầu 2011.

Ông Nguyễn Công Thọ

(Phó ban ATGT Tổng Công ty ĐSVN)

Tuân thủ quy định của tín hiệu và biển báo

Kinh doanh vận tải bằng hình thức ôtô như chúng tôi tính cạnh tranh rất cao. Hàng ngày có hàng nghìn chiếc taxi cùng hoạt động, nhưng chúng tôi không vì thế mà đánh đổi mạng sống của mình, của hành khách bằng việc vượt qua các đường ngang dân sinh trái phép vì cái giá phải trả quá đắt.

 

Thà bỏ một cuốc xe còn hơn là vi phạm các tín hiệu đèn, biển báo lắp đặt tại các đường ngang. Còn các đường ngang dân sinh mở trái phép, chúng tôi cũng được tuyên truyền nên dứt khoát không đi vào vì như thế rất nguy hiểm. Trong trường hợp bất khả kháng, người lái xe taxi phải luôn chủ động quan sát, khi thấy thật an toàn mới dám vượt.

Trong thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, vì thế tôi và các đồng nghiệp luôn rút ra được kinh nghiệm. Không cố vượt qua khi đã có tín hiệu dừng, tránh tai nạn đồng thời cũng là tránh tổn thất cho xã hội.

Lái xe Phạm Văn Tuấn

(Công ty Cổ phần Taxi Mai Linh)

 

 

Theo ANTD

Các tin khác


Bắt 4 đối tượng tạt sơn vào nhiều xe ô tô

Ngày 4/5, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết đã làm rõ thông tin và bắt 4 đối tượng liên quan đến vụ 6 xe ô tô bị tạt sơn tại phường Định Công.

Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái bị khởi tố, bắt tạm giam

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.

Bắt cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Điều khiển xe mô tô lạng lách, quay video tung lên mạng, nam thanh niên bị xử phạt 7,5 triệu đồng

Công an huyện Mai Châu cho biết, đơn vị vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Đinh Văn D. (SN 2003), trú tại xã Mai Hịch 7,5 triệu đồng về các hành vi vi phạm quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Bắt đối tượng mua bán, tàng trữ ma túy với thủ đoạn tinh vi

Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, trong 2 ngày 2 - 3/5, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy đã liên tiếp phát hiện 2 vụ, bắt 3 đối tượng về hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý với thủ đoạn tinh vi.

Xã An Bình đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Xác định xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Thời gian qua, xã An Bình, huyện Lạc Thủy đã có nhiều giải pháp sáng tạo, tích cực nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục