(HBĐT) - "Trường nằm ở địa bàn xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đà Bắc. Điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học. Trong nhiều năm qua, Ban giám hiệu (BGH) nhà trường xác định cần có những đổi mới mang tính đột phá trong công tác quản lý, tổ chức giảng dạy để nâng cao chất lượng. Trong đó, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm được nhà trường triển khai có hiệu quả” - thầy Xa Văn Chệ, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. 



Thầy giáo Xa Văn Chệ, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Mường Chiềng, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) giới thiệu mô hình "Không gian trường lớp an toàn, sáng tạo, hiệu quả” của học sinh.

Đến thăm trường tiểu học Mường Chiềng, ấn tượng ban đầu là ngôi trường khang trang nằm trên một quả đồi độc lập, cao ráo, thoáng mát. Đứng từ vị trí này phóng tầm mắt ra xa có thể quan sát được toàn bộ cảnh đẹp của khu vực trung tâm xã Mường Chiềng. Cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học được đầu tư đầy đủ. Mặc dù thuộc xã vùng cao nhưng tất cả các phòng học tại trường đã được trang bị ti vi có kết nối mạng phục vụ dạy học trên lớp. Thư viện trong nhà, ngoài trời cũng được xây dựng với đầy đủ thiết bị cần thiết như ghế, thảm đọc sách, ô che lá cọ ngoài trời. Các đầu sách thiếu nhi, sách tham khảo được bổ sung đầy đủ.

Trường có 5 khối lớp, 260 học sinh thuộc 4 xóm của xã Mường Chiềng cũ. Để thực hiện tốt mục tiêu đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, ngay từ đầu năm học BGH nhà trường đã giao các giáo viên chủ nhiệm (GVCN), tổng phụ trách đội lên kế hoạch triển khai hoạt động theo chủ đề các tháng. Như tháng 9 với chủ đề "Thầy cô và mái trường", tháng 10 chủ đề "Mẹ và cô giáo", tháng 11 chủ đề "Thầy cô"... Một trong những điểm mới trong đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy là việc triển khai mô hình "Không gian trường lớp an toàn, sáng tạo, hiệu quả”. Trong mỗi lớp học, học sinh chủ động xây dựng góc học tập theo từng chủ đề và các môn học khác nhau như: Góc thực vật, góc Toán, góc Tiếng Việt, góc địa phương. Sau mỗi buổi học, những sản phẩm học tập tiêu biểu sẽ được trưng bày tại đó. Mô hình này đã được trao giải nhì cuộc thi "Xây dựng không gian trường lớp an toàn, sáng tạo, hiệu quả” do Sở GD&ĐT tổ chức. 

Để nâng cao văn hoá và kỹ năng đọc sách cho học sinh, nhà trường đã sắp xếp thời khóa biểu mỗi tuần có 1 tiết học chính khoá tại thư viện, đồng thời có lịch luân phiên cho học sinh các lớp đến mượn sách tại thư viện của trường. Trường đã phát động thi đua đến các lớp, cuối năm học trao thưởng cho lớp có số lượt mượn sách cao nhất. Trong mỗi lớp cũng chọn ra học sinh chăm chỉ đến thư viện nhất để khen thưởng. Tại không gian thư viện ngoài trời, bên cạnh các đầu sách thiếu nhi phù hợp với lứa tuổi, trường trang bị thêm bàn cờ vua, cờ tướng để phục vụ giải trí sau giờ học. Thường xuyên tổ chức ngày hội đọc sách gia đình để lan toả văn hoá đọc sâu rộng hơn. 

Thầy Xa Văn Chệ cho biết thêm: Từ năm học 2018-2019, nhà trường đã triển khai có hiệu quả mô hình "Tiết học cuối tuần” thay vào tiết sinh hoạt cuối tuần cho học sinh các khối lớp. Theo đó, thay vì GVCN điều hành tiết sinh hoạt, học sinh sẽ tự làm chủ tiết học trong lớp. Lần lượt từng bạn tự nhận xét những việc đã làm và chưa làm được trong tuần vừa qua, từ đó rút kinh nghiệm và lên kế hoạch cho tuần kế tiếp theo từng chủ đề thi đua được xây dựng các tháng. Nhờ sự sáng tạo và tính hiệu quả, mô hình này hiện được nhân rộng ra các trường tiểu học trên toàn tỉnh. 

Năm học 2020-2021, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên, tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ năm học. Số học sinh hoàn thành chương trình lớp học 193/196 em, đạt 98,46%. Số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học 41/41 em, đạt 100%. Số học sinh được khen thưởng hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ năm học 124/260 em. 

Khánh Linh 

Các tin khác


Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục