Quỹ học bổng Vừ A Dính - Quỹ học bổng dành riêng cho các em học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số Việt Nam của Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh được thành lập ngày 5-3-1999, theo sáng kiến của báo Thiếu niên Tiền phong. 11 năm đồng hành cùng học sinh, sinh viên miền núi và dân tộc Việt Nam, Quỹ Vừ A Dính đã và đang trở thành người bạn lớn tin yêu của thế hệ trẻ các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Thời gian đầu, hoạt động của Quỹ chủ yếu là cấp học bổng cho các em học sinh các trường dân tộc nội trú trong cả nước. Từ năm thứ tư, Quỹ vươn ra cấp học bổng cho cả đối tượng là học sinh dân tộc thiểu số đang học tập tại các trường phổ thông, sinh viên học tập tại các trường cao đẳng và đại học trong cả nước. Năm thứ tám, Quỹ đã mang hàng trăm học bổng vượt qua biên giới tặng cho con em Việt kiều và con em các bộ tộc Lào và Cam-pu-chia anh em. Năm thứ 10, học bổng của Quỹ đã vượt qua nửa vòng trái đất để đến với các em  học sinh Cu-ba anh em.


 

Cùng với sự mở rộng đối tượng được nhận học bổng, số lượng học bổng hằng năm cũng không ngừng tăng lên. Từ năm đầu tiên học bổng chỉ chưa đầy 500 suất, năm thứ tư đã tăng lên 1.000 học bổng mỗi năm. Từ năm thứ sáu với 3.000 học bổng mỗi năm. Và từ năm thứ tám đến nay mỗi năm có 5.000 em vinh dự được nhận học bổng Vừ A Dính. Giá trị học bổng cũng ngày một tăng lên. Ban đầu 500 nghìn đồng rồi 800 nghìn đồng. Từ năm thứ tám giá trị mỗi học bổng đã tăng lên một triệu đồng. Mỗi năm Quỹ Vừ A Dính đã cấp học bổng trị giá gần năm tỷ đồng.


 

Bên cạnh việc hỗ trợ học bổng cho các em, Quỹ Vừ A Dính còn vận động các doanh nghiệp cùng với Quỹ xây tặng trường học với nhiều phòng học kiên cố cho những vùng đặc biệt khó khăn. Tính đến nay, Quỹ đã xây tặng bốn ngôi trường với 24 phòng học kiên cố, bốn nhà vệ sinh và 10 phòng ở tặng giáo viên, các em học sinh dân tộc thiểu số tại tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Thanh Hóa; Xây dựng công trình nước sạch tặng Trường DTNT Xín Mần, Hà Giang. Quỹ đang đầu tư xây tặng một trường mẫu giáo tiêu chuẩn quốc gia tặng con em đồng bào dân tộc Rắc Lây, xã Phước Chính - căn cứ kháng chiến xưa của huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, trị giá 1,2 tỷ đồng.


 

Năm 2009, kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ và kỷ niệm 60 năm Ngày hy sinh của Anh hùng Vừ A Dính. Quỹ đã quyết định dựng tượng đồng, xây nhà lưu niệm và tặng tủ sách mang tên Vừ A Dính tặng đồng bào Mông xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Ðiện Biên quê hương Vừ A Dính. Tượng Anh hùng Vừ A Dính và nhà lưu niệm đã trở thành địa chỉ đỏ của tuổi trẻ dân tộc Mông quê hương anh.


 

Tấm gương hy sinh anh dũng vì nền độc lập tự do của Tổ quốc của Vừ A Dính còn được Quỹ tuyên truyền rộng rãi trong thế hệ trẻ bằng việc phát hành cuốn tóm tắt tiểu sử cùng nhiều ca khúc ca ngợi người Anh hùng để tuổi trẻ cả nước noi gương, học tập. Quỹ đã vận động được hơn mười đơn vị đồng hành tổ chức và tài trợ chính thường xuyên cho tuổi trẻ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Gần 30 nghìn học bổng Vừ A Dính trong 11 năm qua đã trở thành nguồn động viên khích lệ lớn lao thế hệ trẻ miền núi và dân tộc nỗ lực phấn đấu, rèn luyện vươn lên. Vì thế mà hàng nghìn em học sinh, sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc đã vinh dự nhiều lần được nhận học bổng Vừ A Dính. Học bổng Vừ A Dính đã và đang động viên, khích lệ để các em vươn lên và trưởng thành. Hàng nghìn em được nhận học bổng từ Quỹ Vừ A Dính những năm đầu thế kỷ XXI đã và đang là nguồn nhân lực quan trọng của các địa phương trong sự nghiệp xây dựng và phát triển miền núi và dân tộc.


 

Từ năm 2009 - năm thứ 10 thành lập, Quỹ Vừ A Dính đã bước đầu thực hiện chuyển hướng mục tiêu và hình thức hỗ trợ. Bên cạnh việc hỗ trợ học bổng trên diện rộng, Quỹ đồng thời tiến hành đầu tư hỗ trợ chiều sâu cho các em thực hiện chương trình thí điểm đầu tư chiều sâu đầu tiên cho 31 em học sinh THCS của 10 dân tộc từ 10 địa phương trong cả nước, Quỹ đã vận động nhiều doanh nghiệp và cơ sở đào tạo phối hợp cùng với Quỹ thực hiện chương trình hỗ trợ này. 31 em học sinh được hỗ trợ 12 tháng/năm, mỗi tháng 500 nghìn đồng. Chương trình hỗ trợ kéo dài cho tới khi các em tốt nghiệp lớp 12. Các em được nhà trường nuôi ăn, ở và học tập, được cấp sách vở, đồ dùng học tập, quần áo đồng phục và các trang thiết bị khác. Các em được hưởng chương trình này cho tới khi tốt nghiệp lớp 12.


 

Ðầu năm 2010, Quỹ tiếp tục vận động Công ty Kiệm Nghĩa và bà Thân Thị Vân Ti, chủ nhà hàng Kim Hồ (TP Hồ Chí Minh), mỗi đơn vị nuôi 10 em học sinh dân tộc thiểu số trong bảy năm. Riêng Ngân hàng SHB và Tập đoàn T&T nhận nuôi dưỡng 20 em học từ lớp 6 đến lớp 12 với tổng kinh phí 1,344 tỷ đồng. Ðặc biệt, Quỹ còn nhận được sự ủng hộ của ông Osamu Yasuhara (một doanh nhân ở Nhật Bản) tài trợ 50 nghìn yên (hơn 200 triệu VNÐ) để nuôi dưỡng các em học sinh dân tộc thiểu số Việt Nam. Ðầu tháng 4 vừa qua, Quỹ còn ký kết với Quỹ Vina Capital thực hiện một chương trình đầu tư cho 50 em nữ học sinh dân tộc thiểu số học từ lớp 10 đến khi tốt nghiệp lớp 12 và 50 nữ sinh viên dân tộc thiểu số học năm thứ nhất đến khi tốt nghiệp đại học. Chương trình hỗ trợ các em học phí, tiền ăn, đồng phục, sách vở và trang bị điện thoại di động và tiền cước để các em có trách nhiệm thông báo trực tiếp việc học tập và rèn luyện của các em với Quỹ. Chương trình này được đầu tư 608.310 USD. Tính đến nay đã có gần 120 em đã và đang được Quỹ phối hợp với các nhà tài trợ nuôi dưỡng lâu dài để các em học sinh dân tộc thiểu số có điều kiện học tập tốt nhất. Tranh thủ các nguồn lực từ xã hội, Quỹ còn vận động Công ty Thăng Thiên tham gia chương trình tặng 15 nghìn thẻ học tiếng Anh trị giá mỗi thẻ 350 nghìn đồng và 100 máy vi tính cho học sinh dân tộc thiểu số cả nước... Bên cạnh việc duy trì cấp 5.000 học bổng mỗi năm cho các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số cả nước, thì việc đầu tư có địa chỉ và đầu tư chiều sâu, trực tiếp góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các địa phương miền núi và dân tộc là mục tiêu lựa chọn phát triển của Quỹ Vừ A Dính trong thời gian tới. Ðể thực hiện mục tiêu này, Quỹ rất cần sự chung tay, góp sức của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước.


 

Phát triển miền núi và dân tộc là sự nghiệp to lớn và lâu dài, mang ý nghĩa chiến lược của Ðảng và Nhà nước ta. Quỹ Vừ A Dính tiếp tục có thêm nhiều hình thức đầu tư, hỗ trợ tích cực và hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho miền núi và dân tộc. Sắp tới, Quỹ sẽ phối hợp với một đối tác Nhật Bản thực hiện chương trình đào tạo nghề và học tiếng Nhật miễn phí ở trong nước cho các em học sinh dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp lớp 12. Sau đó lựa chọn mỗi năm đưa 150 em sang Nhật Bản làm tu nghiệp sinh ba năm. Quỹ cũng sẽ tăng cường tìm kiếm nguồn học bổng để có thể đưa các em học sinh dân tộc thiểu số sang học đại học tại nước ngoài...


 

Ðể tôn vinh những gương mặt đặc biệt xuất sắc của tuổi trẻ miền núi và dân tộc cả nước, năm 2009, Quỹ đã ban hành Giải thưởng Vừ A Dính. Chủ nhật 26-6-2010 tới đây, tại Nhà hát Lớn TP Hồ Chí Minh Quỹ Vừ A Dính và Ban Bí thư T.Ư Ðoàn sẽ tổ chức tuyên dương 15 tập thể và cá nhân xuất sắc tiêu biểu của tuổi trẻ các dân tộc thiểu số Việt Nam 2009-2010. Ðồng thời cũng tại Lễ tuyên dương này, Quỹ sẽ trao học bổng năm học 2009-2010 cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu cả nước.


 

Ða dạng hóa các hình thức tài trợ, khai thác mạnh mẽ các nguồn tài trợ trong và ngoài nước để hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số cả nước vừa là hành động vừa là mục tiêu phấn đấu của Quỹ Vừ A Dính. Với tình cảm và trách nhiệm cao trước thế hệ trẻ các dân tộc thiểu số Việt Nam của Quỹ Vừ A Dính, Quỹ sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ quý báu của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, doanh nhân và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước dành cho học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số Việt Nam.
 
 
 
                                                                           Theo ND


 

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục