Đề án KCHTLH&NCV đã cơ bản giải quyết tình trạng trường lớp xuống cấp ở huyện Đà Bắc

Đề án KCHTLH&NCV đã cơ bản giải quyết tình trạng trường lớp xuống cấp ở huyện Đà Bắc

(HBĐT) - Hiệu quả cao nhất mà Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và Nhà công vụ (KCHTLH&NCV) cho giáo viên (GV) đã đảm bảo được mục tiêu xóa các phòng học tạm, phòng học K3, xuống cấp nghiêm trọng. Đảm bảo an toàn cho GV, học sinh đến trường. Đà Bắc là huyện có nhiều trường ở vùng sâu, xa, giao thông đi lại khó khăn, phòng công vụ (PCV) đã giải quyết nhu cầu cấp thiết về nơi ăn chốn ở, để GV yên tâm bám trường, bám lớp, Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) huyện Đà Bắc, Nguyễn Hữu An nhấn mạnh.

 

Nỗ lực đảm bảo tiến độ Đề án

 

Không thể nói hết được niềm vui, sự phấn khởi của hàng nghìn cán bộ GV và học sinh trên địa bàn huyện Đà Bắc khi được hưởng lợi từ Đề án KCHTLH&NCV được triển khai xây dựng, thực hiện trên địa bàn huyện trong những năm qua. Cô giáo Hải Anh, GV trường THCS Mường Tuổng phấn khởi: Quả thực việc triển khai Đề án giống như một giấc mơ. Nhìn cơ ngơi với những phòng học khang trang, kiên cố, PCV cho GV được đảm bảo như hiện nay thì không ai có thể hình dung được cách đây chưa lâu nó chỉ là những phòng học tạm bợ được phụ huynh học sinh dựng  bằng tre, nứa thông thống gió, mịt mùng sương lạnh về mùa đông; ướt sũng nước về mùa mưa. Nơi ăn chốn ở cho cán bộ GV lên công tác giảng dạy cũng chẳng khá hơn. Giống như những lều lán lợp vội chỉ có tác dụng che nắng chứ không có tác dụng che mưa.

 

Tổng thể kế hoạch Đề án KCHTLH&NCV giai đoạn 2008 - 2012, Đà Bắc được phê duyệt là 169 phòng. Trong đó, lớp học mầm non (MN) là 78 phòng, tiểu học (TH) là 60 phòng, THCS là 31 phòng. Số PCV là 274 phòng, trong đó số PCV cho GV MN là 67 phòng, TH 123 phòng, THCS là 84 phòng. Sau khi đã chuyển giao các công trình nằm trong kế hoạch được phê duyệt của xã Tân Dân chuyển về huyện Mai Châu thì Đà Bắc còn lại 163 phòng học. Trong đó MN còn lại 63, TH 60, THCS 29 phòng và 252 PCV cho GV. Phó trưởng phòng GDĐT huyện Đà Bắc, Nguyễn Hữu An cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã nỗ lực đảm bảo thực hiện tốt tiến độ, kế hoạch của Đề án. Tính đến thời điểm này, số phòng học đã triển khai đầu tư trên tổng số phòng học được phê duyệt theo kế hoạch của Đề án là 102/163 phòng bằng 62,5% kế hoạch của cả giai đoạn 2008 - 2012. Gồm 47 phòng học MN, 42 phòng học bậc TH và 13 phòng học bậc THCS. Trong đó, có 102 phòng học đã hoàn thành và đưa vào sử dụng được 61 phòng. Số PCV đã triển khai đầu tư trên tổng số phòng được phê duyệt theo kế hoạch của Đề án là 149/252 phòng bằng 59,1% kế hoạch của cả giai đoạn. Đã hoàn thành 134 phòng, phần lớn được đưa vào sử dụng. Hiện nay còn 14 phòng đã lập thủ tục đầu tư của năm 2010.

 

Tổng số vốn được phân bổ trong 3 năm 2008, 2009 và 2010 là 33 tỷ 182 triệu đồng. Trong đó vốn TPCP phân bổ trong 3 năm là 30 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 3 tỷ 182 triệu đồng. Tính đến ngày 31/5, đã giải ngân được 26 tỷ 652 triệu đồng. Trong đó, vốn TPCP đã giải ngân được 24,5 tỷ đồng, bằng 81,6% vốn giao cả 3 năm. Vốn đối ứng NSĐP đã giải ngân được 2 tỷ 125 triệu đồng, bằng 66,8% kế hoạch. Dự kiến trong tháng 6/2010 Đà Bắc giải ngân xong toàn bộ vốn giao năm 2010.      

 

Khó khăn về kinh phí

 

“Không thể phủ nhận những hiệu quả từ việc thực hiện Đề án KCHTLH&NCV cho GV ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Đà Bắc. Ngay khi lập kế hoạch triển khai, Đề án đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và sự ủng hộ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, các nhà trường, đặc biệt là sự ủng hộ, đồng thuận cao trong QCND trên địa bàn. Tuy vậy, cho đến thời điểm này, khi việc thực hiện Đề án KCHTLH&NCV giai đoạn 2008 - 2012 đã đi được một nửa chặng đường nhưng vẫn còn tồn tại những bất cập, khó khăn”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó trưởng phòng GDĐT huyện Đà Bắc chia sẻ.

 

Trao đổi xung quanh những vấn đề này, ông Nguyễn Hữu An cho biết: Là huyện miền núi nên các trường học trên địa bàn huyện hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, sĩ số học sinh mỏng. Nhiều điểm trường lẻ, phân tán do vậy không có điều kiện đầu tư xây dựng với quy mô tập trung. Cùng với đó, do điều kiện địa hình phức tạp nên để có được mặt bằng xây dựng là rất khó khăn. Có một thực tế là rất nhiều điểm cần đầu tư nhưng lại không có mặt bằng xây dựng nên cũng chịu.

 

Điển hình như chi trường xóm Ênh xã Tân Minh. Chi trường này đã được đưa vào kế hoạch đầu tư từ năm 2008 nhưng cả phòng GDĐT huyện và địa phương không thể lo được mặt bằng. Để có được mặt bằng xây dựng phải san ủi cả một quả đồi, không biết lấy tiền ở đâu. Trong khi đó dự án chỉ đầu tư để xây dựng. Không có mặt bằng nên cũng đành chịu. Bên cạnh đó, giao thông đi lại khó khăn, nhiều chi, điểm trường vừa xa, vừa lẻ cộng với giá cả, nhân công có những biến động tăng. Nên làm tăng suất đầu tư của công trình. “Chi phí cho một suất đầu tư ở Đà Bắc tính hết sức tiết kiệm không tính chi phí san ủi mặt bằng vào nguồn tiền Đề án mà tính vào các nguồn khác như huy động nhân dân, dựa vào nguồn NSĐP hoặc là XHH. Thế nhưng định suất đầu tư ở đây vẫn bị tăng vọt, so với định mức nhà nước cấp”, ông An cho biết. Mức đầu tư hỗ trợ của Đề án là 188,5 triệu đồng/phòng học, 40 triệu đồng/PCV. Nhưng thực tế triển khai trên địa bàn huyện bình quân là 230 - 250 triệu đồng/phòng học. Phòng học bậc TH vào khoảng 170 - 180 triệu đồng/phòng, phòng học bậc THCS khoảng 220 - 230 triệu đồng, phòng học MN vào khoảng 250 - 270 triệu đồng/phòng. Theo Đề án thì định mức đầu tư là 40 triệu đồng/PCV, trong khi đó để làm 1 PCV ở Đà Bắc hết khoảng 100 - 110 triệu/phòng tùy theo từng vùng. So với các huyện khác thì Đà Bắc khó khăn nhiều hơn. Đường giao thông không  thuận lợi nên chở được 1 xe cát từ Hoà Bình lên đến công trình thì chi phí cũng đã đội lên nhiều. Cũng vì kinh phí đầu tư hạn hẹp như vậy nên toàn bộ phần mua sắm thiết bị cho các phòng học, PCV tạm thời phải dừng lại để dành tiền cho việc đầu tư xây dựng. “Với mức tiết kiệm tối đa như vậy, chúng tôi tính cũng chỉ thực hiện được khoảng 60 - 70% số kế hoạch được giao là đã hết tiền. Hiện tại, có vốn đến đâu thì cũng chỉ dám làm đến đó. Để thực hiện phần còn lại thì theo tính toán còn thiếu khoảng 15 - 20 tỷ, số tiền đó chúng tôi cũng không biết lấy ở đâu ra. Bởi vì hoàn toàn là tiền từ nguồn TPCP và một phần vốn đối ứng của tỉnh, địa phương thì không có. Huy động XHH thì dân cũng chỉ đóng góp công san ủi một chút mặt bằng thôi, chứ đời sống người dân cũng khó khăn không thể huy động được”, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết

 

Còn ông An cho biết thêm: Khi đưa các công trình vào sử dụng, về phòng học thì không có vấn đề gì, thiết kế hoàn chỉnh, tương đối tốt. Chỉ có phòng học ở bậc học MN thiết kế tốt, nhưng lại thiếu nhà vệ sinh cho các cháu ở các thiết kế 1 phòng, 2 phòng. Đối với bậc TH thì có thể thế nào cũng được nhưng đối với lớp học MN 1 phòng 2 phòng mà không có nhà về sinh thì quả thực là một điều hết sức bất hợp lý. Bên cạnh đó cũng còn có những bất cập đối với PCV. Thứ nhất là phần mái không đổ bê tông, cốt thép mà chỉ là trần nhựa lợp tôn, mỏng khi đó chiều cao chỉ có 3m, nếu làm lán như vậy thì ở được nhưng làm như vậy để ở thì rất nóng. Cái nữa là khu vệ sinh, bếp đun nấu của PCV không hợp lý. Khu vệ sinh không có nước, không có đường dẫn nước vào, không có bể, không có téc chứa. Điều này ngay từ đầu chúng tôi đã có kiến nghị nhưng đến giờ vẫn vậy. Họp BCĐ tỉnh chúng tôi đã kiến nghị nhưng vẫn không được sửa chữa cho hợp lý. Cái này mình không được phép làm khác vì đã là thiết kế mẫu UBND tỉnh đã phê duyệt. Điều kiện thực tế ở vùng cao cực kỳ thiếu nước nhưng trong thiết kế mẫu không có xây bể, không xây hệ thống dẫn nước vào. Thậm chí BCĐ tỉnh đã lên tận nơi thăm quan chứng kiến những bất cập đó, nhưng do kinh phí có hạn. Nên phải cực kỳ tiết kiệm bởi chỉ cần cho đổ trần bê tông và lắp các thiết bị đường ống dẫn nước cho hệ thống vệ sinh thì kinh phí sẽ phát sinh thêm nhiều chục tỷ nữa. Đề giải quyết bất hợp lý này một cách hợp lý và tiết kiệm nhất, chúng tôi và đã đề nghị xây nhà vệ sinh chung, nó đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm hơn nhiều nhưng vẫn chưa có sự thay đổi. Không xây thì không có chỗ ở, nhưng mà xây thì lại có những bất hợp lý.

 

“Kể ra trong quá trình thực hiện cho phép chủ đầu tư linh hoạt theo điều kiện địa phương thì các công trình xây dựng sẽ đạt hiệu quả cao. Nhưng đây là theo thiết kế mẫu chung duy nhất do UBND tỉnh ban hành thì chúng tôi không thể làm khác được”, Ông An chia sẻ.

 

                                                                               Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục