Tiền công các thầy được trả bằng mớ rau, mớ cá. Niềm vui của các thầy là được nhìn thấy người dân địa phương nhờ con chữ mà dần xóa đi nghèo đói, trẻ em nhờ con chữ mà nên người.

 

Ở xã Phú Đa (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) có một người thầy rất đặc biệt. Bị khuyết tật, lên lớp phải chống nạng, đi xe lăn nhưng cái dáng lưng còng của thầy Nguyễn Trai, 51 tuổi, ở thôn Thanh Lam đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Trong căn nhà vừa là chỗ ở vừa là lớp học, hàng ngày đều vang lên tiếng học bài ê a, thầy giáo lụi cụi cầm tay luyện từng nét chữ cho trò.

Thầy Trai kể, bây giờ lớp chỉ còn 9 em bị thiểu năng trí tuệ chứ cách đây hơn 20 năm, thầy dạy học cho hầu hết học sinh trong vùng, đêm đến lại chong đèn xóa mù chữ cho người lớn.

Thầy Nguyễn Trai và lớp học của mình. Ảnh: Nguyễn Đông.

Thủa nhỏ, Trai là người may mắn nhất trong làng khi được bố mẹ cho đi học. Nhưng cánh cửa cuộc đời như khép lại khi năm lên lớp 9, Trai gặp bạo bệnh rồi bị liệt toàn thân. “Ngày một mình tập ngồi dậy được, tôi đã khóc vì ngồi dậy đồng nghĩa mình có thể làm một việc gì đó”, thầy Trai kể.

Năm 1987, người dân ngỡ ngàng khi biết tin Nguyễn Trai mở lớp dạy học xóa mù chữ tại nhà. Ban đầu “bụt nhà không thiêng” nên lớp chỉ lèo tèo vài người. Nhưng rồi chính sự ân cần của thầy Trai đã thu hút hàng trăm người lớn đến học xóa mù chữ, trẻ em đến học vỡ lòng. Và đến giờ, thầy Trai không nhớ nổi đã dạy bao nhiêu học sinh, chỉ biết cả xã này nhà nào cũng có người đến học chữ của thầy. Có nhà thầy dạy bố mẹ, rồi đến lượt con cái.

Cầm những tấm ảnh chụp lớp học cũ cách đây 10 năm, nơi thầy và trò ngồi học trong cái lán rộng 15 m2 dựng ở giữa đồng, thầy Trai nhớ lại: “Mỗi lần mưa là thầy trò lại ngồi ôm nhau vì nước mưa dột lỗ chỗ, dưới nền là đất nhớp nháp. Năm 2005, một nhà hảo tâm giúp thầy dựng căn nhà, thầy và trò có lớp học khang trang".

Điều thầy Trai lấy làm ấm lòng nhất chính là “những đứa trẻ ngỗ ngược trong làng đã viết được chữ đồng nghĩa với việc đã biết làm người. Người lớn trong làng biết tự mình ký tên vào giấy vay vốn ngân hàng lấy vốn phát triển kinh tế hay đăng ký kết hôn chứ không phải nhờ người ký hộ như trước”.

Tranh thủ những lúc nghỉ dạy, thầy lại chống nạng với công việc đồng áng nuôi thân. Ảnh: Nguyễn Đông.

Nhiều em hay bỏ học khiến thầy trăn trở rất nhiều. Thương trò nhưng thân mình tật nguyền nên thầy Trai không thể đến từng nhà vận động, chỉ biết nhắn giùm phụ huynh. “Dù lớp còn một học trò tôi vẫn dạy, vì khi đó mình vẫn có ích cho xã hội”, thầy Trai quả quyết. Có hôm trời mưa, học trò không đến lớp, thầy Trai lại chống nạng gỗ đứng nhìn ra ngõ vì nhớ trò.

Xuôi về lớp học tình thương của thầy Trần Văn Hòa nằm giữa đầm Sam xã Phú Mỹ (Phú Vang) trong cái nắng chang chang, hàng chục học trò U 30-40 đang được thầy tập viết từng nét chữ. “Buổi trưa người lớn trong vùng học xóa mù chữ, còn hai buổi sáng và chiều là lớp ghép 1-2 và 3-4”, thầy Hòa cho biết.

Lớp học của thầy Hòa được bố trí hai chiếc bảng đen ngược chiều nhau. Hết giảng bên này thầy Hòa lại chạy vòng qua bên kia. “Vì học ghép lớp nên phải bố trí như thế”, thầy Hòa giải thích.

Lo lắng cho tương lai những đứa trẻ không được học hành rồi cuộc sống lại bấp bênh trên con phá mưu sinh như bao thế hệ vạn đò, với vốn kiến thức của 12 năm học, thầy Hòa quyết định mở lớp học tình thương ngay tại nhà, đó là năm 1990. Quê nghèo khát chữ, chẳng mấy chốc lớp học của thầy đã kín chỗ và đi vào nề nếp. Đến nay, nhiều em đã là sinh viên đại học, giáo viên tiểu học…

Mới đầu chỉ định mở lớp cho trẻ em, sau thấy người lớn trên vùng phá Tam Giang đa phần không biết chữ nên thầy Hòa mở thêm lớp xóa mù cho bà con. Học phí là những mớ tôm, mớ cá bắt được ngoài phá người dân mang đến biếu. "Nhờ thầy mà những ngư dân chúng tôi biết đọc chữ, biết ký tên mà vay vốn ngân hàng. Chúng tôi mang ơn thầy Hòa nhiều lắm”, chị Đinh Thị Hạnh, một tay khệ nệ bế con, một tay được thầy Hòa hướng dẫn viết chữ, thật thà nói.

“Việc thầy làm cũng bình thường thôi, nhưng vui và hạnh phúc. Thầy không mong mỏi vật chất gì từ phụ huynh hay học sinh, chỉ mong các em học giỏi, ngoan ngoãn, lễ phép, người lớn biết chữ mà bớt khổ”, thầy Hòa tâm sự.

Từ chỗ không có bằng cấp, thầy Hòa đã phấn đấu học chứng chỉ nghiệp vụ Sư phạm để nâng cao trình độ. Năm 2000, Hội Cứu trợ trẻ em không cha mẹ (ACWP) đã hỗ trợ thầy Hòa dựng lớp học kiên cố cho các em vạn đò ở đầm Sam. Giờ lớp học của thầy đã là lớp phổ cập theo chương trình học phổ thông, lớp ghép nhưng nhiều khi thầy Hòa vẫn “ôm sô” cả ba buổi sáng - trưa - chiều. “Dạy hàng chục năm như thế này rồi nên cũng quen”, thầy giáo làng 52 tuổi cười bảo.

Thầy Trần Văn Hòa và lớp học xóa mù chữ cho người lớn trong vùng. Ảnh: Nguyễn Đông

Hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy học nhưng ngày 20/11 chưa một lần các thầy được nhận hoa hay lời chúc mừng từ học trò. “Đơn giản vì các em nhà đều nghèo, lại chưa có tiền lệ học trò tặng hoa cho thầy nên thầy vẫn chưa có ngày Nhà giáo Việt Nam”, thầy Trai cười buồn giải thích.

Còn thầy Hòa rưng rưng khi nhắc đến ngày của mình: “Có ngày 20/11 thầy vẫn đứng lớp, tủi thân vì chưa một lần được nhận hoa của học trò”. Những năm gần đây, thầy Hòa được mời đi dự Ngày nhà giáo Việt Nam trên UBND xã và trường tiểu học Phú Mỹ, nhưng nhiều khi do trời mưa gió, đầm Sam là vùng thấp trũng, đến ngày 21/11 mới nhận được giấy mời.

Ông Nguyễn Văn Huế, Trưởng phòng giáo dục huyện Phú Vang, không ngớt lời khen hai thầy: “Thầy Hòa và thầy Trai là những người có trách nhiệm, nhiệt tình, thương học trò. Nhờ các thầy mà nhiều học trò nghèo khó được học chữ, học làm người. Phía phòng cũng có chính sách hỗ trợ và thường xuyên động viên các thầy tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người”.

 

                                                                   Theo VnExpress

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục