Bộ GD-ĐT đang tiến hành kiểm tra các trường ĐH, CĐ mới thành lập về việc thực hiện cam kết thành lập trường. PV Báo Thanh Niên có cuộc trao đổi với GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, xung quanh vấn đề này.

 

Xin ông cho biết mục tiêu của việc kiểm tra lần này?


GS-TSKH Bùi Văn Ga

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa 12 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT tiến hành kiểm tra các trường ĐH, CĐ thành lập trong thời gian từ năm 1998 đến 2010 trên phạm vi cả nước. Đối tượng kiểm tra là trường công lập, tư thục, cả trường thành lập mới, trường nâng cấp từ trung cấp chuyên nghiệp lên CĐ và từ CĐ lên ĐH...

Đợt kiểm tra lần này nhằm để rà soát, đánh giá lại việc các trường thực hiện các cam kết theo dự án được phê duyệt khi thành lập trường; mức độ đạt được của từng điều kiện theo cam kết trong dự án thành lập trường; có giải pháp khả thi để thực hiện đúng, nghiêm túc các điều kiện đã cam kết. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, cảnh báo và xử lý đối với các trường không thực hiện đúng, nghiêm túc cam kết.

Được biết, đến nay Bộ GD-ĐT đã kiểm tra xong một số trường. Xin ông cho biết đó là những trường nào, kết quả ra sao?

Bộ GD-ĐT đã kiểm tra Trường ĐH Văn Hiến, CĐ Công nghệ thông tin, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH dân lập Đông Đô. Qua kiểm tra, bước đầu cho thấy có trường đã thành lập trên 10 năm nhưng vẫn chưa có trụ sở riêng theo đề án đăng ký thành lập, cơ sở vật chất phải thuê mướn, không bảo đảm môi trường sư phạm; trường có trụ sở riêng nhưng diện tích đất quá chật hẹp, có trường diện tích đất chỉ có 0,3 ha; có trường diện tích sàn xây dựng bình quân chưa đầy 1m2/sinh viên, cho dù đó chỉ là phòng học thuê mướn; có trường đã được giao trên 10 ngành đào tạo trình độ ĐH nhưng chỉ có trên 70 giảng viên cơ hữu, trong đó có ngành chỉ có 1-2 giảng viên cơ hữu…

''Việc xử lý sẽ theo hướng đảm bảo quyền lợi của người học, chẳng hạn chuyển sinh viên sang học các trường khác có khả năng tiếp nhận, có đủ điều kiện đảm bảo chất lượng để đào tạo tiếp và cấp bằng'' - GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Với những trường không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng thì sẽ bị xử lý như thế nào? Liệu Bộ có xem xét giải thể như yêu cầu trong Nghị quyết 50 của Quốc hội?

Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực tế tại từng trường, căn cứ quy định tại Nghị quyết số 50 của Quốc hội, Bộ sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết đối với những trường không thực hiện đúng cam kết ở các mức như: thu hồi quyết định mở ngành đối với những ngành không còn bảo đảm các điều kiện quy định; giảm chỉ tiêu tuyển sinh kể từ năm 2012; đình chỉ hoạt động đào tạo và trình cấp có thẩm quyền xem xét đình chỉ hoạt động và giải thể trường.

Nhưng thưa ông, dư luận không khỏi lo ngại về sự quyết liệt trong việc thực hiện các chế tài vì lâu nay một số vi phạm của các trường chưa được xử lý triệt để?

Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GD-ĐT đã quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Ví dụ: Bộ GD-ĐT đã quyết định tạm ngừng tuyển sinh 101 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của 35 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ; chấn chỉnh việc tuyển sinh và đào tạo tại các cơ sở/phân hiệu không đúng quy định; tạm ngừng tuyển sinh ĐH hệ chính quy của Trường ĐH Công nghệ Đông Á và Trường ĐH Phan Châu Trinh; giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy xuống 80% (năm 2010) và xuống 60% (năm 2011) so với chỉ tiêu chính quy…


Trường ĐH dân lập Đông Đô đã thành lập 17 năm nhưng vẫn đi thuê mướn địa điểm - Ảnh: Nguyễn Quân

Vậy tiến trình của việc kiểm tra các trường sẽ được thực hiện như thế nào?

Sau đợt kiểm tra 4 trường tháng 10.2011 vừa qua, đoàn kiểm tra đã có báo cáo tổng hợp kết quả để tiếp tục tổ chức kiểm tra mở rộng. Bộ GD-ĐT đã có quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra tại 20 trường ĐH ở miền Bắc và miền Nam vào tuần cuối tháng 11.2011. Trong năm 2012, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục thành lập nhiều đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra các trường còn lại.

Nếu có trường vẫn không đủ điều kiện hoạt động và bị giải thể thì quyền lợi của sinh viên sẽ được giải quyết như thế nào?

Sinh viên không có lỗi trong sự việc này, vì vậy việc xử lý sẽ theo hướng đảm bảo quyền lợi của người học, chẳng hạn chuyển sinh viên sang học các trường khác có khả năng tiếp nhận, có đủ điều kiện đảm bảo chất lượng để đào tạo tiếp và cấp bằng.

20 trường ĐH nằm trong diện kiểm tra

Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-6.2010), từ năm 1998-2009 có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập mới, trong đó có 230 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn.

Trước mắt, cuối tháng 11 bắt đầu thanh tra các trường ĐH sau: ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương, ĐH Kinh tế - Quản trị kinh doanh (ĐH Thái Nguyên), ĐH Điều dưỡng Nam Định, ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Chu Văn An, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Đại Nam, ĐH Hòa Bình (miền Bắc), ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Sài Gòn, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH dân lập Cửu Long, ĐH Hoa Sen, ĐH Kinh tế - Công nghiệp Long An, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, Học viện Hàng không (miền Nam).

 

 

                                                             Theo ThanhNien

 

Các tin khác


Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục