(HBĐT) - Sáng 20-7, PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương cho biết, ngày 19-7 có thêm khoảng 100 bệnh nhân đến khám sùi mào gà, trong đó có 11 bệnh nhi, chủ yếu trẻ em 3-4 tuổi đến từ Khoái Châu, Hưng Yên. BV sẽ khám và điều trị miễn phí cho tất cả các trường hợp bệnh nhi (dưới 15 tuổi) tại Khoái Châu, Hưng Yên bị mắc sùi mào gà.


 

Theo Giám đốc Nguyễn Văn Thường, bình thường số bệnh nhân mắc sùi mào gà rải rác và đến BV quanh năm, nhưng gần đây theo thống kê sơ bộ của BV thì số ca mắc tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

Từ ngày 1-5-2017 đến ngày 15-7-2017, đã có 1.560 người bệnh được chẩn đoán bệnh sùi mào gà tại BV Da liễu T.Ư. Trong đó, tại tỉnh Hưng Yên có 110 ca với 39 ca trẻ em dưới 15 tuổi. Riêng tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên có 51 ca, trong đó có 37 ca trẻ em dưới 15 tuổi. Từ ngày 19-7 đến nay, đã có thêm 100 trường hợp đến khám vì sùi mào gà, trong đó có thêm 11 bệnh nhi ở Khoái Châu, Hưng Yên được nhập viện để theo dõi, điều trị.

Ths.BS Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Laser và Săn sóc da, BV Da liễu T.Ư cho biết, 39 ca bệnh nhi sùi mào gà nhập viện thời gian qua đã được điều trị dứt điểm và nhiều cháu bé được xuất viện, hẹn tái khám. Tính đến ngày 18-7, còn sáu bệnh nhi đang điều trị sùi mào gà tại khoa, trong đó có năm bệnh nhi tại Khoái Châu, Hưng Yên. Bé nhất là một cháu bé mới 6,5 tháng tuổi. Ngày 18-7, Khoa đã tiến hành hội chẩn với BV Nhi T.Ư trong việc gây mê hồi sức điều trị sùi mào gà cho cháu. ​


Sau buổi làm việc với Sở Y tế Hưng Yên và Trạm Y tế xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên vào ngày hôm qua, 19-7, Ban giám đốc BV Da liễu T.Ư ra quyết định miễn hoàn toàn chi phí khám và điều trị cho các cháu bị sùi mào gà dưới 15 tuổi của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên kể từ ngày 17-7-2017 cho đến hết ngày 31-12-2017. Cũng trong ngày hôm qua, BV Da liễu T.Ư tiến hành chuyển giao công nghệ Laser trong điều trị các bệnh lây truyền tình dục cho cán bộ y tế tại Hưng Yên.

Đồng thời, với kiến nghị của Sở Y tế Hưng Yên, BV sẽ cùng tham gia Hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân tình trạng các bệnh nhi mắc bệnh sùi mào gà tại Khoái Châu, Hưng Yên. Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế Hưng Yên thành lập sẽ bao gồm các chuyên gia ở các lĩnh vực: điều trị, dịch tễ, vi rút học, nhi để đánh giá về nguồn lây bệnh lý do vi rút trong cộng đồng.

Trước câu hỏi, liệu có khả năng các cháu bé lây trực tiếp từ người nhà trong gia đình chứ chưa hẳn nguyên nhân gây ra từ phòng khám tư nhân của bà Hoàng Thị Hiền, PGS, TS Lê Hữu Doanh (Phó Giám đốc BV Da liễu T.Ư) cho biết, BV đã cung cấp danh sách bệnh nhi có chẩn đoán sùi mào gà trong hai tháng gần đây đã và đang điều trị tại BV cho Sở Y tế Hưng Yên để Sở tiếp tục kiểm tra, xác minh về mặt nhân khẩu cũng như mối liên quan giữa các bệnh nhi này với những người lớn mắc sùi mào gà tại Hưng Yên vừa qua.

TS Doanh cho biết, khi thăm khám cho các cháu bé, bác sĩ có khai thác tiền sử bệnh lý và tiếp cận bố mẹ. "Chúng tôi có nghi ngờ nguồn lây từ bố mẹ, nhưng khi tiếp cận gia đình các cháu thì chúng tôi đã loại trừ trường hợp này. Các cháu bé nhập viện vì sùi mào gà đều có sự can thiệp về mặt y tế trước đó” - TS Doanh cho biết.

Hiện nay, BV đang lập đề tài cấp Bộ về việc hàng loạt bé trai mắc sùi mào gà tại Khoái Châu, Hưng Yên để điều tra một cách cụ thể, tiến hành làm PCA định tuýp, lấy cả máu mẹ, máu bố và bệnh nhi để nghiên cứu quan hệ chéo. Từ đó, mới có cơ sở khoa học để kết luận nguyên nhân của việc bất thường này.

Chữa dứt điểm sùi mào gà sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, bệnh sùi mào gà do HPV (vi rút Human Papilloma) là một loại vi rút DNA sợi kép gây nên, hiện nay đã tìm ra hơn 130 type. Sùi mào gà ở người lớn thường do HPV type 6 và 11 gây ra, trong khi đó type HPV gây biểu hiện sùi mào gà của trẻ em rất đa dạng. Type HPV hay gây tổn thương hạt cơm ở da (type 1-4, đặc biệt là type 2 và 3) thường được phát hiện ở trẻ em.

Biểu hiện của bệnh là tổn thương ở da hoặc niêm mạc là sẩn mềm màu da, hồng hoặc màu nâu, đường kính khoảng một vài mm. Sau vài tuần đến vài tháng, các tổn thương có thể hợp lại thành mảng lớn hơn (giống hình súp lơ). Ở trẻ nam, sùi mào gà thường gặp ở vị trí thân dương vật và quanh hậu môn. Ở trẻ gái, bệnh có thể gặp ở âm hộ, phía ngoài âm đạo, quanh lỗ niệu đạo và quanh hậu môn. Một vài trường hợp có thể gặp ở bên trong niêm mạc âm đạo và trực tràng. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở trẻ nam hơn.

Đường lây bệnh sùi mào gà ở người lớn đa phần là do lây truyền qua đường tình dục, còn trẻ thường mắc bệnh khi lây từ người chăm sóc trực tiếp, nhiều trường hợp được phát hiện lây trực tiếp từ bố mẹ. Đặc biệt, trẻ có thể mắc sùi mào gà do lây nhiễm từ đồ dùng như khăn, đồ lót bị nhiễm HPV, hoặc can thiệp y tế (như nong, phẫu thuật chít hẹp bao quy đầu) không bảo đảm điều kiện vô trùng.

Trước những lo ngại của nhiều bậc phụ huynh về việc sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của con mình sau này, TS Doanh trấn an "Trẻ mắc bệnh sùi mào gà nếu được chữa trị dứt điểm sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như tình dục sau này. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị đúng phác đồ, bệnh sẽ tái phát, đặc biệt có thể tiến triển sang ung thư và khả năng sinh sản sau này”.

Theo đó, PGS.TS Doanh khuyến cáo, người bệnh điều trị bệnh sùi mào gà, bắt buộc phải tới cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị. Tùy theo mức độ tổn thương, vị trí tổn thương, tuổi của người mắc mà có phương pháp điều trị khác nhau như bôi thuốc, xịt hoặc áp nitơ, sử dụng laser, đốt điện hoặc phẫu thuật cắt bỏ tổn thương.

Hiện tại, BV Da liễu T.Ư tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng tránh nhằm ngăn ngừa các trẻ mắc mới. Đồng thời, khuyến cáo các bậc phụ huynh có con nhỏ nên theo dõi, nếu phát hiện những biểu hiện của bệnh cần đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

 

                                                                                             Theo Nhandan

Các tin khác


Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục