(HBĐT) - Từ ngày 4/12 đến nay, nền nhiệt độ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có sự chênh lệch rất lớn giữa ngày và đêm. Liên tục khoảng hơn 1 tuần, nhiệt độ đêm và sáng sớm trên địa bàn tỉnh dao động ở mức từ 6 – 10 độ C nhưng đến trưa trời lại nắng nóng, nhiệt độ nhảy vọt lên mức 23, 24 độ C. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, đời sống cũng như gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân.



Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Sáng 11/12, chúng tôi có mặt tại khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Trò chuyện với chúng tôi, Bác sỹ CK II Tạ Huy Kiên – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết: Khoa vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân nhập viện cấp cứu do đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Bệnh nhân nhập viện trong trạng thái khó thở tăng, ho mạn tính trở nặng… Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Đây là những ca bệnh điển hình do việc thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Theo số liệu thống kê của Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong khoảng 1 tuần qua, số lượng bệnh nhân đến khám tuy không có sự đột biến, vẫn duy trì khoảng trên dưới 600 bệnh nhân/ngày. Tuy nhiên lại đặc biệt gia tăng các ca bệnh do thay đổi nhiệt độ, thời tiết như: bệnh lý về hô hấp như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen ở người lớn; trẻ em thì bị các bệnh lý như hô hấp, viêm mũi họng, viêm phổi… Đặc biệt, trời lạnh, người có bệnh tim mạch chuyển biến xấu hơn, nguy cơ suy tim, đột quỵ, tai biến... tăng cao hơn so các mùa khác.

Bác sỹ CKI Chu Thị Huyền -Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo: Những ngày gần đây, có sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn giữa ngày và đêm. Đặc biệt về đêm và sáng nhiệt độ giảm sâu, trời rét đậm, rét hại. Điều này rất nguy hiểm đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. Do đó, chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân mắc bệnh mạn tính cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sỹ, phòng tránh không để xảy ra những đợt cấp tính có thể gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

Với các gia đình có con nhỏ đưa đi học vào buổi sáng sớm khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C cần hết sức lưu ý quàng khăn, đeo khẩu trang, giữ ấm cho trẻ. Tuy nhiên, cũng cần lựa chọn quần áo cho trẻ phù hợp vì đến trưa trời sẽ nắng, nóng, đề phòng trẻ sẽ bị ra mồ hôi quá nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đồng chí Trưởng khoa Khám bệnh cũng lưu ý: Với người già cần lưu ý giữ ấm cơ thể bằng việc đeo khẩu trang, quàng khăn, đội mũ nếu có việc phải đi ra ngoài khi trời lạnh. Các cụ cũng lưu ý không nên đi bộ, tập thể dục vào sáng sớm hoặc chiều tối vì khi đó nhiệt độ xuống thấp, rất nguy hiểm cho sức khỏe. Nên lựa chọn các bộ môn thể dục trong nhà phù hợp với tình hình thời tiết. Để giữ ấm cho cơ thể, bảo vệ sức khỏe, các cụ nên ngâm chân bằng nước gừng ấm trước khi đi ngủ để giữ ấm cơ thể và có giấc ngủ ngon, sâu giấc.

Để bảo vệ sức khỏe và phòng, chống hạ thân nhiệt, cần luôn giữ nhiệt độ trong nhà đủ ấm. Đóng cửa sổ, lấp kín các khe hở làm mất nhiệt mà hơi lạnh lùa vào. Nếu không có các thiết bị làm ấm, cần mặc thêm áo ấm. Khi ra ngoài lạnh, cần mặc đủ ấm. Ngoài ra cần đội mũ, đi găng tay len, đeo khẩu trang (che mũi miệng để khỏi mất nhiệt qua hơi thở). Nếu quần áo, cơ thể bị ướt thì cần lau khô, thay quần áo ngay. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng vì mùa đông cần nhiều thực phẩm hơn để có nhiều nhiệt năng. Không uống rượu, bia mặc dù chúng có thể tạo cảm giác ấm người ngay tức khắc nhưng sau đó có thể khiến cơ thể hạ nhiệt bất ngờ. Người cao tuổi và trẻ em là những đối tượng dễ bị hạ thân nhiệt, vì vậy cần sự quan tâm đặc biệt, nhất là về đêm khi thời tiết lạnh và có các bệnh lý khác đi kèm.


Dương Liễu


Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục