Buồng hô hấp 2 thuộc khoa Nhi (bệnh viện đa khoa tỉnh) trong tình trạng quá tải bệnh nhi.

Buồng hô hấp 2 thuộc khoa Nhi (bệnh viện đa khoa tỉnh) trong tình trạng quá tải bệnh nhi.

(HBĐT) - Từ đầu tháng 3 đến nay, thời tiết thay đổi nóng, lạnh thất thường đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, các khoa như: Nhi, Nội-Tổng hợp đã quá tải bệnh nhân. Vì vậy, theo các bác sĩ, người dân cần chú ý hơn đến việc bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình.

 

Có mặt tại khoa Nhi vào ngày 27/3, chúng tôi đã được chứng kiến tình trạng 2 – 3 bệnh nhi phải nằm chung 1 giường. Các buồng hô hấp của khoa đều chật kín bệnh nhân. Bác sĩ CKI, Phó khoa Nguyễn Thị Thanh Hải cho biết: Từ đầu tháng 3, do thời tiết thay đổi thất thường, bệnh nhi nhập viện đã tăng đột biến. Khoa chỉ có 60 giường nhưng bệnh nhi đến khám và điều trị luôn ở mức cao, từ 80 – 120 trẻ/ngày. Điển hình như ngày 27/3 có 112 trẻ đến khám và điều trị. Trong đó, ¾ trẻ mắc bệnh về đường hô hấp và trên 70% số bệnh nhi đó là viêm đường hô hấp dưới (viêm phế quản phổi, viêm phế quản cấp) ở mức độ khá nặng. Nhiều bệnh nhi được chuyển lên từ các huyện như Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi đã phải đưa ngay vào buồng cấp cứu. So với thời điểm này năm ngoái, lượng bệnh nhân tăng gấp rưỡi; tỷ lệ bệnh nhân nặng phải cấp cứu cũng nhiều hơn.

 

Cháu Quách Quang Nhật, mới hơn 1 tháng tuổi ở xóm Lạng, xã Kim Bình (Kim Bôi) nhập viện trong tình trạng ho kèm sốt cao, khó thở trên 380 C. Mẹ cháu, chị Bùi Thị Hiền cho biết: Cháu bị tím tái người khi ho. Bố, mẹ đã đưa đến trạm y tế xã và Bệnh viện đa khoa huyện Kim Bôi khám và điều trị nhưng không khỏi phải chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh. Các bác sĩ chẩn đoán, cháu bị viêm phổi do vi rút. Sau gần 1 tuần cấp cứu, điều trị tích cực, bệnh của cháu đã cơ bản ổn định.

 

Theo bác sĩ Hải, do lượng bệnh nhân đông nên khoa đã tạm thời phải bố trí 2 – 3 trẻ/giường, những trường hợp nhẹ, nhà gần, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, bác sĩ kê đơn điều trị ngoại trú để giảm tải. Trẻ bị viêm phổi có thể do nhiễm vi rút, vi khuẩn… nhưng qua thực tế nhiều năm cho thấy, tỷ lệ trẻ bị viêm phổi do vi rút năm nay nhiều hơn các năm trước. Bằng các phương pháp chẩn đoán sớm, các bác sĩ của khoa đã kịp thời chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, chăm sóc, theo dõi sát sao để có phác đồ điều trị thích hợp. Do đó, kết quả điều trị khả quan, các cháu không phải chuyển lên tuyến trên. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ lồng ghép tư vấn kiến thức phòng bệnh cho cha, mẹ và có thể phát hiện các dấu hiệu bệnh sớm để điều trị kịp thời, đúng cách. Nếu không được điều trị kịp thời, các bệnh về đường hô hấp có thể gây tử vong hoặc ảnh hướng đến phát triển tinh thần, thể chất, sức khỏe của các cháu. Trẻ suy hô hấp lâu sẽ dẫn đến thiếu ô xi não, gây ra bại não và tổn thương thực thể ở phổi, trẻ dễ bị tái phát lần sau.

 

Để phòng, chống các bệnh đường hô hấp, cần chú ý mặc cho trẻ không quá hở cũng không quá nóng (ra mồ hôi nhiễm lạnh); ăn thức ăn giàu chất dinh dưỡng; vệ sinh đường hô hấp hàng ngày (súc miệng bằng nước muối, nhỏ mũi bằng dung dịch Natri clorid 0,9%); ra đường nên đeo khẩu trang để tránh gió, bụi, các loại khí độc; tạo môi trường sinh hoạt thoáng mát, sạch sẽ. Khi có các dấu hiệu như sốt cao, ho nhiều, khó thở phải đưa trẻ đế các bác sĩ chuyên khoa nhi để khám và điều trị; không nên tự ý mua thuốc điều trị, nhất là thuốc kháng sinh. Các cơ sở khám bệnh nên có y bạ, nếu các cháu có diễn biến bệnh nặng hơn, các bác sĩ tuyến trên biết để điều trị tốt hơn.

 

Tình trạng quá tải bệnh nhân cũng xảy ra ở khoa Nội-Tổng hợp. Thời tiết thường xuyên thay đổi thất thường cũng làm gia tăng bệnh nhân cao tuổi với những triệu chứng như tức ngực, khó thở. Ông Nguyễn Hồng Tứ, 69 tuổi ở xóm Đễnh, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) sau khi khám với những triệu chứng ho đờm xanh, tức ngực, khó thở, đau đầu, chóng mặt, các bác sĩ đã cho nhập viện ngay để chẩn đoán và điều trị.

 

Bác sĩ CKI, trưởng khoa Nội – Tổng hợp Hồ Thị Yến cho biết: Khoa cũng chỉ có 60 giường nhưng từ trung tuần tháng 3 đến nay, mỗi ngày có khoảng 100 bệnh nhân đến khám và điều trị. Những buồng cấp cứu ưu tiên mỗi người một giường, còn các buồng khác 2 – 3 người/giường. Trong đó, chủ yếu là bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, hen phế quản, phổi tắc nghẽn, chóng mặt, đau khớp. Để phòng bệnh, người dân không nên uống quá nhiều rượu, bia; sinh hoạt điều độ; nên tìm hiểu thêm các thông tin về cách phòng, chống bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên kiểm tra sức khỏe, không nên để bệnh quá nặng mới đến khám và điều trị như hiện nay. Bệnh nhân nên tuân thủ đúng theo đơn thuốc bác sĩ đã kê, không nên thay bằng loại thuốc khác, có thể làm diễn biến bệnh nặng hơn hoặc sinh ra bệnh khác, nguy hiểm đến tính mạnh. Đồng tình với ý kiến này, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải cho rằng, các nơi bán thuốc không nên thay đổi y lệnh của bác sĩ. Dùng thuốc không đúng toa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, sự kháng thuốc của bệnh nhân. Nếu có thay đổi cũng phải do bác sĩ kê đơn.

 

                                                                                   

                                                                 Cẩm Lệ

 

Các tin khác


Gần 700 người tham gia hiến máu tình nguyện tại thành phố Hòa Bình

Ngày 24/4, tại Trung tâm Hội nghị Hoà Bình, Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, thành phố Hòa Bình phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt II năm 2024.

Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục