(HBĐT) - Hơn 20 năm sinh sống ở phố núi Kon Tum nhưng người Mường Hòa Bình vẫn luôn lưu giữ riêng cho mình những nếp văn hóa truyền thống của quê hương.

Người Mường lưu giữ  những nét văn hóa truyền thống.

 

Tắt lửa tối đèn có nhau.

 

Ngồi trong ngôi nhà sàn với kiến trúc, hình dáng đậm truyền thống của người Mường, ông Bùi Duy Nhất - trưởng thôn Thung Nai, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi không giấu được những cảm xúc trào dâng. Nhâm nhi ngụm nước trà, ông chậm rãi: “Quả thật rất mừng vì dù cuộc sống tất bật nhưng người Mường chúng tôi vẫn luôn đoàn kết, kề vai sát cánh giúp nhau qua những lúc khó khăn, hoạn nạn”.

 

Năm 1993, với khẩu hiệu “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, 56 hộ dân xã Thung Nai, huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) đã tiên phong vào định cư ở vùng biên giới xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Vào mảnh đất mới, “vạn sự khởi đầu nan”, ai cũng gặp vô vàn khó khăn. ông Nhất kể thời ấy, dù được cấp đất để làm nhà, hỗ trợ gạo ăn trong 6 tháng nhưng đường sá khó khăn, rậm rạp, phương thức canh tác lại khác nhau khiến cuộc sống như bế tắc. Hơn thế, sự khác biệt về thời tiết, phong tục, tập quán… khiến nhiều người nản chí. “Hồi mới vào không biết vì bệnh gì mà nhiều người chết lắm. Cứ vài ngày lại có người chết khiến chúng tôi sợ và nản. Một số người sợ quá đã trở về quê hương. Chính tôi cũng có phần lo sợ khi trong gia đình có 3 người mất vì bệnh lạ. May mắn sao lúc đó được bà con dân làng kề vai sát cánh, cùng giúp đỡ, gia đình tôi mới vượt qua được hoạn nạn, tiếp tục bám trụ trên mảnh đất này” - ông Nhất nhớ lại.

 

Khi nhớ về những ngày vào mảnh đất mới, cô Xa Thị Sự ở thôn Hòa Bình, xã Đăk Kan vẫn chưa hết bàng hoàng. Cô kể ngày đó cả gia đình, anh chị em cô đều rời xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình vào Kon Tum để sinh sống và lập nghiệp. Cũng như bao gia đình khác, gia đình cô gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng điều chua xót nhất là gia đình cô đến 3 người mất vì bệnh tật. “Gia đình tôi hoang mang lắm! Lúc đó mọi người trong thôn, trong xã đã nhiệt tình đến giúp đỡ từ ăn uống, lo   ma chay rồi động viên, nhờ vậy gia đình tôi mới có thêm động lực để bám trụ” - cô Sự nhớ lại.

 

Kề vai, dìu nhau qua cơn hoạn nạn, bà con nơi đây cùng sẻ chia ngọt bùi, tắt lửa, tối đèn có nhau để vươn lên. 6 tháng được hỗ trợ gạo ăn cũng qua đi. Hết đau ốm, cái đói, cái cực lại bủa vây. Không trông chờ vào trợ cấp, mọi người bảo ban nhau phát từng mảnh đất hoang để làm lúa. Cùng nhau làm từng đám mì, đám ngô để vực dậy đói nghèo. “Chúng tôi cứ động viên nhau cùng làm thôi cô ạ. Lá rách ít đùm lá rách nhiều, ai đói kém hơn, chúng tôi lại giúp đỡ để cùng nhau vượt qua” - ông Nhất chia sẻ.

 

Qua rồi cái ngày đói, khổ, giờ đây, khi đời sống đã ổn định hơn, bà con vẫn đoàn kết, keo sơn. ấy là khi nhà nào chuẩn bị làm nhà, cả làng lại tập trung đến. Người phụ dỡ nhà, người đào móng, người lo phụ hồ, người chuẩn bị cơm nước… Đến mùa gặt, mọi người cùng nhau đổi công, gặt hết nhà người này lại đến nhà người khác. Cứ thế, nhờ đổi công nên các mùa vụ được gieo, gặt kịp thời, đảm bảo năng suất. Không chỉ thế, để giúp đỡ những người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, bà con động viên, giúp nhau về cây, con giống. “Trong thôn có nhiều nhà cho nhau mượn heo, bò cái sinh sản để giúp những hộ nghèo. Bất kể ai không biết về kỹ thuật nuôi cá hay chăn nuôi, chỉ cần hỏi, ai biết đều nhiệt tình giúp đỡ ngay” - ông Nhất kể.

 

Đoàn kết, gắn bó với nhau nên trong làng xảy ra việc gì, bà con đều biết. Chỉ cần thấy gia đình nào gặp chuyện khó khăn, cả làng lại cùng nhau làm thư ngỏ, thông báo cho mọi người trong làng cùng quyên góp, ủng hộ. Người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều, “chắt muối bỏ biển”, ai nấy đều muốn góp sức mình để chia sẻ, giúp bà con thoát khỏi hiểm nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

 

Giữ nếp truyền thống

Qua rồi cái thời ăn bữa nay lo bữa mai. Qua rồi cái thời nhà đất, vách nứa. Các làng đồng bào người Mường ở mảnh đất biên giới Ngọc Hồi đã thực sự thay da, đổi thịt. Trên những con đường nhựa bằng phẳng, những ngôi nhà xây, nhà Thái mọc san sát. Không còn cái thời đi chân đất đến nứt nẻ gót, nay nhà nào cũng có một vài chiếc xe máy. Trong nhà có đủ các vật dụng: tủ lạnh, tivi, quạt máy.

 

Hơn 20 năm ở Kon Tum, phát triển kinh tế, dựng xây quê hương thứ hai ngày càng giàu đẹp nhưng người Mường Hòa Bình vẫn giữ riêng cho mình những nếp văn hóa truyền thống của quê hương.

 

Đưa chúng tôi ra ngôi nhà sàn ở phía sau, ông Hà Đức Hoan ở thôn Hào Nưa cho biết: Bao năm nay, tôi luôn hằn nỗi nhớ quê. Nhiều đêm nằm ngủ, trong mơ tôi nhớ lại từng con đường làng, ngõ xóm ở quê hương thân thuộc. Bởi thế, dù có điều kiện hay không có điều kiện, cứ 3 năm tôi lại về quê một lần. 

Nặng tình quê hương nên ông luôn giữ lại những nét đặc trưng văn hóa người Mường trong ngôi nhà của mình. Năm 2011, ông xây nhà theo kiểu của người Kinh nơi đây, song đến năm 2013, ông quyết tâm làm thêm một ngôi nhà sàn theo kiến trúc, hình dáng của người Mường. “Khi làm được ngôi nhà sàn, tôi mừng lắm. ở trong ngôi nhà sàn cứ như được sống ở quê hương vậy, đỡ nhớ quê hơn cô ạ”- ông Hoan tâm sự.

Không chỉ vậy, trước đó vào năm 2007, trong một lần họp thôn, ông đã nêu ra ý kiến và động viên mọi người cùng làm nhà văn hóa cộng đồng theo kiến trúc nhà sàn của người Mường. ý kiến đó nhanh chóng được mọi người hưởng ứng nhiệt tình. Ngày làm nhà sàn, tất cả người trong thôn đều có mặt cùng xẻ gỗ, làm mái, đẽo các hoa văn truyền thống.

 

Đâu chỉ có giữ “nếp ở”, những ngày hội làng, bà con nơi đây còn xúng xính trong trang phục váy áo lấp lánh ánh bạc của người Mường, cùng rộn ràng chiêng trống, nhảy sạp, múa bát, múa xòe… “Làng chúng tôi mới đặt mua bộ chiêng trống của    người Mường để đánh trong những ngày hội, đám ma… Nói chung, bà con nơi đây không ai quên văn hóa Mường đâu” - ông Hoan bộc bạch.

 

Trước đây, khi chưa có quỹ, bà con tại làng Hòa Bình thường mượn trống, chiêng để về đánh trong những ngày hội hay ma chay. Đến nay, để giữ gìn văn hóa người Mường, bà con làng Hòa Bình đã góp     quỹ mua được một bộ trống chiêng. Ông Đinh Văn Thuận ở làng Hòa Bình cho    biết: Đến nay, trong làng, đàn ông, thanh niên, phụ nữ, hầu như ai cũng biết đánh trống chiêng. Riêng múa sạp, nhiều người múa giỏi, thường xuyên được ra huyện  biểu diễn.

 

Bên cạnh những điệu múa truyền thống, người Mường nơi đây còn lưu giữ đặc trưng trong ẩm thực. Trong những ngày hội làng, bà con thường nấu món  cơm lam theo hương vị của người Mường hay giới thiệu đến mọi người món thịt gà nấu măng chua chấm muối hạt dổi; đồ    xôi với màu sắc hấp dẫn (màu sắc        được chế biến từ những loại lá cây - PV). Nhiều người dân cũng đem các loại cây, loại lá (để làm màu khi đồ xôi) vào Kon Tum trồng.

 

Ngoài những ngày hội làng, trong ngày 3/3 âm lịch, một vài hộ dân vẫn tổ chức ăn tết (theo phong tục của người Mường ở Hòa Bình). “Năm nào gia đình chúng tôi cũng tổ chức tết 3/3 theo truyền thống. Xa quê nhưng chúng tôi không bao giờ quên được nét truyền thống ở quê nhà” - ông Hoan khẳng định.

 

Ngày mới ở những thôn, làng người Mường ở Kon Tum thật yên bình. Đêm đến, dưới ánh trăng thanh, trong những bộ váy áo Mường lấp lánh ánh bạc, bà con cùng nhảy sạp, múa xòe, múa bát trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng theo nét văn hóa truyền thống… 

 

                                             Nguyễn Thị Hoài Tiến (Báo Kon Tum)

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục