(HBĐT) - Những năm qua, cùng với việc tích cực chăm lo phát triển kinh tế, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng bào Mường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông luôn đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, góp phần làm giàu trên quê hương mới.

Luôn nhớ về quê hương

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày mồng 2/1 âm lịch (Tết Nguyên đán) là bà con người Mường ở thị xã Gia Nghĩa lại tề tựu đông đủ tại nhà Chủ nhiệm hội đồng hương xứ Mường để gặp mặt. Tại đây, ngoài việc hỏi thăm sức khỏe, chuyện làm ăn, bà con còn tổ chức làm mâm cơm cúng tưởng nhớ tổ tiên người Mường. Trong mâm cơm luôn có những món ăn dân dã của quê nhà như gà nấu măng chua, hoa đu đủ đồ, rau cải đồ, rượu cần xứ Mường… Nhân dịp này, bà con còn tổ chức trao tặng học bổng cho con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Thông qua các hoạt động này mà tình cố kết cộng đồng người Mường ngày càng bền chặt hơn. ông Bùi Văn Lực, Chủ nhiệm hội đồng hương xứ Mường Gia Nghĩa cho biết: "Xa quê, vào Đắk Nông lập nghiệp nên tình đồng hương quý lắm, bởi vậy chúng tôi luôn trân trọng những gì đã có và động viên nhau phát triển kinh tế. Có như thế mới không hổ thẹn với tổ tiên”.

Qua tìm hiểu được biết, sau khi vào Đắk Nông lập nghiệp, bà con người Mường trên địa bàn tỉnh đã tìm cách liên lạc, kết nối với nhau. Trên cơ sở đó, Hội đồng hương người Mường cũng được thành lập ở các địa phương trong tỉnh. Dù quy mô nhỏ nhưng cũng thấy được tinh thần đoàn kết của bà con như thế nào. Tại các buổi gặp mặt, ngoài việc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, bà con còn hát cho nhau nghe những câu đúm của người Mường. Trong chuỗi hoạt động của mình, các hội đồng hương còn tổ chức gây dựng quỹ hội để giúp đỡ những gia đình khó khăn vay vốn phát triển kinh tế. Mỗi khi gia đình nào có người ốm đau, bà con lại tổ chức thăm hỏi, động viên. Bởi vậy, các hội viên đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình bằng những thành tích đáng tự hào qua các hoạt động phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, khuyến học khuyến tài, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Nỗ lực phát triển kinh tế

Gia đình ông Bùi Văn Đơ ở tổ 2, phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa là một trong những tấm gương sáng về phát triển kinh tế được bà con khen ngợi. Theo lời ông kể, năm 1998, ông cùng gia đình dời xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) vào Đắk Nông lập nghiệp. Cuộc sống trên vùng đất mới gặp muôn vàn khó khăn nhưng với bản tính cần cù ông cùng vợ con ra sức khai hoang diện tích đất trống, đồi trọc, trồng cây ngắn ngày như mì, bắp, đậu các loại để ổn định cuộc sống. Sau khi tìm hiểu thực tế về điều kiện thổ nhưỡng, ông đã chọn cây trồng chủ lực cho gia đình là cây hồ tiêu. Để học hỏi thêm kinh nghiệm, ông tìm đến các mô hình trồng tiêu ở Đắk Lắk tìm hiểu và không ngừng đọc thêm sách, báo rồi áp dụng vào vườn rẫy của gia đình. Làm đến đâu, ông mở rộng diện tích đến đó. Để tránh rủi ro do biến động của thị trường, ông trồng xen các loại cây ăn trái như sầu riêng, mít, cam... Với diện tích 2,5 ha tiêu, cà phê, kinh doanh dịch vụ nhà trọ, quán cà phê, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 1 tỷ đồng. Ngoài việc làm giàu cho bản thân, ông Đơ luôn chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện giúp đỡ đồng hương cùng làm ăn bằng cách cho vay không lấy lãi, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương 4 triệu đồng/tháng/người. ông Đơ cho biết: "Làm kinh tế bước đầu ai cũng khó khăn nhưng phải biết vượt qua nó như thế nào mới là điều quan trọng. Gia đình tôi có được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như bà con lối xóm”.

 


Đồng bào Mường giới thiệu ẩm thực của dân tộc tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.


Nhờ sự chịu thương chịu khó gia đình ông Bùi Văn Đơ, tổ 2, phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

 

Nhận thấy sự vất vả của cha mẹ nên các con ông đều cố gắng học tập, trở thành những người có ích cho xã hội. Cô con gái lớn hiện làm giảng viên tại trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Con trai thứ 2 tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia và hiện công tác tại Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông. Con út hiện công tác tại Học viện Ngân hàng TP Hồ Chí Minh.

Tương tự, năm 1996, gia đình anh Bùi Văn Năm ở thôn Nam Rạ, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cũng từ Hòa Bình vào Đắk Nông lập nghiệp. Những ngày đầu đến vùng đất mới, anh Năm không ngừng nỗ lực để bám trụ gây dựng sự nghiệp. Theo anh Năm, cái khó ban đầu là phải sớm thích nghi với thời tiết, đất đai và phải học hỏi tập quán canh tác, trồng trọt, chăn nuôi của địa phương nơi đây. Đặc biệt, nhờ sự định hướng của chính quyền và giúp đỡ của những người đi trước, gia đình anh dần dần ổn định, phát triển. Ngoài chăm sóc 2 ha cà phê, 5 sào tiêu, anh còn mở chuồng trại nuôi thêm gà, lợn để tăng thu nhập. Trung bình mỗi năm gia đình anh thu về hơn 500 triệu đồng.

Anh Năm cho biết: "Những ngày tháng vất vả ở quê nhà chính là động lực để tôi cũng như bà con người Mường ở Đắk Nông cố gắng làm kinh tế. Dù ở đâu, làm gì thì huyện Lương Sơn (Hòa Bình) vẫn là nơi chôn nhau cắt rốn và Đắk Nông là quê hương thứ 2 của tôi nên phải cần cố gắng rất nhiều”.

Đoàn kết, gìn giữ văn hóa truyền thống

Song song với phát triển kinh tế, đồng bào Mường ở Đắk Nông còn tích cực cùng chính quyền địa phương xây dựng nếp sống văn hóa mới và gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Tại các khu dân cư, việc gìn giữ vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp luôn được chú trọng thực hiện. Những lúc rảnh rỗi, bà con vẫn thường "hát đúm” (hát đối đáp), thổi sáo cho nhau nghe, đó cũng là cách để bà con vơi đi nổi nhớ quê nhà. Tại Ngày hội văn hóa các dân tộc, bà con cũng mạnh dạn tham gia và mang đến lễ hội những câu hát mượt mà của người Mường.

Chị Lương Thị Khót ở thôn Nam Rạ, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) là một trong những người thường xuyên tham gia ngày hội và dạy cho con cháu nghe những câu hát đúm. Bởi theo chị, hát đúm là nét văn hóa đặc sắc của người Mường. Ngày xưa khi còn ở quê, cứ tới ngày lễ, Tết bà con lại hát cho nhau nghe và cũng nhờ những câu hát đối đáp ấy mà chị đã tìm được cho mình người chồng như ý.

Chị Khót cho hay: "Dù đã xa quê vài chục năm, hòa mình vào văn hóa hiện đại như các dân tộc anh em khác nhưng những truyền thống, nét đẹp của dân tộc mình vẫn luôn giữ gìn để nhắc nhở, truyền dạy cho con cháu”.

Có thể thấy, dù đi đâu, làm gì, ở hoàn cảnh nào nhưng đồng bào Mường vẫn siêng năng, chăm chỉ và duy trì những vốn quý của dân tộc. Những nét đẹp đó đã tô đậm, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

                                                                  Nguyễn Thị Mỹ Hằng 

 

 


Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục