(HBĐT) -Những ngày này đúng 40 năm về trước, hơn 600.000 quân xâm lược Trung Quốc bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Quân xâm lược không ngờ được rằng, tuy bị bất ngờ nhưng cũng giống như 14 lần xua quân xâm chiếm nước Nam của các triều đại phong kiến phương Bắc trước đó trong lịch sử, chúng đã phải nhận lấy những đòn chí mạng bởi truyền thống quật cường, tinh thần quả cảm của quân và nhân dân ta...


Những CCB tại thành phố Hoà Bình từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc giai đoạn 1979 - 1989 thường xuyên gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm trong những năm tháng không thể quên.

Cuộc chiến không thể quên!

Gần 400 km từ Hoà Bình về miền biên viễn non nước Cao Bằng trong những ngày tháng 2 lịch sử gợi lại cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc. Nhưng trên hết vẫn là nỗi ám ảnh về cuộc chiến xảy ra cách đây 40 năm (1979) và kéo dài trong 10 năm (1979 - 1989) trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung... 
 Một cuộc chiến mà cả dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quên!

40 năm trước. Cuộc chiến ấy được bắt đầu vào lúc 5h ngày 17/2/1979. Trung Quốc tung hơn 600.000 quân ồ ạt tấn công trên toàn tuyến biên giới Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu)  đến Pò Hèn (Quảng Ninh). Quân số này còn lớn hơn cả thời điểm Mỹ, Pháp huy động lực lượng lớn nhất vào Việt Nam. Hơn 600.000 quân xâm lược được sự yểm trợ của 800 xe tăng, xe bọc thép, hàng chục nghìn khẩu trọng pháo trong gần 30 ngày xâm lược Việt Nam đã huỷ diệt, tàn phá 4 trong 6 thị xã của các tỉnh dọc biên giới phía Bắc gồm: Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Những thị xã còn lại đều bị tàn phá, phá huỷ nặng nề. Khi ấy, 6 tỉnh biên giới phía Bắc có khoảng 3,5 triệu dân thì có hơn một nửa bị mất nhà cửa, tài sản. Hàng chục nghìn người dân bị giết hại. Đáng nói hơn, tận cùng của sự tàn ác mà quân xâm lược mang đến đó là trong số những người bị chúng thẳng tay giết hại có rất nhiều phụ nữ và trẻ em. 

 
Khúc tráng ca "chiến đấu vì độc lập - tự do” 

Về phía ta, khi ấy đương đầu với quân xâm lược hùng hậu trong những ngày đầu chỉ là các LLVT tại chỗ; lực lượng công an vũ trang (bộ đội biên phòng), cảnh sát và đông đảo dân quân, tự vệ ở khắp các làng, bản, huyện, thị, nông, lâm trường và nhà máy, xí nghiệp... được tổ chức ở quy mô từ cấp trung đội đến cấp trung đoàn. Tuy vậy, so về tương quan lực lượng chiến đấu, quân số của Trung Quốc gấp ta gần 10 lần.  Vào thời điểm đó, lực lượng tinh nhuệ nhất của ta đứng chân trên khu vực biên giới Việt - Trung là Sư đoàn 3 đóng ở Lạng Sơn và Sư đoàn 316A đóng tại Sa Pa (Hoàng Liên Sơn). Ngoài ra còn có các Sư đoàn 346 ở Cao Bằng, 325B ở Quảng Ninh, 345 ở Lào Cai, 326 ở Phong Thổ (Lai Châu). Ta còn có các Trung đoàn 141, 147, 148, 197, Trung đoàn pháo binh 68; các Trung đoàn địa phương 95, 211, 192, 254 và 741.

Sau khi Trung Quốc nổ súng tiến công, đến ngày 18 và 19/2, chúng ta lần lượt bổ sung 2 Sư đoàn 317 của Quân khu 3 gồm Trung đoàn bộ binh 42, 75, 540 và Trung đoàn pháo binh 120 từ Quảng Ninh lên tiếp viện Quân khu I và Sư đoàn 337 của Quân khu IV gồm Trung đoàn bộ binh 4, 52, 92 và Trung đoàn pháo binh 108 hành quân từ Nghệ An ra tiếp viện thẳng cho mặt trận Lạng Sơn... Những trận đánh oanh liệt của quân và dân Việt Nam diễn ra liên tục trong 30 ngày kể từ khi quân Trung Quốc đặt chân sang xâm lược đất nước ta. 

Theo cuốn lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Hòa Bình (1947 - 2012), trong cuộc chiến này, thực hiện Lời kêu gọi của T.Ư, mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu cũng như đáp ứng yêu cầu cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, tỉnh ta đã bàn giao Trung đoàn 541 cho Sư đoàn 326 Quân khu 2 tham gia chiến đấu tại Pa Tần (Lai Châu); giao Trung đoàn 169 cho tỉnh Cao Bằng; giao phần lớn CB, CS Trung đoàn 87 tăng cường cho hướng Tây Bắc với 6.780 người. Cùng với đó, tỉnh tuyển chọn 7.500 thanh niên nhập ngũ năm 1979, giao trực tiếp cho các Quân khu làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới.

"Dù rằng đời ta thích hoa hồng...”

 "Tôi là người lính, từng trực tiếp cầm súng tham gia 2 cuộc chiến ở hai đầu biên giới đất nước. Những ngày chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc đối với chúng tôi là không thể nào quên” - CCB, thiếu tá Đặng Ngọc Mạnh nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 14, Quân khu 2 là người con của đất Mường Vang (Lạc Sơn) từng cầm súng chiến đấu tại biên giới phía Bắc hiện nghỉ hưu tại TP Hà Giang (Hà Giang) chia sẻ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông kể: "Tớ đi bộ đội năm 1974, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cuối nhưng vẫn kịp tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Sau khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tớ lại cùng đơn vị tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4/1979, tớ được điều động về Hà Giang, trở thành những cán bộ khung thành lập Sư đoàn 313". Sau khi hoàn thành việc thành lập Sư đoàn 313, người lính Đặng Ngọc Mạnh đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại chiến địa Vị Xuyên hay cao điểm Lao Xí Chải... 

Mùa này! biên giới vẫn mù sương

Cũng là người lính từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên - nay là tỉnh Hà Giang), đại tá Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch Hội CCB TP Hoà Bình, Phó Ban liên lạc CCB mặt trận Vị Xuyên tại Hoà Bình nhiều lần xúc động mạnh khi kể về những năm tháng không thể nào quên trong những trận đánh bảo vệ quê hương nơi miền biên viễn. 

Nhớ về thời kỳ đó, CCB, đại tá Nguyễn Văn Hoan kể: Chúng tôi là những người lính đã từng chiến đấu tại chiến trường mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên) trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài suốt 10 năm (1979 - 1989). Vị Xuyên là huyện vùng biên của tỉnh Hà Tuyên (nay thuộc tỉnh Hà Giang), nằm sát biên giới Việt - Trung, là mảnh đất hứng chịu nhiều đau thương, tổn thất nhất trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Chỉ tính từ năm 1984 - 1989, nơi đây có ngày hứng khoảng 2 triệu quả đạn pháo từ phía quân xâm lược. Hàng nghìn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và đến nay hài cốt vẫn nằm lại trên các khe đá, thung sâu, rừng núi... nơi biên cương. Toàn chiến dịch, tại mặt trận Vị Xuyên có gần 5.000 chiến sĩ đã hy sinh, hơn 9.000 cán bộ chiến sĩ bị thương. Đến nay vẫn còn gần 3.000 liệt sĩ đang nằm lại trên chiến trường chưa được quy tập. Đến bây giờ nhớ lại, chúng tôi vẫn còn ám ảnh về sự tàn khốc của cuộc chiến. Tại đây, có những điểm cao như đồi Đài bị đạn pháo của kẻ thù bạt đi 3 - 4m được gọi là "lò vôi thế kỷ”; hay Ngã ba Thanh Thủy - Vị Xuyên còn được ví như ngã ba "cửa tử”. Thế nhưng dù khó khăn đến mấy những người lính Vị Xuyên vẫn kiên cường "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. 

"Có trải qua chiến tranh mới thấy hết giá trị của hoà bình. Khi kẻ thù buộc ta cầm súng thì chúng ta không còn lựa chọn nào khác. Đến bây giờ, những người lính chúng tôi vẫn luôn tự hào vì mình được tham gia vào thời khắc lịch sử của dân tộc. Dù vậy, chúng tôi luôn đau đáu một điều là cho đến bây giờ, vẫn còn nhiều đồng chí, đồng đội nằm lại với đá núi nơi biên cương” - CCB Nguyễn Văn Hoan chia sẻ. Còn chúng tôi, những người chỉ biết cuộc chiến qua những trang sách hay câu chuyện kể của người đi trước. Đã bao lần lên miền biên viễn, chỉ thấy mây vẫn giăng hàng. Biết đâu rằng giữa đá núi điệp trùng vẫn còn đâu đó những ngôi mộ gác lưng trời.
Đã bao mùa, biên giới vẫn mù sương! 

                                                                                      Mạnh Hùng



Các tin khác


Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 1 - Các cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (TPHB), ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng (SXD) đã tổ chức họp với các sở, ngành, UBND TPHB và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh. Sau cuộc họp, các sở, ngành, UBND TPHB đã đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình.

Thiêng liêng ngày hội tòng quân

Không phải tiếng trống giục giã, cũng không phải ngọn đuốc thắp lên bằng ngọn lửa truyền thống, mà chính nhiệt huyết của tuổi trẻ mới là thứ làm bùng lên không khí thiêng liêng trong ngày hội tòng quân năm 2024. Đây chính là ngày hội của tuổi trẻ, của thanh niên ưu tú - những người đã biết đặt Tổ quốc ở trong tim...

Chuyện về nhạc phẩm “Lá thư DK” trên biển

Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…

Huyện Lạc Thủy: Ước vọng đầu Xuân mới

Mùa Xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm cảm xúc của mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xuân mới, niềm tin khát vọng mới, bao dự định được gửi gắm, thôi thúc mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương Lạc Thủy giàu đẹp.

Người góp phần nâng tầm sản phẩm mang giá trị văn hoá Hoà Bình

Quá trình công tác nhiều năm trong cơ quan nhà nước của tỉnh, chị Hoàng Việt Hà (TP Hoà Bình) có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn đối với văn hoá bản địa. Đây được xem là cơ duyên để năm 2022, sau dự định ấp ủ, chị đứng ra mở cửa hàng quà tặng với tên gọi Hoa Đất Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục