Trở lại TP Cao Bằng, nơi địa đầu đất nước, không ai nghĩ rằng đúng 40 năm trước, quân và dân ở mảnh đất phên dậu này đã phải trải qua một cuộc chiến chống quân Trung Quốc, dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng lại vô cùng tàn khốc, ác liệt và đau thương, để bảo vệ biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.


Ông Lô Ích Toản (xóm Nà Luông, xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng), một trong những nhân chứng phát hiện các nạn nhân của vụ thảm sát

 

Cuộc chiến anh dũng 

Trong cuốn lịch sử truyền thống của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng còn ghi rõ: "Rạng sáng 17-2-1979, H1 huy động 30 sư đoàn của 9 quân đoàn chủ lực, gồm hơn 60 vạn quân với hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép, đại bác ồ ạt vô cớ tiến công nước ta trên toàn tuyến biên giới từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh). Trên tuyến biên giới Cao Bằng, H1 tập trung nhiều sư đoàn thuộc 3 quân đoàn 41, 42, 50 với khoảng 13 vạn quân, 220 xe tăng, xe bọc thép, 330 khẩu đại bác đồng loạt tấn công vào hầu hết các đồn biên phòng và tất cả các huyện biên giới từ Bảo Lạc đến Thạch An, nhằm đánh chiếm Cao Bằng theo hai hướng chính (gồm hướng phía Đông là cửa khẩu Tà Lùng và hướng phía Bắc là cửa khẩu Sóc Giang)”.

Trên tuyến biên giới Cao Bằng, các đồn biên phòng: Xuân Trường, Bó Gai, Sóc Giang, Tổng Cọt, Trà Lĩnh (Hùng Quốc), Bản Giốc (Đàm Thủy), Lý Vạn (Lý Quốc), Bí Hà (Thị Hoa), Tà Lùng đều quyết liệt nổ súng chiến đấu với quân Trung Quốc ngay từ những phút đầu để bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Trong vòng 1 tháng chiến đấu, cán bộ chiến sĩ các đồn biên phòng bám chắc địa bàn, luồn sâu trong vùng địch tạm chiếm, vật lộn với đối phương, vừa chiến đấu vừa bảo vệ nhân dân sơ tán. 

Tại địa bàn Đồn biên phòng Trà Lĩnh, sáng 17-2-1979, pháo binh đối phương dồn dập pháo kích vào trạm kiểm soát cửa khẩu Trà Lĩnh. Sau hơn 1 giờ cho pháo bắn tấp nập, bộ binh của địch chia thành 3 mũi ồ ạt tấn công. Lúc này, trạm có 17 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu trong nhiều giờ giằng co, tiêu diệt được 250 quân của đối phương, làm bị thương hàng trăm địch. Do lực lượng quá chênh lệch, 16 chiến sĩ đã hy sinh, còn 1 chiến sĩ bị thương nặng vẫn cố tìm về đơn vị để báo cáo tình hình địch cho đơn vị kịp thời ứng phó. 

Còn tại Đồn biên phòng 179 Tà Lùng, trên 80 cán bộ chiến sĩ đã ngoan cường chiến đấu với 1 sư đoàn bộ binh của địch có 50 xe tăng yểm trợ từ khoảng 5 giờ sáng ngày 17-2-1979. Cuộc chiến đấu kéo dài 14 tiếng đồng hồ, dù hy sinh 4 chiến sĩ, bị thương 8 chiến sĩ nhưng Đồn 179 Tà Lùng đã tiêu diệt trên 200 tên địch và phá hủy 4 xe tăng của địch. Lợi dụng đêm tối, địch giãn vòng vây, quân ta bí mật rút lui về hậu cứ, bảo toàn được lực lượng. 

Mặc dù sau nhiều ngày chiến đấu, địch buộc phải rút và bị tiêu hao rất nhiều lực lượng nhưng cuộc chiến vẫn để lại những chứng tích vô cùng đau thương, oan khuất nơi mảnh đất Cao Bằng mà sau 40 năm, thời gian vẫn không thể nào xóa nhòa.

Hồi sinh vùng đất đau thương

Chúng tôi đã tìm đến xã Hưng Đạo, cách trung tâm TP Cao Bằng chỉ chừng 10km. Đây là một xã nằm ở phía Bắc TP Cao Bằng, trên cung đường đi Khu di tích lịch sử Pác Bó và hiện nay có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy cắt ngang. Ban đầu cứ nghĩ, xã vùng cao thì nhà cửa sẽ tuềnh toàng, tạm bợ nhưng trung tâm xã Hưng Đạo hôm nay là một "phố làng” giàu có. Nhà cửa toàn 2 - 3 tầng khang trang to lớn. Chợ búa, trường học, nhà trẻ nằm san sát. Đường làng ngõ xóm trải phẳng bê tông, đi chẳng lấm chân.

 Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo Hoàng Quang Dũng đón tiếp chúng tôi khi biết đoàn đi tìm hiểu các nhân chứng lịch sử của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm trước. Anh Dũng cho biết, cả xã Hưng Đạo có hơn 5.000 khẩu (chủ yếu là người Tày, Nùng và Kinh). Năm 2018 xã đã được công nhận là xã nông thôn mới của tỉnh Cao Bằng với đủ 19 tiêu chí. Cơ bản bà con ở đây vẫn làm nông nghiệp, nhưng rất nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi từ lúa sang các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: đào thế, thanh long, cam, bưởi (trồng quy mô lớn). 

Nhìn cảnh làng quê giàu có, văn minh, nhà nhà vui tươi, ít ai biết rằng, 40 năm trước, tại chính nơi này đã xảy ra một thảm cảnh tang thương mà đến nay, những người già vẫn không sao quên được. Đó là sự kiện 43 người dân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bị giặc giết chết rồi đem toàn bộ xác quăng xuống giếng. Sau đó, người ta lập một tấm bia tại giếng này để tưởng niệm các nạn nhân của cuộc chiến. Khi chúng tôi bày tỏ muốn tìm địa điểm có tấm bia tưởng niệm các nạn nhân, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo dắt xe máy ra khỏi trụ sở xã, dẫn chúng tôi đi tìm tấm bia. 

Nơi đầu tiên là bụi tre ngà ở xóm Vò Đuổn, xã Vĩnh Quang sát với xã Hưng Đạo, trên đường đi lên khu trại chăn nuôi heo mà khi xưa, các nạn nhân của cuộc thảm sát vốn là công nhân làm việc tại trại chăn nuôi này. Tuy nhiên, ở đây lại không có tấm bia nào, nhưng chúng tôi may mắn gặp được ông Hoàng Văn Phong (63 tuổi), nhà ở ngay đầu xóm, trên đường lên khu trại nuôi heo. 

Khi được hỏi về sự kiện 43 công nhân trại chăn nuôi heo năm xưa bị địch giết hại, ông Phong kể lại: Thời điểm đó, ông đang chiến đấu ngay tại cửa khẩu Tà Lùng. Ông là trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 567. Thời điểm nổ súng vào sáng 17-2, chúng tôi đã phục sẵn ở cửa khẩu rồi. Khi giặc tiến sang, chúng tôi trực tiếp cầm súng chiến đấu. Nhưng do lực lượng quá mỏng nên bị bao vây, cả đơn vị vừa đánh vừa phải rút dần về Quảng Uyên rồi đèo Khau Chỉ (Phục Hòa), sau 12 ngày đêm kiên cường cầm cự, ngăn chặn không cho địch tiến sâu vào TP Cao Bằng, đến ngày 2-3-1979 thì địch cũng rút. 

Ông Phong cho biết, sau khi giặc rút, ông tranh thủ về nhà thăm cha mẹ, nhưng nhà cửa, làng mạc bị địch phá tan tành. Ông rùng mình khi nghe chuyện lúc giặc tràn tới xã Vĩnh Quang, vừa khi nhóm nữ công nhân của trại chăn nuôi heo đang chạy trốn (qua chính con đường trước cổng nhà ông), liền bị giặc bắt áp giải về ngã ba Cao Bình, xã Hưng Đạo, cách nhà ông khoảng 1km, để giam giữ. Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm xuống xóm Nà Luông, xã Hưng Đạo - nằm giữa đường Hồ Chí Minh và con suối Nà Luông. Chúng tôi gặp được ông Lô Ích Toản (người Tày), một trong những nhân chứng phát hiện thi thể của các nạn nhân bị giết hại chôn vùi dưới đáy giếng. Đặc biệt, ông Toản cũng là người đã dẫn đoàn các nhà báo Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… đến tận giếng để ghi nhận về tội ác này ngay sau khi cuộc chiến kết thúc vài ngày. 

Ông Toản nhớ như in, ngày 17-2-1979, giặc kéo xuống từ phía cửa khẩu Sóc Giang với mục tiêu là sẽ hợp lực với mũi quân từ phía cửa khẩu Tà Lùng tại TP Cao Bằng để chiếm toàn bộ tỉnh này. Năm ấy, ông Toản khoảng 20 tuổi, khi giặc tràn xuống, toàn bộ người dân trong xã đã sơ tán gấp về huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn). Còn ông thì cùng các dân quân khác tham gia chiến đấu tại huyện Hòa An, cách nhà khoảng 5km. Sau 10 ngày, nghe tin giặc rút, ông cùng bà con trong xã kéo về nhà. Nhưng khi ông cùng người dân trong thôn Nà Luông trở về thì thấy toàn bộ nhà cửa đã bị giặc đốt cháy nham nhở. Nhiều ngôi nhà chỉ còn là đống tro. Nhà ông cũng bị giặc đốt. Nhưng còn bàng hoàng hơn khi mọi người phát hiện dưới cái giếng nước (mà bộ đội ta đã đào vào năm 1978 khi về đây đóng quân bên suối Nà Luông) có rất nhiều thi thể đang phân hủy, nằm chất đống. Đấy chính là thi thể của hàng chục nữ công nhân làm việc tại trại nuôi heo đóng cách đó khoảng 1km, bị giặc áp giải xuống thôn Nà Luông, sau đó nhốt tại nhà của một người dân và hãm hại. 

Theo ông Toản, vụ giết hại 43 người dân vô tội diễn ra vào khoảng ngày 2-3-1979, ngay trước khi phía đối phương có lệnh rút quân. 

Sau vài năm, ông Toản tiếp tục xung phong lên đường, làm nhiệm vụ tại tiểu đoàn tăng thiết giáp. Xuất ngũ, ông trở về quê hương làm ruộng và hiện đang là cán bộ phụ trách nông - lâm - giao - thủy của xã Hưng Đạo. Xách theo đôi ủng, ông Toản dẫn chúng tôi lội bộ qua suối Nà Luông để tìm cái giếng nước, bên cạnh có tấm bia ghi nhớ sự kiện mãi chẳng thể quên. Ông bảo, sự kiện đau thương, tang tóc ấy, sau nhiều chục năm, chỉ có những người già (hầu như đều đã 60 tuổi trở lên) là còn nhớ rõ. Thế hệ trẻ ít ai biết tới. Có lẽ cũng vì nó quá đau thương nên những người già không muốn kể lại, nhắc lại cho các con, các cháu! 

 

            Theo SGGP

Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục