Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.


Cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình thăm và nghe bà Nguyễn Thị Lý ở phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên kể về một thời "cả nước ra trận” trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm.

Theo chị Ngô Thị Lai chia sẻ, trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã có hơn 20 nghìn chiếc xe đạp thồ được huy động tham gia và hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500 km. Xe đạp thồ trở thành loại phương tiện vận chuyển chính, cơ động, năng suất.

Những chiếc xe đạp thồ được ví như "vua vận tải” chiến trường bởi sự linh hoạt, nhỏ gọn, cơ động. Xe có thể di chuyển trên mọi địa hình đồi núi, sông suối để vận chuyển vật tư cồng kềnh hay chất lỏng (xăng, dầu) mà không cần nhiên liệu, lại dễ sửa chữa, ngụy trang và có thể đi trong mọi điều kiện thời tiết. Việc vận chuyển bằng xe đạp thồ có hiệu quả cao trên những cung đường mòn nhỏ hẹp, khúc khuỷu. Nói về kỳ tích xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Chính phương tiện vận chuyển này đã gây nên bất ngờ lớn với quân địch, làm đảo lộn những tính toán của chúng trước đây”.

Lúc đầu, mỗi xe đạp thồ chỉ chở được 80 kg - 100 kg, sau nhờ các sáng kiến cải tiến đơn giản mà hiệu quả của các dân công, mức trọng tải được nâng dần lên 150 kg, rồi 200 kg. Thậm chí có những "kỷ lục” không tưởng về vận chuyển hàng hóa do những người nông dân tham gia dân công hỏa tuyến như Ma Văn Thắng (dân công tỉnh Phú Thọ) lập nên khi vận chuyển 352 kg/chuyến, Cao Văn Tỵ (dân công tỉnh Thanh Hóa) vận chuyển được 320 kg/chuyến. Nhờ những chiếc xe đạp thồ, trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam không bị gián đoạn về lương thực, thực phẩm, thuốc men và những nhu yếu phẩm cần thiết. 

Nói về hiệu quả của "binh đoàn” xe thồ trong chiến dịch, bà Nguyễn Thị Lý ở Thọ Xuân (Thanh Hóa) - người từng tham gia dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ còn nhớ như in hình ảnh "cả nước ra trận” với một thời "chị gánh, anh thồ”. Bà hiện đang ở tổ 8, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Bà chia sẻ: Suốt thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới mưa bom, bão đạn của địch, từng đoàn dân công hoả tuyến với xe thồ, quang gánh, ngựa thồ hay sử dụng bè mảng... vẫn vượt qua mọi gian khó, hy sinh mang theo vũ khí, lương thực, thuốc men, vượt hàng trăm km đường núi cao, đèo sâu vào mặt trận, đảm bảo cho chiến trường có đủ lương thực, chiến sỹ được ăn no, đánh to, thắng lớn.

Tổng kết chiến dịch đã ghi nhận: "chỉ bằng sức người và phương tiện vận tải thô sơ, lực lượng dân công đã cùng vận tải cơ giới đưa được trên 25 nghìn tấn vũ khí, lương thực thực phẩm vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Thực dân Pháp khi bắt đầu sang xâm chiếm Việt Nam đã mang theo những chiếc xe đạp như một chỉ dấu của văn minh phương Tây. Song các tướng lĩnh Pháp cũng không thể ngờ rằng chiếc xe đạp họ đem sang Việt Nam làm phương tiện cá nhân đi lại có lúc được anh dân công "tay bùn, chân đất” hoán cải có thể chở tới hàng trăm kg lương thực, thuốc men, vũ khí, ngược dốc ra tiền tuyến phục vụ bộ đội chiến đấu và đánh bại quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Trong chiến thắng này, những chiếc xe đạp thồ đã trở thành một trong những huyền thoại như một biểu tượng của tinh thần, ý chí con người Việt Nam. Thậm chí có người từng nói: Những chiếc xe đạp thồ đã đánh bại tướng Nava, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây 70 năm.


Mạnh Hùng

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục