"Ăn có lúc còn không đủ, lấy đâu ra tiền đối ứng làm nhà” - câu trả lời đầy trăn trở các địa phương thường xuyên gặp phải khi triển khai rà soát, giải ngân nguồn vốn cho hộ nghèo làm nhà ở, thậm chí có hộ đòi trả lại tiền hỗ trợ cho nhà nước vì sợ gánh nợ. Không chỉ về vốn đối ứng, nhiều tình huống "dở khóc, dở cười” đã gặp khi triển khai chương trình như: Đã giải ngân để làm nhà thì gia đình nộp đơn ly hôn, nhất quyết đòi chia đôi tài sản, kể cả tiền nhà nước hỗ trợ; người nhà mắc bệnh tâm thần, khi khởi công xây dựng thì ra ngăn cản, đòi đập phá; có trường hợp chủ nhà không chịu làm ăn nên bà con làng xóm không tới giúp khi được hỗ trợ làm nhà… Tuy vậy, với quyết tâm cao từ tỉnh đến cơ sở, các địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực, dần tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN), xây dựng những mái ấm vững chắc, kiên cố cho người nghèo.


Lực lượng công an, dân quân xã Suối Hoa (Tân Lạc) góp sức làm nhà ở cho hộ nghèo xóm Thung.

Giải quyết khó khăn từ việc thiếu vốn...

Thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) là một trong những điểm sáng thực hiện Chương trình XNT, NDN của tỉnh. Bằng cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực, thị trấn đã hoàn thành chương trình trong tháng 12/2024 với 21 hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách được làm nhà ở, qua đó giúp các hộ ổn định cuộc sống.

Để triển khai chương trình đạt hiệu quả, thị trấn Vụ Bản đã thành lập Ban Chỉ đạo XNT, NDN, 13/13 khu dân cư cũng thành lập ban chỉ đạo do bí thư chi bộ làm trưởng ban; tổ chức rà soát, bình xét các hộ khó khăn đủ điều kiện làm nhà ở theo đúng tiêu chí Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện hướng dẫn. Từ danh sách hộ nghèo đã rà soát, thị trấn phân bổ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình về từng hộ với số tiền 60 triệu đồng/hộ xây mới, 30 triệu đồng/hộ sửa chữa. Tuy vậy, do giá vật liệu xây dựng cao nên khó có thể hoàn thành căn nhà đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, độ bền và tính thẩm mỹ. Từ thực tế đó, MTTQ thị trấn Vụ Bản cùng các ngành, đoàn thể, Ban công tác mặt trận các khu dân cư đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép nội dung vào nhiều cuộc họp nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đề cao tinh thần "nhường cơm sẻ áo”. Qua đó người dân nhất trí đóng góp tiền với mức tối thiểu 100.000 đồng/hộ. Các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn cũng được vận động để giá bán thấp nhất, thậm chí không lợi nhuận, vận chuyển miễn phí đến tận nơi cho các hộ. Người có sức khỏe thì góp ngày công, vận chuyển, bốc dỡ vật liệu, đào móng nhà, xách vữa, chuyển gạch; người cho mượn giàn giáo, cốp pha hoặc đem cho những đồ không dùng nhưng vẫn còn tốt như cánh cửa, thiết bị điện, nước; một số người làm nghề thợ xây đã nhận thi công miễn phí, tư vấn hoàn thiện căn nhà giúp các hộ...

Từ tuyên truyền hiệu quả, trong năm 2024, thị trấn Vụ Bản đã vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" được hơn 200 triệu đồng. Nhờ đó, 21/21 hộ nghèo trên địa bàn đều được đón niềm vui trong căn nhà mới. Ngoài ra, mô hình "Góp đồ dùng chia sẻ khó khăn với các hộ trong Chương trình XNT, NDN giai đoạn 2024 - 2025” thị trấn Vụ Bản ra mắt đầu tháng 3/2025 khiến tình người tiếp tục được lan tỏa. Căn nhà mới đã vững chắc lại thêm ấm lòng khi bà con mang đến tặng những vật dụng thiết yếu, chủ yếu là đồ còn mới như: quạt, màn, xoong nồi, chậu…

Để thực hiện mục tiêu, thị trấn Vụ Bản cũng như nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân và doanh nghiệp, bằng sự chung tay của cộng đồng, phát huy tinh thần "tương thân tương ái”, tham gia ủng hộ xây dựng nhà ở cho người nghèo; huy động đóng góp ngày công lao động, vật liệu, tiền trong cộng đồng để nâng cao chất lượng căn nhà được hỗ trợ. Trong tháng 3/2025, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phân bổ 134,76 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 2.778 hộ nghèo, đồng thời có những biện pháp quyết liệt, khẩn trương hoàn thành Chương trình XNT, NDN theo đúng tiến độ.

…đến việc không hợp tuổi để động thổ làm nhà

Quan niệm chọn tuổi làm nhà từ lâu đã trở thành tập tục trong đời sống người dân. Tuy nhiên, quan niệm này đôi khi lại ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là công tác XNT, NDN hiện nay. Thậm chí, có những hộ đủ tiền làm nhà nhưng suốt hơn 3 năm không động thổ, khởi công làm nhà vì lý do chưa được tuổi.

Gia đình bà Bùi Thị Yến, xóm Ráng, xã Đa Phúc (Yên Thủy) thuộc diện được hỗ trợ xóa nhà tạm. Được tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng tiền làm nhà nhưng sau khi đi xem tuổi thì bà và các con đều không hợp tuổi để động thổ, thậm chí có ý định trả lại tiền cho nhà nước, hoãn ý định làm nhà. Sau khi được chính quyền địa phương vận động, giải thích, gia đình bà Yến dần hiểu ra việc xây dựng nhà ở không còn là chuyện cá nhân, mà còn liên quan đến tiến độ giải ngân nguồn vốn của chương trình, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Sau khi bàn bạc, cân nhắc, gia đình bà Yến đã quyết định để cho anh rể bà đứng tên lễ khởi công động thổ, nhờ đó căn nhà nhanh chóng hoàn thiện sau hơn 1 tháng thi công, cả gia đình có chỗ mới ở vững chãi, yên tâm sinh sống.

Đồng chí Bùi Thị Bình, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Yên Thủy cho biết: "Việc xem ngày, chọn tuổi làm nhà là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ trong việc triển khai làm ở nhà cho hộ nghèo. Nhận thức rõ vấn đề này, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các xã, thị trấn trong huyện đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, cán bộ địa phương cùng Ban công tác mặt trận còn đến từng gia đình để thuyết phục, giải thích, giúp người dân hiểu rõ lợi ích của việc xây nhà kiên cố sớm hơn là chờ đợi năm hợp tuổi”.

Đối với việc xem ngày, chọn tuổi làm nhà - một tập tục đã ăn sâu trong đời sống của người dân, thay vì phải chờ đợi đến năm hợp tuổi mới xây dựng, địa phương khuyến khích nhiều người lựa chọn hình thức mượn tuổi người khác để làm nhà. Nhằm đẩy nhanh tiến độ làm ở nhà cho người dân, ngoài công tác tuyên truyền, cán bộ Ủy ban MTTQ tỉnh cùng các ngành, đoàn thể, chính quyền đã tới từng địa phương, từng nhà, rà từng hộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tìm cách giải quyết khó khăn không chỉ về nguồn vốn, tuổi làm nhà mà còn về hồ sơ đất đai, thủ tục, những hộ tiếp tục hư hại do mưa lũ… Nhờ đó, đến tháng 4/2025, tiến độ Chương trình XNT, NDN trên địa bàn tỉnh đã đạt gần 80%, hầu hết vướng mắc trong nhân dân được giải quyết thỏa đáng.

(Còn nữa)


Hoàng Anh

Các tin khác


Ký ức những cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trải qua hơn bảy thập kỷ, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn sống mãi trong lòng dân tộc như một bản hùng ca bất diệt. Những cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng trong họ vẫn còn sâu đậm những ký ức về những tháng ngày khốc liệt nhưng rất đỗi hào hùng khi được cống hiến tuổi xuân, máu xương, góp phần làm nên bản hùng ca của dân tộc.

OCOP Hòa Bình - đánh thức tinh hoa bản địa: Bài 2 - Bệ đỡ chính sách cho những ngôi sao OCOP

"Đằng sau mỗi sản phẩm được gắn sao là cả một hệ thống hỗ trợ vận hành âm thầm: cán bộ kỹ thuật về tận thôn, xóm; chuyên gia đồng hành cùng hợp tác xã; hội chợ kết nối, sàn thương mại điện tử mở đường cho đặc sản nông thôn ra thị trường lớn. OCOP không thể đi xa nếu không có những chính sách đi trước một bước”- đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường khẳng định.

OCOP Hòa Bình - đánh thức tinh hoa bản địa: Bài 1 - Đưa đặc sản bản địa bước vào quy trình quốc gia

Hòa Bình bước vào Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2019 với tâm thế không chỉ là "một tỉnh miền núi làm theo chủ trương lớn”, mà như một cuộc tìm kiếm và đánh thức những giá trị lâu đời vẫn ẩn sâu trong mỗi bản làng, cánh đồng, triền núi. Sau 5 năm nhìn lại, OCOP ở Hòa Bình không chỉ là những con số tăng trưởng về sản phẩm, số sao hay doanh thu. Đó còn là sự thay đổi trong tư duy sản xuất, là sự trở mình của các hợp tác xã, hộ gia đình, là cách chính quyền địa phương đồng hành và "cầm tay chỉ việc” với người dân. Là những giá trị văn hóa được giữ lại trên hành trình phát triển.

Thành phố Hòa Bình - nơi ánh sáng bắt đầu và niềm tin ở lại

Sau ngày toàn thắng 30/4/1975, cả dân tộc bước vào trận tuyến mới - dựng xây hoà bình, kiến thiết đất nước bằng những công trình mang vóc dáng thế kỷ. Trên con sông Đà hung dữ, hơn 30 nghìn kỹ sư, lính công binh cùng những công nhân xây dựng đã đánh vật với đá núi, với cuồn cuộn nước lũ… để rồi viết nên kỳ tích: Thủy điện Hòa Bình - công trình lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ chính thức phát điện, thắp sáng miền Bắc, mở ra kỷ nguyên mới cho công cuộc công nghiệp hóa.

Dặm dài tìm tên người nằm xuống vì Tổ quốc

538 liệt sĩ được xác định lại nơi hy sinh. 246 ngôi mộ phát hiện sai sót thông tin. 187 người lính được trả lại đúng tên, đúng quê hương và 153 bộ hài cốt đã được đưa về đất mẹ. Trong hành trình một thập kỷ của ông Nguyễn Tiến Lợi - người cựu công an mang biệt danh "Người tìm kim” từng con số là từng nỗi trăn trở, từng lần lật hồ sơ, từng giọt nước mắt thân nhân và từng bước chân lặng lẽ giữa những nghĩa trang dọc dài đất nước. Ông không làm nghề. Ông sống một sứ mệnh: lần theo từng dấu vết mờ phai để trả tên cho những người nằm xuống.

Tỏa ngát hương thơm vườn hoa "nghìn việc tốt": Bài 4 - Thiếu nhi Hòa Bình tiếp bước cha anh, làm nghìn việc tốt

62 năm đã trôi qua kể từ ngày phong trào thi đua Nghìn việc tốt được thiếu nhi Hòa Bình hưởng ứng, phong trào đã góp phần quan trọng hình thành và hoàn thiện nhân cách của mỗi người, tạo nên các thế hệ con em đất Mường lương thiện và bản lĩnh. Tiếp bước cha anh, thiếu nhi Hòa Bình hôm nay hăng hái thi đua làm nghìn việc tốt, phấn đấu trở thành những chủ nhân tương lai có đức, có tài để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục