Quá trình tiếp biến và giao thoa về kinh tế, văn hóa, một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Để tạo điểm nhấn trong thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Lạc Sơn đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 20/12/2021 về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn huyện.
Thành viên các câu lạc bộ hát Mường của huyện Lạc Sơn say mê giao lưu hát thường rang, bộ mẹng tại không gian lễ hội đền Trường Khạ - thị trấn Vụ Bản.
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cũng là một "mặt trận”
Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, người Mường Lạc Sơn có đời sống văn hóa phong phú. Huyện có dân số 15,7 vạn người, tỷ lệ người dân tộc Mường chiếm trên 92%. Theo đồng chí Bùi Văn Kía, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường cũng là một "mặt trận”, yêu cầu cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng tham gia. Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, sự nghiệp chung của cấp ủy, chính quyền và người dân trong điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế, giao thoa văn hóa giai đoạn hiện nay.
Cùng với nghị quyết quan trọng này, huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, xây dựng các cơ chế về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đầu tư nguồn lực song song với thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, làm cho dân hiểu, tự giác tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường; gắn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với phát triển du lịch…
Thời gian qua, các kế hoạch, đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường tiếp tục được triển khai. Huyện Lạc Sơn chú trọng các hình thức tuyên truyền, nhất là trong nhà trường, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ (CLB) dân gian; tổ chức các CLB, lớp dạy chữ Mường, chiêng Mường, hát đúp giao duyên, thường rang, bộ mẹng… Quy định mặc trang phục dân tộc, tổ chức sinh hoạt tập trung, các trò chơi dân gian tại khu dân cư vào dịp lễ, Tết. Bên cạnh sản phẩm du lịch riêng có như thổ cẩm, ẩm thực, huyện quan tâm xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của địa phương. Mặt khác, có cơ chế đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nòng cốt, có hình thức hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Các di tích lịch sử, văn hóa, nơi thờ tự tín ngưỡng được bố trí ngân sách và huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để đầu tư. Nhiều lễ hội, tín ngưỡng, văn hóa tại địa phương được phục dựng, tổ chức. Các hủ tục lạc hậu được hạn chế, xóa bỏ để đổi mới trong nếp sống của người Mường theo hướng giàu bản sắc, văn minh, hiện đại.
Bản sắc văn hóa lan tỏa, thấm sâu
Một cách say đắm, tự nhiên và giao lưu ở bất cứ nơi đâu, nghệ nhân các CLB hát Mường ở vùng Mường Vang đều thoải mái diễn xướng, bày tỏ tâm tư, tình cảm theo lối hát - nói - ngâm - ngợi. Không chỉ cùng hát, hát cho nhau nghe vào dịp lễ hội, hội diễn, hội thi, các CLB còn chủ động gặp gỡ, tổ chức hoạt động giao lưu hát thường rang, bộ mẹng, hát đúp giao duyên dân tộc Mường. Tiêu biểu như CLB hát Mường Bai Chim - xã Định Cư, CLB hát Mường Mường Khụ - xã Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do, CLB hát Mường xã Vũ Bình… Dịp gần đây, CLB Bốn Mường - xã Thượng Cốc đã tổ chức chương trình lớn quy tụ hầu hết các CLB trên địa bàn huyện tham gia giao lưu hát dân ca Mường.
Theo đồng chí Bùi Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện, cùng với chiêng Mường, hát dân ca Mường ngày càng được quan tâm, phát triển mạnh mẽ ở cộng đồng, xóm làng, gần gũi và lan tỏa trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Trên địa bàn có 10 CLB hát thường rang, bộ mẹng, hát đúp giao duyên dân tộc Mường được thành lập, duy trì hoạt động, thu hút trên 400 nghệ nhân tham gia. Sự ra đời, phát triển các CLB góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân ngày càng vui tươi, lành mạnh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Đội ngũ nghệ nhân cũng là những hạt nhân phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, thường xuyên tập luyện, thực hành biểu diễn vào dịp lễ, Tết, hội hè, hội diễn, sinh hoạt CLB định kỳ. Một số nghệ nhân đi đầu trong tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hát dân ca Mường thông qua xây dựng kênh Youtube thu hút hàng triệu lượt xem và hàng nghìn lượt theo dõi.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện có các loại di sản văn hóa (DSVH) như: tiếng nói, chữ viết, trang phục, mo Mường, chiêng Mường, nhạc cụ dân tộc, hát dân ca Mường, múa chèo đình, nghề thủ công truyền thống mây tre đan, dệt thổ cẩm, hoa văn cạp váy Mường… Năm 2024, huyện vinh dự có di tích khảo cổ hang xóm Trại - xã Tân Lập, mái đá làng Vành - xã Yên Phú được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, hàng chục di tích, danh thắng khác được các cấp ra quyết định xếp hạng, là tiềm năng phát triển ngành công nghiệp văn hóa, du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, 9 lễ hội truyền thống được phục dựng, duy trì tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch. Tiêu biểu như lễ hội đu Mường Vôi, đền Thượng, đền Trường Khạ - thị trấn Vụ Bản, đình Khênh - xã Văn Sơn, đình Cổi - xã Vũ Bình, xuống đồng - xã Yên Phú, đình Khói - xã Ân Nghĩa… Toàn huyện có 8 nghệ nhân, trong đó có 1 Nghệ nhân Nhân dân, 7 Nghệ nhân Ưu tú được nhà nước phong tặng. Với vai trò nền tảng, sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình bảo tồn, phát huy giá trị DSVH, công tác nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, báo chí, quay phim dựa trên những tư liệu, hiện vật, nhân chứng lịch sử, các cá nhân lưu giữ hiện vật, truyền thuyết, truyền khẩu… được quan tâm đặc biệt. Qua đó lưu giữ, sưu tầm được những tư liệu phong phú, đặc sắc.
Cũng theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bùi Văn Kía, bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa, có tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Ngoài 10 CLB hát Mường cấp xã, trên địa bàn còn có 1 CLB mo Mường cấp huyện, 5 CLB chiêng Mường, 252 CLB văn nghệ xóm, phố. Quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU, nhiều nét bản sắc văn hóa được gìn giữ, nhất là bảo tồn được mo Mường, một số làn điệu dân ca cổ, nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường. Với sự đồng hành, khích lệ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH đạt kết quả tốt, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
(Còn nữa)
Bùi Minh
Từ 16 sản phẩm OCOP được công nhận năm đầu tiên, đến 158 sản phẩm đạt sao tính đến đầu năm 2025 - chương trình OCOP ở Hòa Bình đã đi qua một hành trình bài bản và bền bỉ. Song điều đọng lại không chỉ là những con số. Đó là cam được gắn thương hiệu, măng được đưa ra thế giới, thổ cẩm được may thành quà tặng du lịch… Và trên hết là cách người dân đã đổi thay tư duy sản xuất, học cách gìn giữ bản sắc bằng chính thương hiệu mang tên OCOP.
Năm nay dù đã hơn 90 tuổi, nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công vào Đồi A1 ở chiến trường Điện Biên Phủ cách đây hơn 70 năm, đôi mắt của người chiến sỹ Điện Biên Mai Đại Xá ở số nhà 01, tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình) bỗng trở nên mạnh mẽ như có lửa...
Đã 93 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Cóc (tổ 6, phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình) vẫn còn minh mẫn. Ông được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Những ngày tháng Năm, ký ức năm tháng hào hùng lại trở về. Bên cạnh ký ức về những trận chiến, những hy sinh, gian khó, ông cũng không thể quên tinh thần đoàn kết, sự yêu thương, chăm sóc lẫn nhau của đồng đội trên chiến trường. Giản đơn như bát cơm nóng sau trận đánh cũng là bao nỗ lực của các chiến sỹ cấp dưỡng, nuôi quân.
Trải qua hơn bảy thập kỷ, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn sống mãi trong lòng dân tộc như một bản hùng ca bất diệt. Những cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng trong họ vẫn còn sâu đậm những ký ức về những tháng ngày khốc liệt nhưng rất đỗi hào hùng khi được cống hiến tuổi xuân, máu xương, góp phần làm nên bản hùng ca của dân tộc.
"Đằng sau mỗi sản phẩm được gắn sao là cả một hệ thống hỗ trợ vận hành âm thầm: cán bộ kỹ thuật về tận thôn, xóm; chuyên gia đồng hành cùng hợp tác xã; hội chợ kết nối, sàn thương mại điện tử mở đường cho đặc sản nông thôn ra thị trường lớn. OCOP không thể đi xa nếu không có những chính sách đi trước một bước”- đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường khẳng định.
Hòa Bình bước vào Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2019 với tâm thế không chỉ là "một tỉnh miền núi làm theo chủ trương lớn”, mà như một cuộc tìm kiếm và đánh thức những giá trị lâu đời vẫn ẩn sâu trong mỗi bản làng, cánh đồng, triền núi. Sau 5 năm nhìn lại, OCOP ở Hòa Bình không chỉ là những con số tăng trưởng về sản phẩm, số sao hay doanh thu. Đó còn là sự thay đổi trong tư duy sản xuất, là sự trở mình của các hợp tác xã, hộ gia đình, là cách chính quyền địa phương đồng hành và "cầm tay chỉ việc” với người dân. Là những giá trị văn hóa được giữ lại trên hành trình phát triển.