Lối mòn cổ có niên đại 22 nghìn năm đã là thay đổi nhiều quan niệm, giả thuyết về cuộc sống của người Việt cổ trong nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng.

Lối mòn cổ có niên đại 22 nghìn năm đã là thay đổi nhiều quan niệm, giả thuyết về cuộc sống của người Việt cổ trong nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng.

(HBĐT) - Sự kiện Trung tâm tiền sử Đông Nam Á và Bảo tàng Hoà Bình tiếp tục phát hiện thêm một lối mòn của người Việt cổ cách đây khoảng 21 - 22 nghìn năm nằm sâu 4m dưới các tầng văn hóa ở hang xóm Trại, xã Tân Lậc, huyện Lạc Sơn. Theo Tiến sỹ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, đây là một phát hiện quan trọng và hiếm có không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà cả trên thế giới.

 

Cái nôi của người Việt cổ

 

Câu nói “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” đã trở thành một phần trong tiềm thức của đồng bào dân tộc Mường ở Hoà Bình. Cho dù đi bất cứ nơi đâu, tâm thức của người Mường luôn hướng về những vùng đất này như là nơi đất gốc, là nguồn cội. Xưa nay, vùng đất 4 mường đã nổi tiếng với một nền văn hoá lớn của thế giới: Văn hoá Hoà Bình. Là cái nôi, địa bàn sinh sống chủ yếu của người Việt cổ. Điều này đã được khẳng định ở một hệ thống hang động còn lưu giữ dấu vết cư trú của người Việt cổ xưa cách đây hàng nghìn năm như hang Chổ (Lương Sơn), hang Ma (Tân Lạc), hang Giỗ... Đặc biệt, phát hiện mới nhất  về lối mòn cổ cách đây 22 nghìn năm tại hang xóm Trại xã Tân Lập (thuộc Mường Vang, Lạc Sơn) đã khẳng định chắc chắn về điều đó.         

 

Hang xóm Trại là một hang tiêu biểu của văn hoá Hoà Bình trên thế giới. Nền văn hoá mà thế giới biết đến và công nhận. Từ năm 1932 tại Hội nghị các nhà tiền sử Châu á Thái Bình Dương Bình, Tiến sỹ khảo cổ học người Pháp, bà Mađơlin Colani đã đề xuất công nhận một nền văn hoá mang tên là văn hoá Hoà Bình. Theo Tiến sỹ Nguyễn Việt, Trung tâm tiền sử Đồng Nam Á: Hang xóm Trại là một điểm cư trú lâu dài của người nguyên thuỷ trong văn hoá Hoà Bình. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất, địa điểm này có niên đại cách ngày nay từ khoảng 22 nghìn năm. Tầng văn hoá trong hang có độ dầy trung bình lên tới 5m. Lối đi cổ mới phát hiện ở ngách phía Bắc hang có niên đại vào khoảng 22 nghìn năm. Đây là lối đi đầu tiên của người nguyên thuỷ ra, vào hang. Bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng Hoà Bình cho biết: Bên cạnh những phát hiện mới về lối đi cổ, về mộ táng, về niên đại, hang xóm Trại còn tiêu biểu của Văn hoá Hoà Bình không chỉ ở Việt Nam mà còn là di tích tiêu biểu trong khu vực Đông Nam Á. Đây vừa là nơi cư trú lâu dài với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn thức ăn dồi dào, vừa là công xưởng chế tác công cụ của cư dân Văn hoá Hoà Bình.            

 

“Bảo tàng” văn hoá của người Việt cổ

 

Qua những phân tích khoa học, hang xóm Trại không chỉ khẳng định là cái nôi sinh sống của người Việt cổ mà nó còn là “bảo tàng” văn hoá của người Việt cổ. Với sự xuất hiện liên tiếp của các thời kỳ văn hoá như thời kỳ đồ đá, văn hoá Phùng Nguyên, thời kỳ nhà Trần, nhà Lê. Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á nhận định: Các công cụ được chế tác bằng đá khai quật được trong hang là do nhóm người di cư dọc sông Bưởi mang vào làm công cụ sinh hoạt từ khoảng 3200 năm trước công nguyên, thuộc thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên. Dưới nhiều tầng văn hóa ken đặc là minh chứng cụ thể cho sự xuất hiện tiêu biểu của văn hóa Hòa Bình tại Việt Nam. Trong quá trình khai quật, đã phát hiện một khối lượng đồ sộ hiện vật thời kỳ đồ đá được chế tác tinh xảo. Trung bình 1m2 phát hiện 202 hiện vật. Trong khi đó, tại hang Con Mong (Thạch Thành - Thanh Hoá) 1m2 chỉ tìm thấy trung bình 2,8 hiện vật. Các hiện vật được tìm thấy ở hang xóm Trại chủ yếu là đồ đá, mảnh tước… công cụ sinh hoạt của người nguyên thủy. Cho đến thời điểm này, hang xóm Trại có khoảng trên 4 nghìn hiện vật được khai quật. Qua các so sánh thì đây là hang phát hiện được nhiều hiện vật nhất và có nhiều tầng văn hóa nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với số lượng hiện vật được phát hiện đã khẳng định đây là hang được người nguyên thủy sử dụng sớm nhất và lâu đời nhất. Đặc biệt, ngoài việc phát hiện 2 lối đi cổ, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy vết tích tro bếp - một hiện vật tiền sử sớm nhất ở Việt Nam - và bộ hài cốt có độ tuổi trên 14 nghìn đến 17 nghìn năm.

 

Trước đó, cuộc khai quật hang xóm Trại vào những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu đã phát hiện những hạt thóc của người xưa rơi vãi. Sau khi phân tích đã xác định các hiện vật này thuộc thời Trần. Việc khai quật di tích cũng đã phát hiện vết tích của mộ táng cuối thời Trần đầu thời Lê vẫn còn gần như nguyên vẹn. Qua đó cho thấy các tầng lớp văn hoá ở đây rất dày. Được xếp tầng tầng lớp lớp thể hiện qua các công cụ khai quật dưới các tầng sâu trong lòng hang. “Từ các cứ liệu thu được, có thể khẳng định đây là di tích Văn hoá Hoà Bình có bộ di vật phong phú nhất về công cụ đá, cũng như công cụ xương. Đặc biệt là số lượng công cụ đá cuội mài lưỡi thu được trong các lần khai quật khá phong phú so với các di tích Văn hoá Hoà Bình đã được khai quật từ trước đến nay”, Tiến sỹ Nguyễn Việt cho biết. Công cụ đá tìm thấy ở đây đã cho thấy kỹ thuật chế tác đá khá điêu luyện của người Việt cổ.      

 

Ngoài những công cụ đá, mộ táng của người nguyên thủy như rìu đá, xương thú, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy vỏ trấu, vỏ quả óc chó và rất nhiều hoá thạch của vỏ ốc. Đây được coi là thức ăn thường dùng của người Việt cổ. Với chiều rộng của hang trung bình 7m và chiều dài từ miệng vào đáy khoảng 22m, sâu khoảng 7-10m, qua hàng nghìn năm vùi lấp chủ yếu là vỏ ốc ken đặc. Tiến sỹ Nguyễn Việt nhận định: Phải qua hàng chục nghìn năm mới tích tụ được lớp vỏ thức ăn dày như vậy. Để khai quật, các nhà khảo cổ đã phải đào vét lượng ốc hóa thạch khổng lồ đổ xuống triền núi đá làm lối đi. Việc phát hiện các tầng văn hóa tại hang xóm Trại đã khẳng định đây là điển hình của nền văn hóa Hòa Bình không chỉ của các nước Đông Nam Á mà còn thuộc loại hiếm có trên thế giới.

 

Cách thức ăn ốc cho đến ốc mà người Việt cổ thường dùng, đã được kế thừa cho đến ngày nay. Đến nay, đồng bào Mường ở Hòa Bình vẫn dùng ốc bằng cách chặt đuôi để hút thịt. Sự kế thừa của người cổ xưa vẫn hiển hiện trong đời sống sinh hoạt của bà con như chứng tích cụ thể minh chứng cho lịch sử của người Việt cổ có nguồn gốc trên lãnh thổ Việt Nam. Theo tính toán khoa học, bình quân 1m3 vỏ ốc trong hang xóm Trại đếm được khoảng hơn 40 nghìn vỏ ốc. Số lượng này tương đương với khoảng 300kg thịt ốc. Căn cứ theo các tầng ốc hóa thạch qua các thời kỳ có thể thấy phải qua hàng chục nghìn năm mới có được tầng vỏ ken đặc như vậy. Với những cứ liệu đó, hang xóm Trại xứng đáng được gọi là “bảo tàng” văn hoá của người Việt cổ.

 

Với giá trị của mình, hang xóm Trại đã được đầu tư tôn tạo giữ gìn các hiện vật một cách có hệ thống. Các dấu vết đường đi cổ được bảo tồn nguyên trạng; giữ nguyên một phần tầng văn hoá hoá thạch bên vách hang; vệ sinh làm xuất lộ dấu tích văn hoá thời kỳ đầu của hang; gia cố, bảo tồn tầng văn hoá hang; dựng cụm tượng tái tạo cảnh sinh hoạt bên bếp lửa trong hang... trước mắt và lâu dài đây được coi là điểm đến thú vị để tìm hiểu chứng kiến những dấu vết cổ xưa về Văn hoá Hoà Bình - một nền văn hoá nổi tiếng thế giới.

 

                                                                      Mạnh Hùng

 

Các tin khác

Nhiều người ở xã Tân Pheo huyện Đà Bắc khôi phục nghề dệt thổ cẩm có thêm thu nhập cho gia đình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục