Cán bộ trung tâm pháp y đo giám định thương tích cho đối tượng

Cán bộ trung tâm pháp y đo giám định thương tích cho đối tượng

(HBĐT) - Nói đến pháp y, nhiều người thường nghĩ rằng đó là một nghề gắn với mổ tử thi và hình dung ra những hình ảnh ghê người. Nhưng bên cạnh việc cầm dao mổ xác chết, mấy ai hiểu được cán bộ pháp y còn làm nhiều công việc khác như giám định thương tích, gánh trên vai trách nhiệm nặng nề - đi tìm công bằng cho những người cần đến sự giúp đỡ của họ.

 

 

Âm thầm đi tìm công lý, đội ngũ cán bộ pháp y đang từng ngày lặng lẽ với công việc, góp phần giúp các cơ quan pháp luật trong việc điều tra, xét xử, bảo vệ tính công bằng, nghiêm minh của luật pháp

 

Từ những chuyến đi

 

Bác sĩ Nguyễn Minh Tâm làm việc tại Trung tâm pháp y tỉnh là người có nhiều năm trong nghề. Dáng vẻ bề ngoài thâm trầm, ít nói dường như là đặc điểm nói lên công việc người bác sĩ này đang làm. Tuy vậy, khi tiếp xúc, trò chuyện về nghề nghiệp, bác sĩ Tâm lại như một con người khác hẳn, hồ hởi, say sưa, nhiệt tình. Ông cho biết: Làm công việc này bất kể giờ giấc, thời gian ngày hay đêm. Cứ khi nào cơ quan công an triệu tập là sẵn sàng lên đường, có khi vào tận rừng sâu, lên núi cao mới đến được hiện trường. Những chuyến đi như vậy đã để lại trong ông những kỷ niệm không thể nào quên.

 

Nhận được yêu cầu trưng cầu giám định, xác định nguyên nhân tử vong của cơ quan Công an huyện Tân Lạc đối với đối tượng treo cổ tự tử trên hang núi ở xã Ngòi Hoa, 2 giờ chiều, bác sĩ Tâm cùng đoàn xuất phát từ thành phố Hòa Bình vào huyện Tân Lạc. Từ huyện phải đi bộ hơn 10 km đường rừng đến hiện trường vụ tự tử trên hang núi. Đến nơi, ông bắt tay ngay vào công việc nhưng khi hoàn thành và trở về huyện cũng đã hơn 1 giờ sáng ngày hôm sau, lúc ấy mới được ăn bữa cơm chiều.  

 

Một vụ án khác, tại xóm Mớ Khoắc, xã Hạ Bì (Kim Bôi) có trường hợp người chết trong nhà nhưng không ai biết, 4 ngày sau khi xác chết bốc mùi thì mọi người mới phát hiện ra. Trời nhá nhem tối, bác sĩ Tâm và đoàn khám nghiệm đến nơi. Cả đoàn không ai chịu nổi mùi xác chết thối phải bỏ ra ngoài, còn lại bác sĩ Tâm và 2 đồng chí công an làm nhiệm vụ trong điều kiện ánh sáng mù mờ, trang bị chỉ bằng đôi gang tay ngắn. Người chết lâu ngày đã trương to, lột da như người bị phỏng, khi mổ khám nghiệm xong, đôi gang tay ngắn đã chứa đầy nước.

 

Vụ án ma túy tại xã Hang Kia (Mai Châu) xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua làm 3 chiến sĩ công an tỉnh hy sinh trong khi vây bắt đối tượng truy nã đặc biệt Vàng A Khua đến nay vẫn còn là khoảng lặng trong lòng nhiều người. Vàng A Khua bị tiêu diệt và con trai là Vàng A Của tử vong. Hang Kia là xã đồng bào người Mông, là “điểm nóng” về ma túy. Bác sĩ Nguyễn Minh Tâm đã có mặt tại hiện trường làm nhiệm vụ khám nghiệm tử thi đối tượng Vàng A Của. Nhưng đến nơi rồi để tiếp cận hiện trường lại không dễ dàng bởi người dân không cho vào. Lúc này cần phải có người có uy tín, được đồng bào tin tưởng mới có thể vượt qua “hàng rào” chính là người dân bản xứ. Khi đó, bác sĩ Nguyễn Minh Tâm đã đứng ra “xưng danh” mình là bác sĩ ở bệnh viện tỉnh, đã từng cấp cứu cho nhiều bệnh nhân là người trong xã. Ông đọc từng tên những người đã được mình điều trị, thuyết phục bà con để cho bác sĩ và các đồng chí công an vào khám nghiệm tử thi để xác định vết đạn bắn từ phía nào, qua đó cũng giúp mọi người trong bản biết chính xác nguyên nhân cái chết của Vàng A Của. Được bà con tin tưởng, ê kíp làm việc gồm bác sĩ Tâm, 2 người giúp việc và 2 chiến sĩ công an đã tiếp cận được tử thi để làm nhiệm vụ.

 

Trăn trở với nghề                   

 

Bác sĩ Bùi Vĩnh Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh trầm ngâm: Nói về nghề pháp y không đơn thuần chỉ là mổ xác chết như nhiều người thường nghĩ nhưng đó là lĩnh vực vất vả và gian truân nhất. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện việc giám định thương tích khi có trưng cầu của các cơ quan tố tụng phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử như giám định vết thương do đánh nhau, tỷ lệ thương tật do tai nạn giao thông, xác nhận chứng thương cho những trường hợp tai nạn đi nằm viện…

 

Với biên chế 13 cán bộ, lực lượng mỏng, cán bộ chuyên môn chưa đủ, thiếu giám định viên chuyên sâu về tâm thần, đọc kết quả điện não đồ… Nhất là trang bị, phương tiện phục vụ cho công việc nghèo nàn. Hiện, trung tâm có bộ mổ tử thi, máy ảnh nhưng tất cả đều cũ kỹ. Trụ sở làm việc của trung tâm chưa có đang phải mượn nhờ  một số phòng của Trung tâm TTGDSK. Khó khăn là vậy nhưng đội ngũ cán bộ giám định viên luôn nỗ lực cố gắng khắc phục để hoàn thành tốt công việc. Những vụ việc hiện trường ở gần, nhóm làm việc tự đi xe máy, nếu ở xa thì liên hệ đi nhờ xe của các cơ quan khác hoặc tổ chức thuê xe đi. Đối với những giám định, Trung tâm chưa có phương tiện kỹ thuật như giám định tình dục, giám định tinh thần được kết hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn về con người hiện đang là nỗi trăn trở và khó khắc phục hơn cả.

 

“Hầu như không có bác sĩ trẻ nào muốn về công tác ở cơ quan pháp y”, bác sỹ Tâm cười buồn. Khó khăn, vất vả một phần nhưng phải kể đến yếu tố thu nhập. Thu nhập quá thấp không tương xứng với yêu cầu công việc đã không thu hút được đội ngũ bác sĩ, nhất là những bác sĩ trẻ mới ra trường. Ông chia sẻ: Làm nghề này nếu không có tâm huyết, nhiệt tình thì thật khó trụ vững. Bản thân ông là bác sĩ chuyên khoa I về sản, với tấm bằng này chỉ cần mở phòng khám thì thu nhập cũng sẽ gấp nhiều lần làm bác sĩ pháp y mà lại nhàn nhã hơn. Cách đây một năm ông cũng đã từng có ý định rời trung tâm về lại bệnh viện. Nhưng với lòng yêu nghề và mong muốn truyền dạy lại kinh nghiệm cho lớp trẻ nên ông đã quyết định tiếp tục gắn bó với nghề.

 

Công lý ở trong tâm

 

Yêu cầu công việc, yêu cầu pháp luật đòi hỏi người cán bộ pháp y không những phải có trình độ chuyên môn vững vàng mà còn cần lắm ở họ tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Và không nề hà, dù đó là vụ việc đơn giản hay phức tạp, họ luôn vào cuộc một cách bình tĩnh, tự tin và cẩn trọng để sau đó tìm ra nguyên nhân xác thực của một vụ chết người. Những trường hợp ẩu đả hoặc hành hung dẫn đến gây thương tích, khi được cơ quan điều tra yêu cầu trưng cầu giám định thương tật, họ phải khai thác tiền sử về bệnh tật của người bị hại một cách cẩn thận, tiến hành thăm khám thật kỹ lưỡng và đánh giá thật chính xác mức độ thương tổn của người bị hại, vì chỉ cần một sơ suất nhỏ, một chút chủ quan thôi là họ sẽ làm thay đổi mức độ phạm tội của người gây án, nhất là ở những mốc có nhạy cảm. Nói theo cách của bác sĩ Tâm thì “Chỉ cần một cái dịch bút của người bác sĩ pháp y là có thể tăng lên hay giảm đi tỷ lệ tổn hại sức khỏe của người bị hại”. Và đó là chỉ cần tăng hay giảm 1% sự xác định thương tổn trên người bị hại là người gây ra hậu quả có thể bị truy cứu hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong 3 năm qua (2007-2009), Trung tâm pháp y đã giám định thương tích cho 656 trường hợp, xác nhận chứng thương 723 ca, giải phẫu tử thi 7 trường hợp. Không có trường hợp kết luận giám định nào bị khiếu kiện, khiếu nại hay cơ quan tố tụng yêu cầu giám định lại vì kết luận sai. Uy tín và chất lượng hoạt động chuyên môn ngày càng được nâng cao.

 

Với tính chất đặc thù của công việc, người cán bộ pháp y không chỉ cần có thái độ công tâm, luôn phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để có thể giúp cơ quan chức năng kết luận vụ việc chính xác, hạn chế tối đa tình trạng nghi oan cho người vô tội hoặc để "lọt người, lọt tội". Đồng thời, họ cũng phải luôn tỉnh táo, cảnh giác không để sự cám dỗ của vật chất dẫn đến với những việc làm trái đạo đức và lương tâm của một người thầy thuốc, tạo nên sự oan sai, làm lệch đi sự công bằng của cán cân công lý. Sự công bằng ấy có trong tâm của mỗi người cán bộ pháp y.

 

 

 

                                                                                  Thu Hà

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục