Ngày nào cũng vậy, ông Nghiêm và ông Tý đi tuần bảo vệ rừng lim cổ thụ ở xóm Bái Yên, xã Dân Chủ (thành phố Hòa Bình).

Ngày nào cũng vậy, ông Nghiêm và ông Tý đi tuần bảo vệ rừng lim cổ thụ ở xóm Bái Yên, xã Dân Chủ (thành phố Hòa Bình).

(HBĐT) - Thành phố Hoà Bình đang đổi thay từng ngày. Những quả đồi, những bờ ruộng đang dần bị thu hẹp bởi quá trình đô thị hoá. Nhưng có hai người quyết tâm trồng, bảo vệ cánh rừng lim có hàng trăm năm nay giữa lòng thành phố. Họ mong ước cánh rừng này là lá phổi xanh cho thành phố trong tương lai.

 

Sản vật của đất.

 

Nhấp xong chén trà, ông Hoàng Văn Hon - trưởng xóm Bái Yên, xã Dân Chủ (thành phố Hoà Bình) chậm rãi: Cánh rừng này có lâu lắm rồi! Từ lúc sinh ra tôi đã thấy có những cây cổ thụ. So với bây giờ, những cây đó lớn lên không là mấy. Tôi cũng chỉ nghe các cụ nói là từ thời quan lang bắt người dân trồng rừng lim này để họ làm nhà. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân xóm Bái Yên cũng như xã Dân Chủ luôn bảo vệ rừng lim. Mọi người coi đây như là một sản vật linh thiêng của trời đất và cha ông để lại. Mỗi khi nhắc đến khu rừng lim cổ thụ, các cụ cao niên trong xóm đều tỏ thái độ rất trân trọng. Mỗi gốc cây lim là một viên ngọc quý còn xót lại của đại ngàn Tây Bắc. Bao đời nay, dưới khu rừng lim già, người dân trong xóm luôn đoàn kết, sống đùm bọc, che chở nhau. Có được sự yên bình đó đều nhờ có rừng già che phủ. Họ coi đây là linh vật của đất đã ban cho xóm. Có rừng là có nước, có thức ăn, có suối nguồn tuôn chảy. Ý thức được điều đó nên họ không phá rừng. Để bảo vệ cánh rừng, người dân trong xóm đã lập ra một tổ bảo vệ rừng gồm những thanh niên trai tráng, những người tâm huyết thường xuyên tuần tra rừng.

 

Những năm tháng chiến tranh qua đi, khu rừng này vẫn không bị tàn phá bởi giặc Pháp. Vào những năm 90 của thập kỷ trước “cơn sốt” gỗ quý, lâm tặc luôn rình rập đến những cây lim cổ thụ có hàng trăm năm. Đây là miếng mồi béo mà ít lâm tặc nào bỏ qua. Tổ bảo vệ rừng hoạt động ngày càng lỏng lẻo nên tạo sơ hở cho lâm tặc hoạt động. Vào ban đêm, chúng dùng cưa cắt cây mang đi. Đến sáng hôm sau, mọi người đến chỉ còn những cành cây đổ ngổn ngang. Trước những cảnh đau lòng đó, ông Nguyễn Tiến Tý cùng ông Nguyễn Văn Nghiêm đứng ra bảo vệ và phục hồi rừng lim cổ thụ.  

 

Hai chàng “ngự lâm”

 

Dẫn chúng tôi đi thăm khu rừng giữa trời mùa hè, ông Tý và ông Nghiêm hồ hởi kể chuyện về rừng lim. Năm 2001, khi hai ông nhận trông giữ cánh rừng này cây thưa thớt. Đêm đêm lâm tặc vào rừng chặt phá. Ông bảo: Mình ở đây nó rút, mình rút thì nó lên rừng. Những đối tượng này chủ yếu ở địa bàn khác đến, chúng có thể ngồi hàng ngày, hàng đêm để rình. Tiếc lắm! Nhìn những gốc cây bị chặt ai mà chẳng xót xa. Hàng trăm năm các cụ mình mới trồng được một cây rồi gìn giữ qua bao thế hệ. Thế mà chỉ trong một đêm lâm tặc chặt hạ được. Thấy cảnh xót xa đó, ông Tý viết đề án bảo tồn và gìn giữ rừng lim, đồng thời đưa vào khai thác du lịch sinh thái. Mải câu chuyện, chúng tôi vào tới cửa rừng, hàng loạt âm thanh vui nhộn quen thuộc được tấu lên, ve kêu gọi hè rộn vang, chim hót líu lo. Lại nghe tiếng chân bước lạo xạo trên lá khô. Tất cả như tạo nên bản nhạc rừng êm ái. Giữa trời hè nóng bức nhưng khi đứng dưới tán rừng, trời dịu mát hẳn. Khu rừng giống một chiếc điều hoà khổng lồ vậy. Ngay cả những tia nắng mặt trời cũng không thể xuyên qua nồi tầng lá ken dầy. Những gốc lim xù xì 2 người ôm không hết mọc lên san sát. Chúng đứng vững chãi như người khổng lồ, vươn những cánh dài ra xung quanh để đón ánh nắng mặt trời. Cây nọ nối tiếp cây kia tạo thành một cái ô khổng lồ giữa đất trời.

 

     

Những cây lim nhỏ mà ông Tý trồng ngay trên những cánh rừng lim cổ thụ bị chặt phá.   

 

Tiến lên đỉnh đồi, số lượng cây to xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Nhìn xuống thành phố Hoà Bình nhà cửa san sát nằm gọn chân rừng lim và thuỷ điện Hoà Bình. Theo ông Tý, khu rừng hiện có hơn 300 cây lim cổ thụ được đánh số để bảo vệ. Ông Tý so sánh, ở nước ta, cây lim to nhất phải kể đến ở Yên Cát (Như Xuân - Thanh Hoá) với đường kính khoảng 1,5 m. Trong khi đó, ở khu rừng lim này có hàng chục cây lim có đường kính tương đương. Theo tiêu chí của Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường, những cây sống trên 200 năm được coi là cây di sản Việt Nam. Nếu xét theo tiêu chí này, rừng lim này có trên 200 cây được coi là cây di sản. Qua một đoạn rừng lim già là rừng lim nhỏ có đường kính gần 20 cm. Ông Tý bảo: Sau khi được phê duyệt đề án, tôi đã nhặt hạt để ươm cây để trồng. Có nghề trong tay (trước đây ông là cán bộ lâm nghiệp) nên chẳng mấy chốc những cây lim mới mọc lên ngay cạnh những cây bị đốn hạ. Với cánh rừng già, ông phát cỏ làm  đường để thuận tiện cho kiểm tra. 10 năm nay, ông chỉ bỏ vốn ra để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng lim. Đến nay, rừng lim đã có trên 50 ha.   

 

Sau khi đã được nhận bảo vệ và trồng rừng lim, ông Nghiêm đã chuyển nhà từ trong xóm đến gần rừng lim để ở. Ngày nào ông cũng phải “đi tuần” để kiểm tra. Lim là loại gỗ quý, bọn lâm tặc luôn rình rập, hễ 2 ông sơ hở là lâm tặc vác cưa vào rừng. Ông tâm sự: Đêm đến nghe có tiếng động lạ trong rừng hoặc có nguồn tin báo là phải tức tốc đi ngay. Bởi lẽ mỗi một cây lim bị lâm tặc hạ chẳng khác nào một nhát dao chém vào mình vậy. Có những cây gặp bão bị đổ thì không nói làm gì. Nhiều cây lim cổ thụ đã bị lâm tặc chặt cách đây nhiều năm vẫn còn cứng như đá”. Nếu không có sự bảo vệ của 2 chàng “ngự lâm” này, e rằng rừng lim này đã bị xoá sổ từ lâu.

 

Không gian “sạch”.                           

 

Ven khu rừng là 2 hồ nước trong xanh Nà Sung, Nà Thèn của xã Dân Chủ giống như 2 viên ngọc giữa rừng. Nước để dùng cho sinh hoạt và sản xuất. Đây cũng là môi trường lý tưởng để nuôi cá nước ngọt, mỗi năm, hai hồ cũng mang lại vài tấn cá thương phẩm. Ven hai hồ nước, ông Tý và ông Nghiêm trồng hàng nghìn cây lộc vừng, sanh. Hiện giờ, mỗi cây lộc vừng có tuổi thọ từ 5-10 năm tuổi, giờ bán rẻ đi cũng đã có tiền tỷ. “ Nó là của để dành của chúng tôi. Trồng loại cây này không nóng vội được, đời mình không hưởng, đời con sẽ được gặt hái”.

 

Cách đây 3 năm, ông Tý còn cất công về Viện chăn nuôi để học hỏi nuôi lợn rừng, giống nhập từ Thái Lan. Đến nay đã có trên 30 con lợn được thả trong rừng. Chúng ăn đủ thứ cỏ, cây, hoa lá ở khu rừng này. Giống lợn này rất hợp khi được thả rông. Sống ở môi trường hoang dã nên chất lượng thịt của chúng cho chất lượng ngon, được giá hơn. 1kg lợn rừng khi xuất chuồng có giá 450.000 đồng. Dường như nói đến thứ gì ở trên rừng cũng như những con vật nuôi ở dưới đất đều mang lại thu nhập. Ông Tý bộc bạch: hồi năm ngoái, tôi cũng mang giống nấm linh chi trồng thử nghiệm ở rừng này. Tuy chưa có kết quả nhưng nó mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm. Tôi mong muốn sau này khi có điều kiện hoàn thiện khu du lịch sinh thái, khách đến đây sẽ được thưởng thức những sản phẩm thật sự “sạch”. Những ngôi nhà sàn sẽ được dựng lên dưới tán rừng lim, lợn rừng, gà đồi, cá dưới hồ. Buổi chiều thong dong dưới tán rừng lim quên đi mệt nhọc của đời thường.  

                                                                                               

                                                                                        Việt Lâm

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục