Hàng đêm, ở xóm Đằng Long, các lớp học luôn sáng đèn

Hàng đêm, ở xóm Đằng Long, các lớp học luôn sáng đèn

Kỳ 2: Lớp học đặc biệt

(HBĐT) - Chuyện tự bỏ tiền ra làm đường của người dân xóm Đằng Long thì nhiều người đã biết. Nhưng hàng đêm, trong ánh đèn dầu leo lét, người dân ở đây vẫn duy trì những lớp học dạy làm người và học làm người thì không phải ai cũng biết.

 

Ai cũng phải học... làm người.

 

Dạy làm người và học làm người. Đó là những việc đầu tiên và quan trọng đối với người Dao. Ai cũng phải học. Đó là một quy tắc truyền đời bất di bất dịch.

 

Cứ vậy, những lớp học đặc biệt bao năm qua vẫn âm thầm tồn tại như một lẽ tự nhiên. Người dạy và cả người học đều tự nguyện, chẳng ai ép buộc. thế nhưng theo cụ Lý Văn Chuyển, một trong số những người thầy dạy chữ nôm Dao của bản Đằng Long cho biết: người dân đến theo học đông lắm. Theo quy định, trước đây chỉ có con trai đến đủ 15 tuổi trở lên mới được làm lễ thầy xin nhập học. Bây giờ, không phải đợi cho đến đủ 15 tuổi người ta mới làm lễ xin gia nhập cửa thầy. Nhiều nhà đã cho con theo học thầy từ rất sớm bởi đối với người Dao, việc học cái chữ, răn dạy con cháu lẽ phải, tránh làm những điều sai trái là việc làm không thể không có trong cuộc đời mỗi con người. Hàng bao đời nay, người Dao mình chỉ nói lẽ phải, làm theo lẽ phải và cũng chỉ răn dạy nhau bằng lẽ phải và coi đó như một lẽ sống. Muốn người khác nghe mình, mình phải biết nói lẽ phải trái, rõ ràng trắng - đen. Người trong bản xưa nay vẫn rất coi trọng lẽ phải. Chúng tôi sợ mang tiếng hơn cả nghèo túng. Ai cũng cố gắng làm điều tốt để không mắc những điều xấu. Các cụ xưa thường dạy bé không uốn, lớn cả vin gãy cành thế nên ai cũng phải học - Anh Triệu Văn Tiến thủng thẳng nói. Song với người Dao luôn cho rằng, việc học là việc cả đời. Nhỏ cũng phải học, lớn cũng phải học và đến khi già vẫn phải học. Trẻ học chữ để biết đọc, biết viết, biết nguồn gốc tổ tiên. Lớn học để biết lẽ phải, lẽ sống. Còn người già đi học để giữ lòng tự trọng và truyền dạy giữ gìn lẽ phải, lẽ sống cho con, cháu.

 

Cũng vì đó, số người theo học đông nên số người dạy chữ, dạy người ở Đằng Long vì thế mà ngày càng tăng. Nếu như trước đây, cả bản chỉ có một thầy, cho đến nay, ngoài cụ Chuyển, ở Đằng Long còn có cụ Dương Đức Châu, Dương Văn Tuyển, Triệu Văn Nhàn... cũng là những thầy dạy có tiếng và được nhiều người theo học. Tối nào cũng vậy, đúng 7h30 là những lớp học ở nhà cụ Chuyển, cụ Châu lại sáng đèn. Chưa có điện lưới, bên ngọn đèn dầu leo lét, ngoài việc học chữ nôm Dao, những người đàn ông trong bản còn học cả làm người. Bài học bao giờ cũng là lẽ sống, về đối nhân xử thế. Bài học mà tôi chứng kiến có đoạn: ... Muốn nên người thì phải dạy như cây muốn thẳng phải uốn từ lúc còn non hay ta có thể mua được mọi thứ khi xuống chợ nhưng cha mẹ thì không có chợ nào bán... Đó cũng chính là bài học làm người mà ngay từ nhỏ, người Dao đã được răn dạy. Bài học về lẽ sống phải trái, không phạm vào những điều trái với đạo lý làm người...

 

Học để... giữ gìn lòng tự trọng 

 

Được tham dự lớp học đặc biệt là một điều may mắn khi chúng tôi quyết định nghỉ lại một đêm với người dân xóm Đằng Long. Trong số nhiều cái thiếu, có lẽ điện lưới là thứ mà người dân ở đây khao khát hơn cả. Trước ở đây, người dân sử dụng điện nước nhưng giờ, nước khe, suối đã cạn lại ở xa bản vậy nên đèn dầu vẫn là nguồn sáng chủ đạo, yếu ớt trong bóng đêm đặc quánh của núi rừng.

 

Dẫu thế, đêm nào ở đây cũng vang lên tiếng giảng bài rộn rã. Tham gia lớp học cùng với những thanh niên trai tráng trong bản, chúng tôi cũng được những người già trong bản truyền dạy những bài học làm người, bài học về giữ gìn lòng tự trọng như những người Dao đích thực ở bản Đằng Long. Trong bài giảng của mình, những người thầy như cụ Chuyển, cụ Châu thường bảo: con trai, con gái mà hỗn khó lấy vợ, gả chồng mà cưới thì người trong bản sẽ không có ai đến dự. Chính vì thế, sống phải biết lẽ phải, trọng lẽ phải, không bao giờ được phạm vào những điều trái với đạo lý, trái với những luật tục, gây tội lỗi với bản làng, họ tộc. Người Dao chỉ khuyến khích làm điều nhân nghĩa. Những việc làm sai trái dù lớn, dù bé kiên quyết không làm. Nếu ai vi phạm sẽ phải chịu những hình phạt nghiêm khắc từ chính những người trong họ tộc, làng bản. Bao đời nay vẫn thế. Những điều sai trái, việc làm sai trái đã được cụ thể hóa bằng những hình phạt được đưa vào trong hương ước, quy ước. Nó tồn tại giống như một... Bộ luật của bản Dao. Bộ luật này đã được truyền từ đời này qua đời khác và có sự thay đổi phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn. Ví như bẻ trộm 1 cây măng dù to hay nhỏ, nếu bị bắt sẽ bị phạt từ 3 - 5 kg thóc. Tội đánh bạc, nếu bị bắt, ngoài tịch thu hết tiền, mỗi người sẽ bị phạt thêm 15 kg thóc. Tội nào cũng được quy định rõ ràng trong hương ước và được chính cộng đồng giám sát chặt chẽ. Cũng nhờ đó, trong nhiều năm nay ở bản Dao Đằng Long không có trộm cắp, không có TNXH và không có người dân nào của bản Đằng Long vi phạm pháp luật. Trong hương ước, người Dao phạt rất nặng tội bỏ vợ, ngoại tình và tội chửa hoang. Người nào mắc phải một trong 3 tội này, ngoài việc bị phạt vạ xin lỗi họ hàng, dòng tộc còn phải mổ lợn, làm cỗ rồi khẩn cầu từng nhà trong bản để mời trong xóm đến ăn. Xấu hổ lắm nhưng vẫn phải làm - Anh Triệu Văn Tiến cho biết. Bây giờ chuyện trộm cắp hay chửa hoang ở Đằng Long vẫn được coi là tội nặng. Cũng chính vì lẽ đó mà nhiều năm qua, ở Đằng Long không có chuyện vợ chồng bỏ nhau, con gái chửa hoang hay trộm cắp. Cụ Dương Đức Châu bảo: con gái chưa chồng mà chửa là có tội lớn với bản, phải phạt vạ. hoặc ai đó chỉ cần ăn trộm cây măng, cả họ chẳng còn mặt mũi nào mà dám nhìn người trong bản. Đó là một điều xấu xa. Ai trót phạm phải hương ước của bản, đi đến đâu cũng không dám ngẩng mặt. Gia đình có người bị phạt vạ, phải hạ mình với làng bản, cầu cạnh nói khó với cả bản để đến nhà ăn bữa cơm chứng giám cho sự ân hận về việc làm của con, cháu mình gây ra. Việc làm đó để răn dạy người khác không vi phạm vào những điều cấm kỵ trong luật tục của xóm bản, cộng đồng.

 

Trong cuộc sống của đồng bào người Dao, lòng tự trọng và lẽ phải vẫn luôn là điều cốt yếu, là chuẩn mực. Nó có sức sống mãnh liệt trong tâm thức của mỗi người dân, tự nhiên như cây trên núi, cá dưới khe. Cuộc sống dẫu còn nghèo, khó nhưng chúng tôi thà chấp nhận ăn củ sắn, củ mài, không bao giờ nảy mảy may lòng tham để rồi phải cúi mặt suốt đời, không dám ngẩng mặt với bà con dân bản. Giữ gìn lòng tự trọng, đó là điều mà ai cũng đã được học, được dạy ngay từ buổi đầu tiên vỡ lòng con chữ ở những lớp học đặc biệt này. Chúng tôi vậy, cũng phải học điều đó ngay trong buổi đầu tiên đến lớp. Đó là những điều mà người Dao ở Đằng Long vẫn giữ và răn dạy con cháu mình bao đời nay.

 

 

                                                                                   Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục