Khu vực phía bắc đảo Phú Quốc.

Khu vực phía bắc đảo Phú Quốc.

(HBĐT) - Nằm ở tỉnh Kiên Giang với diện tích 567 km2 và có chiều dài 65 km, Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam. Với vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có, từ lâu, Phú Quốc được mệnh danh là “hòn ngọc” của Tổ quốc.

 

Vừa có núi rừng, sông, suối, vừa có đồng bằng và miền biển nên Phú Quốc có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cảnh trí hoang sơ, đa dạng. Đặc biệt, con người nơi đây thật thà, mến khách. Không những thế, đây còn là quần đảo có chiều dài lịch sử gần 300 năm, bắt đầu từ những ngày khai sơn, phá thạch xây dựng trấn ấp của một gia đình họ Mạc và cùng với cuộc trường kỳ Nam tiến không mệt mỏi của dòng dõi Lạc - Hồng. Cám ơn tiên tổ đã khéo chọn cho đảo cái tên Phú Quốc - nước giàu. Tên gọi Phú Quốc đã ẩn chứa vẻ đẹp trữ tình, tiềm năng giàu có. Hiểu cho chính xác là vùng đất làm giàu cho Tổ quốc (Trần Bạch Đằng).

 

Với dân số toàn huyện trên 60.000 người, mật độ dân số bình quân 95 người/km2, toàn huyện đảo Phú Quốc hiện có 7 xã và một thị trấn, đó là các huyện: Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Cạn, Cửa Dương, An Thới, Bãi Thơm, Thổ Chu và thị trấn Dương Đông. Tại thị trấn Dương Đông có nhiều cảnh đẹp nổi tiếng như dinh Cậu, chùa Sùng Hưng, bãi biển Dương Đông và con sông cùng tên thơ mộng. Dương Đông là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện đảo Phú Quốc. Tại đây có sân bay, cửa sông phục vụ việc giao lưu của huyện đảo với các nơi trong và ngoài nước.

 

Nằm trong vịnh Thái Lan nên biển Phú Quốc quanh năm hiền hòa. Nếu bạn được ngủ một giấc dài trên máy bay hay tàu thủy rồi đặt chân lên Phú Quốc, bạn sẽ thấy như được đến một tỉnh miền núi nào đó bởi ở đây rất nhiều rừng. Đi sâu vào đảo, ta gặp cả những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Lúc đó, ta lại như đang ở giữa đồng bằng phì nhiêu. Lại nữa, những vườn cây ngút ngàn đưa ta đến với những miệt vườn trong đất liền Nam bộ. Tuy nhiên, núi rừng chiếm phần lớn diện tích của Phú Quốc. Với 99 ngọn núi tập trung phía bắc đảo, đa số dốc đứng bên đông và thoai thoải phía sườn tây. Trong đó, dãy Hàm Ninh có đỉnh núi Chùa cao 605 m. Các sông, rạch như sông Dương Đông dài 15 km, Cửa Cạn dài 28 km, rạch Cửa Lấp, rạch Đầm, rạch Hàm, rạch Tràm, rạch Vẹm đều bắt nguồn từ dãy núi Hàm Ninh và đổ ra bờ tây của đảo.

 

Có lẽ do vượt biển ra đảo nên ấn tượng về Phú Quốc xâm lấn tình cảm của chúng ta nhiều hơn lại là núi và rừng. Chen giữa núi và núi là những cánh rừng xanh ngắt. Màu xanh của rừng Phú Quốc đua chen cùng màu xanh của biển. Nói đúng hơn tại nơi đây là sự đua xanh của biển, rừng và mây trời.

 

Được nhà nghiên cứu dân gian Huỳnh Phước Huệ - chủ nhân Bảo tàng Cội Nguồn cho hay: Tại Phú Quốc có một khu rừng nguyên sinh duy nhất Nam Bộ. Nơi đây hiện còn 929 loại thực vật khác nhau với nhiều gỗ quý và thảo dược hiếm, đặc biệt là trầm hương và quế. Trong rừng còn nhiều chim muông quý hiếm được ghi trong sách đỏ của thế giới.

 

Các bãi biển của Phú Quốc rất đẹp, nơi cát vàng, nơi cát trắng đan xen. Nhưng dù cát vàng hay cát trắng cũng cùng chung làn nước trong xanh nhìn thấu đáy. Từng đàn cá bơi lượn tung tăng trong ánh chiều tà càng tôn vẻ đẹp thơ mộng làm hút hồn du khách. Có lẽ thế, tại Phú Quốc, ta bắt gặp rất đông khách du lịch người nước ngoài. Các đường ngang, ngõ tắt, ta đều gặp họ. Dưới tán rừng xanh, ta gặp họ. Tại các bãi biển, ta gặp họ càng đông. Một điều dễ thấy là khách du lịch ngoại quốc ở Phú Quốc rất tự nhiên và thân thiện.

 

Về lịch sử Phú Quốc phải kể đến quá trình khai hoang lập ấp khá lâu đời so với các vùng khác trong lưu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó là cuộc đấu tranh chống cướp và giặc ngoại xâm để bảo vệ thành quả khẩn hoang trên miền đất này càng diễn ra thường xuyên. Lịch sử Phú Quốc thể hiện đầy đủ nội dung dựng xây và truyền thống anh dũng, ngoan cường trong bảo vệ hòn đảo ngọc của Tổ quốc.

 

Phú Quốc - một quần đảo xa đất liền, không chỉ là nơi địch giam cầm gần 40.000 lượt tù binh, nơi thấm đẫm máu đào của gần 4.000 liệt sỹ bị địch sát hạ mà còn là nơi chứng kiến quá trình các chiến sỹ cách mạng, chiến sỹ cộng sản bị địch bắt, biến trại giam thành trận tuyến chiến đấu đặc biệt. Một bên là những chiến sỹ cách mạng, chiến sỹ cộng sản trong tay không một tấc sắt, họ chỉ có vũ khí duy nhất là lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, sẵn sàng tiến công kẻ thù để giành quyền sống và bảo vệ sinh mạng chính trị của mình. Một bên là bọn cai ngục, là bộ máy phản động được trang bị vũ khí giết người hàng loạt, ra sức đàn áp, tra tấn tù binh đến chết, hòng bắt họ khuất phục.

 

Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy đã ngời sáng khí tiết cách mạng, nêu cao ý chí bất khuất, kiên trung của chiến sỹ cách mạng, chiến sỹ cộng sản bị địch bắt, tù đày, chống lại bọn đao phủ buộc chúng phải “chùn tay, nể sợ...”.

 

      

                                     Rừng dừa Phú Quốc.

 

Cùng nằm trên dải đất hình chữ S thân yêu, Hòa Bình - Phú Quốc cách nhau gần 2.000 km đường chim bay. Không rõ trước chiến tranh, ai là người Hòa Bình đã sớm đặt chân lên đảo Phú Quốc? Nhưng cứ theo sự hiểu biết của người viết có lẽ những người Hòa Bình đầu tiên đặt chân  lên Phú Quốc không ai khác là những chiến sỹ hoạt động cách mạng thời Pháp thuộc và những anh bộ đội quân giải phóng bị địch bắt trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

 

Lần đầu tiên sau 38 năm đất nước thống nhất, tôi mới được đặt chân lên hòn đảo Phú Quốc anh hùng. Tuy nhiên, suốt thời tuổi trẻ, những địa danh Phú Quốc, Hà Tiên, Rạch Giá đã hằn sâu trong tiềm thức của tôi qua những trang sách, báo và Đài Tiếng nói Việt Nam. Vì thế nên khi đặt chân lên Phú Quốc, tôi bắt gặp ngay cảm giác bao trùm là tất cả sự thiêng liêng và gần gũi, cảm giác về rừng núi thân thương, bao dung, che chở. Không biết đó có phải cái cảm giác của những người xa rừng, gặp lại rừng hay không? Đối với riêng tôi, Hòa Bình và Phú Quốc đều là miền núi thân thương.

 

Điều đặc biệt khó lý giải là đứng đầu trong danh sách liệt sĩ hy sinh tại nhà tù Phú Quốc lại là người dân tộc Mường Hòa Bình. Anh là Bùi Ngọc Cam, sinh năm 1948 tại xóm Rộc, xã Nật Sơn, huyện Kim Bôi (qua Báo Hòa Bình, chúng ta đã tìm được thân nhân liệt sỹ Bùi Ngọc Cam). Như vậy, người Hòa Bình không những đã đặt chân lên Phú Quốc mà còn hy sinh tại hòn đảo Anh hùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc Việt Nam. Sự hy sinh ấy góp phần bảo vệ  từng tấc đất của Tổ quốc thân yêu, để hôm nay chúng ta chỉ cần gần 2 giờ bay từ Thủ đô Hà Nội là được tắm biển Phú Quốc óng vàng, được câu mực ngoài khơi xa tít, được rong ruổi khắp các ngả đường Phú Quốc thân yêu.

 

Điều ấn tượng nữa mà ít người biết, đó là cách đây hơn 40 năm, một người Hòa Bình đã sáng tác bài hát về Phú Quốc tại Phú Quốc. Người đó chính là nhạc sỹ Huy Tâm. Chính Huy Tâm được học những nốt nhạc đầu tiên trong nhà tù Phú Quốc. Bài hát “Phú Quốc vùng lên” của Huy Tâm với tên tù là Văn Nhân từng được hát vang trong lao tù Mỹ - ngụy tại Phú Quốc làm kẻ địch vô cùng tức tối nhưng không thể tìm ra tác giả của bài hát. Từ “trường học” cộng sản này, ra quân, Huy Tâm mới đi học để trở thành người nhạc sỹ nổi tiếng với những bài hát hay về Hòa Bình hôm nay.

 

Một điều nữa tôi muốn nhắc đến đó là Hòa Bình và Phú Quốc có điểm chung ít nơi có, đó là Bảo tàng Không gian văn hóa Mường ở Hòa Bình và Bảo tàng Cội Nguồn ở Phú Quốc. Hai bảo tàng đều do hai người trai trẻ tâm huyết, công phu tạo dựng. Đó là họa sỹ Vũ Đức Hiếu của Hòa Bình và nhà nghiên cứu Huỳnh Phước Huệ của Phú Quốc. Ở đây, chúng ta gặp một điểm chung đều là nơi lưu giữ những hiện vật cội nguồn. Một là cội nguồn người Việt cổ với nền văn hóa Hòa Bình rực rỡ của nhân loại; một là lưu giữ hiện vật cội nguồn văn hóa biển phía Nam. Cả hai bảo tàng tư nhân ở hai đầu đất nước hiện đều được sự quan tâm của du khách bốn phương. Thế mới biết câu nói: “Đi hết con đường, chúng ta sẽ gặp nhau” thật là chí lý.

 

Một mùa xuân mới đang về. Mỗi chuyến đi làm cho con người ta càng hiểu, càng thêm yêu quý quê hương, đất nước mình. 

 

 

 

                                                           Ghi chép của Lê - Huệ

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục