Hàng trăm chiếc thuyền tại hai bến cảng Bích Hạ và Thung Nai đã sẵn sàng đưa đón khách du lịch mùa lễ hội đền Bờ năm 2014 (Ảnh: Du khách xuống thuyền du xuân tại cảng Thung Nai).

Hàng trăm chiếc thuyền tại hai bến cảng Bích Hạ và Thung Nai đã sẵn sàng đưa đón khách du lịch mùa lễ hội đền Bờ năm 2014 (Ảnh: Du khách xuống thuyền du xuân tại cảng Thung Nai).

(HBĐT) - Du sơn, ngoạn thủy trên vùng hồ Hòa Bình trong mùa xuân, đặc biệt là tháng giêng này đã trở thành lịch trình không thể thiếu của nhiều người dân Hòa Bình và đông đảo du khách thập phương. Đến vùng hồ Hòa Bình trong mùa xuân sẽ được tận mắt ngắm nhìn nước hồ trong xanh màu ngọc bích, những đảo núi nhấp nhô, huyền ảo như vịnh Hạ Long, những ngôi nhà sàn bình yên bên sườn núi… Đến vùng hồ trong những ngày này còn được cùng dòng người vui với mùa lễ hội đền Bờ; được tìm hiểu văn hóa, lịch sử tâm linh đầy huyền thoại về Bà chúa thác Bờ giúp vua Lê đánh giặc…

 

Đầu xuân, năm nay thời tiết đẹp, có nắng ấm nên ngay từ mùng 2 Tết, nhiều người đã chọn hướng xuất hành du xuân vùng hồ Hòa Bình và đi lễ đền Bờ. Chị Bùi Thị Tuyết ở phường Tân Hòa (thành phố Hòa Bình) cho biết: Năm nào, gia đình chị cũng du xuân vùng hồ và đi lễ đền Bờ. Năm nay, gia đình chị tổ chức đi sớm từ mùng 2 Tết. Năm nào cũng đi nhưng mỗi lần du ngoạn vùng hồ chị và các thành viên trong gia đình lại có những cảm nhận thú vị khác. Năm trước, gia đình chị chọn mùng 6 Tết du xuân vùng hồ, thời tiết không được đẹp như năm nay nhưng khi về chị viết thông tin và đăng ảnh lên mạng Facebook, bạn bè chị ở Hà Nội và nhiều nơi khác đều khen đẹp, thú vị, hấp dẫn nên đã đăng ký chương trình năm nay cùng gia đình chị tham gia du xuân. Đặc biệt, du xuân hướng này còn được kết hợp với đi lễ cầu may nên mọi người đều thấy hào hứng, yên tâm, phấn khởi lắm.

 

       

Phong cảnh hữu tình và cuộc sống thanh bình của người dân vùng hồ Hòa Bình.

 

Hiện nay, du lịch vùng hồ Hòa Bình du khách có thể lựa chọn 2 hướng đi, một là xuất phát từ cảng Bích Hạ (xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình - cách trung tâm thành phố gần 10 km). Hướng xuất phát này được nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi lịch trình sẽ có khoảng 2 giờ đồng hồ ngồi thuyền vãn cảnh sông nước và thời gian trên thuyền có thể tổ chức các hoạt động tập thể; tìm hiểu thông tin đời sống, văn hóa của người dân vùng hồ… Hướng thứ hai mà hiện nay nhiều người lựa chọn đó là hướng đi về cản Thung Nai (xã Thung Nai, huyện Cao Phong). Đi hướng này, du khách sẽ được kết hợp thăm quan các điểm du lịch văn hóa trên tuyến đường vào bến như: thăm quan bản Mường Giang Mỗ, bảo tàng Không gian văn hóa Mường, Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan… Ngoài ra, tuyến đường này còn giúp du khách rút ngắn được thời gian ngồi trên thuyền (chỉ mất khoảng 20 phút ngồi trên thuyền) khi đến với những điểm du lịch của vùng hồ.

 

Anh Bùi Văn Nghiêm, chủ thuyền chạy bến Thung Nai nhiều năm chia sẻ: Đầu xuân, năm nay thời tiết đẹp nên lượng khách thăm quan sớm và đông hơn mọi năm. Từ mùng 4 Tết đến rằm, anh đã có lịch chạy thuyền kín. Thuyền của gia đình anh và các gia đình khác trong bến đều được trang bị chu đáo từ hình thức đến các dịch vụ đi kèm như: dịch vụ ăn uống cho du khách có nhu cầu trên thuyền; liên hệ địa điểm thăm quan, ăn, nghỉ tại các đảo trên lòng hồ… Hiện nay, mực nước hồ cao nên du khách xuống thuyền không phải đi bộ và leo dốc nhiều để lên đền. Đền bà chúa thác Bờ cũng đã được trùng tu, xây dựng thêm các hạng mục và không gian thoáng đãng hơn. Đặc biệt, anh Nghiêm cho biết, các thuyền chạy bến này năm nay đều phải ký cam kết bảo đảm an toàn khi lưu thông và có đầy đủ các trang bị như áo phao, phao cứu sinh trên thuyền.

 

Yên tâm ngồi trên những chiếc thuyền khá đẹp, tiện nghi, du khách được thỏa lòng, chiêm ngưỡng cảnh sắc nên thơ, trữ tình của vùng hồ mùa xuân; được thưởng thức những đặc sản đặc sắc rất riêng của vùng hồ Hòa Bình như: các loại cá đặc sản nướng, măng luộc, rau rừng; được cảm nhận nét văn hóa đậm bản sắc truyền thống được lưu giữ trong lòng người dân hiếu khách… Tuyến du xuân vùng hồ còn hấp dẫn nhiều du khách bởi nơi đây lưu giữ lịch sử, huyền thoại về Bà chúa thác Bờ giúp vua Lê đánh giặc. Mỗi người sẽ được cảm nhận, trải nghiệm và thấu hiểu, yêu thương, trân trọng hơn quê hương, đất nước mình qua những truyền thuyết về ông Đùng, bà Đùng là những ông thần, bà thánh thương dân, có ý định ngăn sông Đà cho nước vào ruộng khô cằn để dân trồng, cấy. Công việc đứt gánh giữa đường, những cục đất, đá khổng lồ rơi xuống thành đồi núi, trong đó có núi Đúng; sự tích đền Bờ hay còn gọi là sự tích bà Chúa Thác Bờ còn gắn liền với cuộc chinh phạt đánh giặc của vua Lê Lợi vào mùa xuân năm 1431. Khi đoàn quân của vua Lê đến thác Bờ đã được sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân trong vùng...

 

Du ngoạn vùng hồ Hòa Bình những ngày đầu xuân thực là chuyến du lịch mang nhiều ý nghĩa. Với mỗi du khách một lần đến đây đều cảm nhận sự thư thái, yên bình đến trong trẻo để mỗi người đều thầm hẹn một ngày trở lại với những chuyến khám phá, du ngoạn vùng hồ.

 

 

 

                                                     

                                                                      Hồng Duyên

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục