Trẻ em làng chài phải tự đi thuyền vào bờ để đến trường.

Trẻ em làng chài phải tự đi thuyền vào bờ để đến trường.

(HBĐT) - Nay đó, mai đây, đời nối đời lênh đênh sông nước, chỉ khi có con đập sừng sững ngăn sông, họ tụ lại. Thấm thoắt mà đã 25 năm. Những con người tụ lại ấy nay đã thành cụm dân cư ở trung tâm thành phố với 57 hộ, 206 nhân khẩu. Chỉ có điều không phải trên bờ mà họ vẫn đang ở dưới sông...

 

25 năm, tụ lại một làng chài

Dưới chân cầu Hòa Bình, phía bờ trái sông Đà thuộc phường Tân Thịnh (TPHB) là nơi cư ngụ của một làng chài. Tất cả các hộ dân làng chài này đều có xuất xứ từ hai xã Cổ Đô và Trung Hà, Ba Vì, Hà Nội. Từ nhiều đời nay, họ sống bằng nghề sông nước. Ông bà, con cái, cháu chắt nối tiếp nhau làm bầu bạn, sống chết với dòng Đà giang. Khi chưa có con đập thủy điện Hòa Bình chắn ngang, thuyền bè xuôi ngược theo sông, tiện đâu đậu đấy mà kiếm kế sinh nhai. Từ ngày ngăn sông đắp đập làm điện, chính xác là từ năm 1989, con đập sừng sững chắn ngang sông Đà đã giữ họ lại nơi hạ lưu ngay chân đập, từ đó hình thành làng chài.

 

Trước đây, đa số các hộ dùng tre, bương kết thành bè nổi. Trên đó dựng một căn nhà cũng bằng bương, tre hoặc khá hơn là gỗ và lợp lá cọ nên gọi là nhà bè. Hiện nay,  phần bè đã được thay bằng phao sắt, sàn sắt. Còn căn nhà cũng đã hàn khung, ván sắt và lợp mái tôn, nên được gọi là nhà nổi. Để có một căn nhà nổi khoảng 25 - 30 m2, mỗi hộ phải bỏ ra từ 150  200 triệu đồng. Thời gian đầu, tôm, cá còn sẵn, nhu cầu sinh hoạt lại không đòi hỏi nhiều thứ như bây giờ. Có lẽ vì thế mà mặc dù lên bờ là một ước mơ truyền đời của họ nhưng xem ra cũng chưa thật cấp bách. Tính đến nay cũng đã 25 năm. Từ hơn 20 hộ nay làng chài đã lên tới 57 hộ với 206 nhân khẩu. Nếu trên cạn với số hộ này thừa sức lập một xóm hay một tổ dân phố, như vậy, ngoài thuận lợi của điều kiện tự nhiên còn nhiều quyền lợi khác của đơn vị hành chính như trường học, lớp mẫu giáo, nhà văn hóa nhưng đối với xóm chài thì thiếu nhiều thứ và thiệt thòi nhiều lắm.

 

Người xóm chài, lớn bé, già trẻ chỉ biết có sông nước, nhưng mặt nước lại không của riêng họ. Dân làng chài đánh bắt cá tôm theo kiểu truyền thống như thả lưới, giăng câu, đánh cụp, thả rọ. Theo lẽ sinh tồn sản vật tự nhiên hao đi đi rồi lại tiếp tục sinh sôi. Một số người sống trên cạn đã có một hay nhiều công việc làm nghề sống chính, họ kiếm con cá, con tôm cải thiện theo kiểu vô trách nhiệm. Đó là đánh mìn, kích điện dẫn đến tận diệt cá, tôm. Chính sự gây ra và không bị ngăn chặn của người trên cạn dẫn đến người dưới sông cũng nhắm mắt học theo thế là sinh ra sự vô lý hết chỗ nói. Dòng sông cưu mang dân chài bao đời, nay chính họ lại ngậm đắng nuốt cay mà tiêu diệt dòng sông.

 

Ông Ngô Văn Phích, 65 tuổi buồn rầu: Nhà tôi có 7 miệng ăn. Tối thiểu mỗi ngày phải kiếm ra khoảng 200.000 đồng mới tàm tạm. Trước cố được, giờ chỉ kiếm được khoảng 60.000 đồng/ngày thôi. Ngoài nghề chài lưới, chúng tôi không có biết việc gì khác. Vốn liếng không có. Vay ngân hàng lấy gì thế chấp?. Thêm vào đó, môi trường nước ô nhiễm bởi chất thải làm cho đời sống đã khó khăn lại càng thêm khó. 100% bà con làng chài ăn nước sông. Nhà nào cẩn thận bơi thuyền ra giữa dòng chảy múc nước, còn đa số ở đâu, múc luôn tại đó mà ăn, uống, sinh hoạt.

 

Hiện nay 2/3 lao động chính của làng chài phải vượt vũ môn lên vùng hồ để kiếm sống. Họ rủ nhau thuê cẩu thuyền lên ô tô chở lên Sơn La, Điện Biên hay Lai Châu rồi lại hạ thủy sông Đà. Nếu gia đình không có việc đột xuất  có khi hàng 6 tháng hoặc 1 năm họ mới về lại làng chài. Cảnh chim trời, cá nước nên dù kinh nghiệm đến mấy cũng phần nhiều trông chờ vận may. Ông Ngô Văn Thông, 61 tuổi tham gia lãnh đạo tổ dân phố số 4 và trực tiếp làm xóm trưởng làng chài trầm ngâm: Năm 2010, xóm chúng tôi mất 1 cháu trai 5 tuổi tên là Nguyễn Đức Thiện. Thỉnh thoảng gia đình cho cháu lên bờ để làm quen với đất liền nay mai còn đi học, cháu trượt chân rơi xuống sông chết đuối. Mỗi gia đình chỉ có một hay hai người già ở lại trông trẻ con mà xung quanh là nước, lo lắm. Năm 2006, 2007, một số bà con làng chài đã quyết tâm tìm đường lên bờ để con cháu có điều kiện đi học nhưng khi đụng phải giá đất không thể đủ tiền mua, thế là đành chịu.

 

 

Cơ hội thực hiện ước mơ đổi đời

 

Sau 18 năm neo bán nơi hạ lưu chân đập thủy điện Hòa Bình, năm 2007, làng chài được chính thức nhập khẩu và thành cư dân tổ dân phố số 4, phường Tân Thịnh. Ngày lễ, tết,  bà con được sự quan tâm thăm hỏi, của lãnh đạo phường. Trong làng chài có các tổ chức quần chúng sinh hoạt cùng với thành viên, hội viên trên bờ. Có khẩu, có phường, đến nay đã có 17 công dân làng chài lên được bờ, vào làm công nhân may, công nhân mài thấu kính, số lên bờ tìm kế sinh nhai ấy có vài cô gái lấy chồng, thế là thoát khỏi mặt nước, thoát khỏi nỗi khổ truyền kiếp của cha ông nên mỗi khi có cô gái làng chài nào lấy chồng trên bờ là cả làng mừng và đám cưới ấy vui lên gấp bội lần.

 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 33/2011/QĐ-TTg ngày 10/ 6/ 2011 về việc miễn tiền sử dụng đất cho hộ dân làng chài, dân sống trên sông nước, đầm phá di chuyển đến định cư tại các khu điểm tái định cư. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các hộ làng chài thuộc tổ dân cư số 4, phường Tân Thịnh đã làm đơn gửi lên các cấp có thẩm quyền xin được cấp đất tái định cư. Ông Ngô Văn Thông cho biết: Tết Nguyên đán Nhâm Thìn (năm vừa có Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ), chúng tôi vui lắm. Ngồi trên sông xem bắn pháo hoa mà cứ ngỡ như đang đứng ở sân nhà mình. Cụ Ngô Văn Tám, năm ấy 87 tuổi là NCT nhất làng chài thì khỏe ra vì mừng sắp được lên bờ, được sống trong căn nhà trên bờ dù là nhà tranh, vách đất cho những ngày cuối đời cũng sung sướng. Các cháu học sinh ít ỏi của làng chài Tân Thịnh mong đợi từng ngày để được đón bạn bè đến chơi nhà mình. Vì từ ngày các cháu đi học đến nay không một lần được bạn bè đến chơi nhà. Phần vì tự các cháu mặc cảm không dám mời bạn, phần vì các bạn ở trên bờ cũng không dám xuống sông chơi, nhất là khi các cháu còn học tiểu học, các bậc phụ huynh trên bờ càng không dám cho con cháu mình đến bờ sông, chưa nói gì đến xuống sông chơi

 

Trên 700 ngày của năm 2012, 2013 như nước sông Đà trôi xuôi, người dân làng chài Tân Thịnh vẫn kiên nhẫn trông chờ những tín hiệu từ các cấp chính quyền.

 

                                                                              Lê Va

 

                                                           

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục