(HBĐT) - Hạ về, hoa phượng đỏ ối khắp nơi, hình ảnh gợi nhớ trong ký ức chúng ta về mùa thi đã đến và những dấu ấn kỷ niệm về tuổi thơ. Tuổi học trò trong trắng tinh khôi, đầy ắp hoài bão, ước mơ. Kỷ niệm sâu sắc nhất trong tôi là quãng thời gian là học sinh sư phạm, học nghề dạy chữ, dạy người. Hoài bão lớn lao đó đã đưa tôi về với mái trường trung học sư phạm 7 + 3 Hòa Bình. Cái tuổi 17, 18 chập chững bước vào đời tập làm người lớn đầy bỡ ngỡ, khó khăn… Khi xa gia đình để tự lập, tự lo. Đó là dấu ấn đầy ý nghĩa không thể nào quên của cuộc đời mỗi con người mà không ai có thể làm lại được.

Buổi đầu háo hức đến trường, ngôi trường nằm bên bờ trái sông Đà thuộc địa danh phố Đúng. Trường được xây dựng rộng rãi, khuôn viên thoáng mát nhưng cơ sở vật chất còn đơn sơ chỉ có hai dãy nhà xây để sử dụng làm phòng giám hiệu, phòng hành chính và phòng thực nghiệm. Sinh viên chúng tôi ở ký túc, khu ký túc xá là những dãy nhà tranh ẩn mình dưới hàng phượng vĩ thoáng mát, điều kiện sinh hoạt và học tập còn nhiều hạn chế bởi cuộc sống khởi nghiệp ban đầu. Quang cảnh trường đông vui, nhộn nhịp bởi dòng người từ khắp các huyện, thị đổ về đây học tập và rèn luyện, con số cả trường lên tới ngót nghìn học sinh. Những năm tháng học tập và rèn luyện của người giáo sinh sư phạm chúng tôi đầy ắp tiếng cười, kỷ niệm vui, buồn thật đáng nhớ. Trong thời kỳ bao cấp còn khó khăn cộng thêm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta. Cuộc sống toàn dân cũng như đời sống sinh viên chúng tôi thời ấy còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Khẩu hiệu hành động: "Tất cả cho tiền tuyến”, "Tất cả vì miền Nam thân yêu”. Mỗi giáo sinh ra sức thi đua học tập và rèn luyện làm theo lời Bác Hồ dạy "Thi đua dạy tốt - học tốt”, lấy thành tích cổ vũ cho chiến trường miền Nam. Qua trải nghiệm đời sống thực tế, các buổi học nội, ngoại khóa, những giờ tập giảng, ngày lao động vào rừng lấy củi, trồng rau cải thiện đời sống sinh viên, tuy bận rộn nhưng thật vui và ý nghĩa.

Những năm học tập, tu dưỡng trong nhà trường sư phạm đã rèn luyện cho chúng tôi ý thức trách nhiệm và phẩm chất của người thầy giáo. Tôi cảm thấy mình cứng cáp, trưởng thành lên rất nhiều. Dấu ấn nhớ nhất là mỗi mùa thi đến mùa hoa phượng đỏ rực sân trường, tâm trạng ai cũng vui vì sắp đến ngày nghỉ hè về thăm gia đình, người thân và nỗi lo lắng cho kết quả kỳ thi kết thúc năm học. Những buổi chiều về, mọi người tụm năm, tụm ba để ôn bài bên dòng sông Đà xanh mát, những cây phượng trổ hoa đỏ rực không gian xen lẫn màu xanh của lá phượng đong đưa theo gió, như thể hiện sức sống mãnh liệt của mình với thiên nhiên, quang cảnh nhà trường đẹp thêm rạng rỡ. Từng tốp học sinh qua lại vừa đi, vừa bàn tán về phương pháp giảng dạy, những kiến thức tự nhiên - xã hội… Trên mỗi giỏ xe còn có cả cành phượng thắm, những đôi bạn trẻ tỏ ra thân thiết hơn. Họ trò chuyện ríu rít và tặng cho nhau những chùm hoa phượng mới nở, kỷ vật trao nhau là đôi nhẫn cỏ với bông phượng hồng gài mái tóc suôn mềm. Nụ cười tươi rói trên khuôn mặt rạng rỡ của cô bạn gái như đón nhận một tình yêu chớm nở, một tình yêu cuộc sống với thiên nhiên của giới trẻ.

Tình cảm thời sinh viên thật giản dị, chân thành mà ấm áp biết bao… Dòng sông Đà vẫn êm dịu, hiền hòa, xa xa những chiếc thuyền nan đang rong ruổi chở khách qua sông, đoàn thuyền đánh cá của ngư dân vội vã ngược xuôi. Không gian êm ả, chỉ có tiếng ve sầu kêu ra rả trong khói lam chiều quấn quýt bên sông. Bếp nhà ai đỏ lửa trong chiều hè gió mới. Phong cảnh quê hương Hòa Bình thật giản dị, đáng yêu. Ngắm nhìn trời quê non nước, chạnh lòng tôi nhói trong tim nghĩ về nguồn cội tương lai, về con người và một thị xã Hòa Bình nhỏ bé mà anh dũng kiên trinh. Trong lịch sử chống đế quốc xâm lược của nhân dân ta có biết bao thế hệ con em các dân tộc Hòa Bình đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền dân tộc, chủ quyền đất nước. Bao học sinh, sinh viên đã nêu cao lòng yêu nước xếp bút nghiên lên đường cứu nước.

Quê hương Hòa Bình thay đổi khác xưa, thị xã nhỏ bên sông nay đã trở thành một thành phố thủy điện, xứng tầm Đông Nam á. Với sức sống công nghiệp hóa đất nước, thành phố Hòa Bình đang vươn lên tầm cao mới.

 

                                             Nguyễn Phương Đông


Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục