(HBĐT) - Bố tôi là con một và ông trẻ chỉ có 1 con là cô Leng nên cô cũng được coi như thành viên của gia đình tôi. Từ nhỏ, cô đã ăn ở nhà tôi nhiều hơn nhà cô ở cuối vườn. Nhiều người lầm tưởng bố tôi và cô là anh em ruột. ông nội thấy thế chỉ cười cười.

Lớn lên, cô đi "đội 202” để cho có chút gọi là bay nhảy, ra ngoài xã hội, còn lại là gắn bó chính với quê nhà, công việc đồng áng, cấy hái, lợn, gà. Việc cô chỉ học dở lớp 8 (tương đương lớp 10 bây giờ) làng bản chẳng quan tâm. Họ chỉ biết rằng cô là con gái một, xinh xắn và ở trong một "núi của”. Đấy là họ kháo thế vì nhà ông trẻ được đánh giá là khá giả, cô lại là em họ của một cán bộ HTX (là bố tôi) nên được quan tâm, săn đón lắm.

Theo như bà dì cô Leng, cô đang đứng nhất bảng và có giá so với con gái cùng lứa của 3 chòm xóm này. Thứ nhất, nhà có điều kiện. Thời đó có một rừng bương, luồng khai thác quanh năm được coi là ổn, nhất là thời gạo, nước, mắm, muối, đường đều qua tem phiếu. Nhà nông lấy đâu ra tem phiếu nên có tre ra chợ là có gạo, có dầu, có muối. Đấy là chưa kể đàn trâu đang được cô "nuôi rẽ” ở xóm núi. Xung quanh cô cũng có nhiều chuyện mà đám cháu chúng tôi muốn biết lắm…

Nhìn cô bề ngoài như một cành liễu mềm dễ gẫy nhưng ở gần cô mới thấy cô không phải mềm. Các bạn cô vẫn kể hồi 12 tuổi (lúc đó các cháu của cô chưa sinh), đi lấy củi cùng nhóm bạn. Đang lội qua suối cạn thì nước lũ tràn về. Tái xanh tái tử, mạnh ai nấy chạy. Khi vừa nhao được vào bờ thì cô phát hiện bạn nữ bị vấp tảng đá và bị nước cuốn đi. Cô nhào theo, đám bạn trên bờ đứa khóc, đứa gọi, đứa chạy về xóm gọi người lớn. Nghe kể, nước cuồn cuộn chảy, xô dạt 2 người qua các tảng đá. Cô lựa dòng đẩy được bạn lên một tảng đá to giữa suối. Cô ghì bạn mặc cho dòng nước xô quanh. Máu thì rỉ từ thái dương nhòa đỏ nhưng cô không rời tay khỏi người bạn đang lả đi vì sợ hãi. May là nước chỉ dâng mấp mé tảng đá, nếu không chẳng biết thế nào. Chỉ biết, khi nước rút, các bác sang dìu cô Leng, cô Nử thì cô mới khóc, người run lên từng chập. Vết sẹo ở thái dương còn rõ đến sau này (cho nên chuyện cô nuôi tóc, chăm tóc để che vết sẹo không phải ai cũng biết). Có người khen: "Cháu như một người anh hùng”. Cô cười rõ tươi: "Cháu chỉ là Leng, thấy người gặp nạn là xông vào thôi…”. Khiếp, nghe cũng thấy cô ghê đấy chứ.

Lớn lên, thành thôn nữ xinh tươi, tháng nào cũng có một chàng trai lạ đến nhà chơi nhìn mặt, nhưng ai cũng có vẻ thiếu tự tin khi tiếp xúc với cô. Nhưng cũng có người bạo gan ở hẳn nhà cô 2-3 ngày để giúp ông bà thu ngô, gánh sắn, đào ao (thực ra để được làm quen với cô, thừa biết). Có hôm, thấy cô cười nói vô tư với cả 5 - 6 anh; cả đêm đun hết mấy lượt củi mà chuyện vẫn râm ran vì ai cũng muốn được cô chú ý. Nói như ngôn ngữ bây giờ là "ghi điểm” trong mắt cô. Chỉ sướng đám cháu nhà tôi thôi. Tuần nào cũng có kẹo dồi chó, kẹo lạc để ăn. Cứ ai mang đến là cô bày và ồi ồi gọi đám cháu đến cùng liên hoan. Cái cách cô nhướn người phía cuối nhà sàn gọi chúng tôi cũng khiến đám trai trẻ mê tơi. Mái tóc cô bay tung theo gió, bước chân nhún nhẩy trên sạp như nũng nịu như trêu ai. Giọng nói trong vắt như tiếng suối đầu làng cất lên báo hiệu cho các cháu hãy đến tập trung ở nhà cô "Thời ơi, Thái à, Lư… sang cô nhờ chút việc”. Cô gọi mà như hát, như diễn mà rất thật nhưng đấy là chất của con người cô. Được cái ông trẻ dễ tính nên đám khách cũng dần bớt ngại. Đôi khi còn được ông mời tham gia đàn, sáo cùng trong các buổi trăng thanh, gió mát.

Cô xinh, cô điệu là đúng rồi. Có lần nhìn thấy cô gánh lúa từ ruộng về mà cánh trai cứ ngây ra nhìn cô bước. Thường đã lao động thì vất vả với mồ hôi, bùn đất, nhưng nhìn bước chân cô đung đưa, lướt trên mặt đất mà thấy vui, thấy hay, thấy mừng. Cô bước uyển chuyển, hông đánh nhịp lắc đều 2 bên; tà áo xanh lất phất ngược chiều gió. Má đỏ hồng, mắt cô anh lên tia thiện cảm như chào hỏi, hàn huyên với đồng, với cây, với gió. Lao động mà chả thấy gì là mệt mỏi cả. Cô bước qua, mọi người mới thở phào cùng bao ánh mắt theo nhịp bước chân cô cho đến khi khuất vào ngõ. Nhiều thanh niên lúc đó mới choàng tỉnh sao không ra gánh đỡ cho cô độ đường.

Tuổi 20 của cô tươi mới như thế đó. Có cô ở đâu là sôi nổi, nhiệt thành tràn ngập nơi đó. Làng trên, xóm dưới chẳng biết nổi cô ưng ai mà cũng chẳng ai trách là cô lợi dụng vì chẳng nhận quà của ai hay hứa hẹn với ai. Một lần bố tôi xa gần: "Cô xem, tối nào ông cũng đun 5 nồi nước tiếp khách mà chẳng biết ai là người cô thương, cô đồng ý cũng phải tính đi chứ… Xem đám chú Bin thế nào”.

Nghe đến đấy, cô cười thả dàn làm chúng tôi cũng cười theo mà chẳng biết nguyên cớ. Cô nói trong giọng cười: "ối giời, chạy rồi”… Chú Bin thì không lạ, con một bác cùng làm cán bộ với bố tôi ở xã bên. Mắt sợi chỉ, hay nhìn trộm đã thế còn "đoản” thân. Nhìn chú ấy vặn vẹo ngồi trên chiếc xe Phượng Hoàng đẹp long lanh mà không thể nhịn cười (vì chân chú ngắn) nhưng mà giàu có lắm. Nếu không nhầm, 3 xã trong vùng không có chiếc xe thứ 2 nào như của chú. Lần nào đến chơi, chú nhăm nhăm cắp nách đôi dép tông Thái lên tận sàn vì sợ ai lấy mất (mà đó là ban ngày). Mỗi lần chú đến, ngôi nhà cô Leng như có thêm một rừng hoa vì mùi thơm của xà phòng Đờ-luých chú quen dần. Nhưng chỉ một lần cô buông một câu: "Hồi nhỏ, em bị lũ suối cuốn nên trí nhớ không tốt, lúc nhớ, lúc quên”. Rồi cô vén mớ tóc dài cho chú Bin xem vết sẹo to kèm tiếng chép miệng: "Sau này nó mà trở chứng thì tâm thần”.

ối giời, nghe thế, ông chú rể hụt tái dại lắp bắp: "Thế cơ à, thế cơ à”. Sau đó thì mất hút. Bố tôi từ đó không nhắc chuyện đó nữa nhưng khi không nhắc thì chính cô lại báo cáo. Một buổi trưa, ông trẻ tôi chạy từ nhà lên như hụt hơi gọi bố tôi: "Cháu xem chuyện con Leng…”. Thì ra cô đang định dẫn bạn trai đến nhưng lại là cháu Tơn ở phía núi kia. Thương binh chiến trường K, mất một tay thì làm ăn gì. Chú Tơn lại chính là người đi "tháp tùng” đám trai xóm ấy đến nhìn mặt cô tôi mấy tháng trước. Chú ít nói, nhưng đôi mắt thì như muốn nói điều gì đó. Một tay, thế mà chú còn đan được cho ông trẻ một đôi rổ vo gạo đấy. Hôm nọ, chú cũng từng thổi sáo cùng ông trẻ (ông kéo nhị) một bản dân ca "Đi đường” khá vui và réo rắt. Cô là thế, toàn chuyện bất ngờ. Bố căn vặn: "Bình thường, lành lặn không lấy, sao lại thế?”. Cô nhìn ra ngoài hiên bâng quơ: "Dù anh ấy luôn lặng lẽ ở phía sau nhưng em lại nhận ra. Duyên số anh à. Nếu đồng thuận, cuộc sống bọn em sẽ ổn thôi.Anh Tơn sẽ về ở rể...”. Những việc tiếp theo là của người lớn, còn đám cháu chúng tôi chỉ biết sắp được chén cỗ cưới cô là thích rồi.


                       Truyện ngắn của Bùi Huy


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục