(HBĐT) - Mẹ trở thành người thiên cổ đã 45 năm rồi. Mẹ không biết chữ dù mẹ là con ông đồ. Không biết chữ nhưng mẹ biết đường ăn, lối ở. Suốt những năm các con đi học ở trọ trên huyện, trên tỉnh, mẹ vẫn chăm lo cho các con chu đáo. Thứ bảy, chủ nhật các con về rồi lên trường mẹ gói đùm cho bát gạo, gói cá nướng, chai tương. Mẹ cởi bao thắt lưng đưa cho con mấy đồng bạc lẻ không quên dặn dò:


- Học hành chỉn chu con nhé.

Thấy các anh trong làng, trong xóm học lớp trên, vào cuối năm mẹ dạm trước "Anh học xong cho em nó mượn lại sách nhé”.

Thế là các con của mẹ có những cuốn sách giáo khoa, có cuốn mất bìa nhưng các trang, các bài trong sách còn đủ cả. Mẹ thủ thỉ: "Có chí thì nên”.

Me đi xa đã 45 năm, con mẹ bây giờ đã trưởng thành. Có anh là cán bộ, công chức Nhà nước, có anh là bộ đội, thương binh, con gái mẹ là cô giáo trường làng. Nhớ mẹ, tuổi đã già nhưng mẹ quen ăn trầu. Đi đâu về biếu mẹ mấy quả cau, mấy lá trầu, mẹ mừng và quý hơn các con cho quà, cho bánh. Con mẹ, anh cả đi làm, anh hai đang học năm thứ ba đại học xây dựng. Chiến tranh, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh hai xếp bút nghiên lên đường. Ngày nhập ngũ, sân nhà mẹ đông bà con đến nắm tay chúc mừng. Trong lòng mẹ xao động nhưng nét mặt mẹ vẫn bình tĩnh, mẹ cầm vai con lắc lắc: "Cố gắng cho bằng anh, bằng em con nhé”.

Nhìn nét mặt mẹ mà nhớ câu nói của nhà văn quân đội "Muốn biết cuộc chiến thành hay bại hãy nhìn nét mặt mẹ lúc tiễn con lên đường”. Sự lên đường của các con, các anh biết là gian nan nhưng trong lòng mẹ, nét mặt mẹ vẫn ánh lên niềm tin và rạng ngời ngày thắng lợi. Các con lớn lên có lúc hỏi mẹ, trong khó khăn sao mẹ nuôi được bầy con ăn học lớn khôn. Mẹ cười, lời mẹ ôn tồn: "Phải đồng lội đồng, phải ao lội ao, phải sao lội vậy”. Lời mẹ nói như là một thứ cam chịu nhưng kỳ thực là một nghị lực lớn lao. Hồi chiến tranh, bao cấp khó khăn, mọi người như mẹ còn có lựa chọn nào khác.

Tuổi già có lúc mẹ đến chơi với con cháu. Cháu thương và quý bà, bữa ăn cứ gắp thức ăn vào bát cho bà nài ép bà ăn. Nhưng bà nhỏ nhẹ "để vậy bà còn ăn cơm”. Mẹ nói khẽ nhưng rành rọt "cơm tẻ mẹ ruột”, nghe mẹ nói các cháu mẹ thì cười nhưng con của mẹ thì thấm thía đến nao lòng.

Mẹ thường nhắc các con từ lời nói đến cử chỉ "giấy rách phải giữ lấy lề hay tốt danh hơn lành áo”, chớ có tham lam, kèn cựa, vun vén, ích kỷ "đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Nhớ một hôm có một người đến ngoài cổng chìa cái nón mê xin tiền, xin gạo. Con dâu mẹ đi quay vào, mẹ phật ý nhắc khéo cũng rất nhẹ nhàng - "chớ nên thị phú khinh bần, cơ trời ắt hẳn nợ nần chi đây”.

Con dâu mẹ quay ra đưa tiền cho ăn xin rồi thưa lại với mẹ.

- Con quay vào lấy tiền chứ phải con không cho đâu ạ!

- Thế à, thế thì mẹ ngẫm thế nào thì mẹ nói thế.

Gương mặt mẹ ánh lên một nụ cười. Đúng là nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Tản văn của Văn Song

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục