(HBĐT) - Đã từ lâu lắm, một bức thông điệp về khát vọng hòa bình và tươi vui được gửi cho muôn loài. Từ cánh rừng Phổ Luông, sau đợt khai thác trắng, tiếp đến là đốt nương làm rẫy của con người. Ngọn lửa đỏ đã liếm gọn từ cây cỏ đến những thân gỗ lớn. Làng mạc của những cư dân kiến bé nhỏ cư trú sầm uất là thế bỗng trở nên tiêu điều. Nhiều công dân chậm chân đã chết yểu trong khói lửa.

 

Sau hỏa tai là đến mưa lũ, lũ ống, lũ quét đã cuốn trôi cả làng mạc, nhà cửa và nhiều cư dân tý hon. Chỉ còn lại số ít công dân kịp ẩn náu trên vỉa đá bành voi là sống sót. Họ đã không thể bám trụ ở Phổ Luông và quyết tâm di rời đi bản mới.

- Đi đâu bây giờ - Nhiều tiếng lao xao và cũng là câu hỏi chung của cả dân bản.

- Tâ cùng lên khe Khơ Mú, nơi có tới 3 con suối trong mát đêm ngày âm vang khúc nhạc vui, một thung lũng xanh nằm giữa hai vách đá thật thâm u, giữa thảm rừng đại ngàn mà con người thì khó có thể tới được - Bác kiến đen nói.

- Trên khe Khơ Mú, theo con đường quanh co uốn lượn rất đẹp, có đủ các loài cỏ, hoa rực rỡ sắc màu, ngan ngát hương thơm và mật ngọt. Nào là hoa dẻ ngát thơm suốt mùa hè, hoa mỵ tím đỏ, hoa bướm cánh trắng tinh khiết và sắc tím hoa mua… Chúng ta cùng chung tay xây dựng một làng mới thanh bình và hạnh phúc - chị ong vàng chia sẻ với mọi người.

- ở trên đó có gần những lối mòn của con người không? - Bác kiến cánh hỏi.

- Cách xa lắm. Đến mức đứng từ trên đó nhìn xuống, con người chỉ bằng những con bọ chét chạy theo sau những đàn bò - bác cánh cam đáp.

Những công dân bé nhỏ bắt tay vào công việc chuẩn bị rời bản, bỏ lại nơi đã bao đời gắn bó với họ để tránh xa những thảm khốc của lửa, nước và con người. Ngược con dốc dài lên đỉnh núi, đàn kiến vẫn miệt mài chuyển những thức ăn về làng mới. Chị ong vàng cùng bầy đàn dời lên quê mới. Nhờ có trinh sát trước, họ hàng nhà ong sớm có được những tổ mới, ổn định và bắt tay ngay vào việc tìm nguồn mật, phấn hoa để phát triển đàn và không quên phân công lực lượng bảo vệ làng mới. Đàn mối đất đã vội lăng xăng thu dọn những thân gỗ, những lá cây để dành làm thức ăn, xây những lâu đài đất và đào những địa đạo khắp vùng. Nhà anh đom đóm chăm lo thắp sáng cho mọi nhà và tập trung ánh sáng cho nhóm nhạc công dế trũi luyện những bản nhạc bất hủ của đồng quê. Mới đó mà anh chị họa mi đã xây xong ngôi nhà mới và chỉ ít ngày nữa bản lại có thêm những ca sĩ mới. Hè về, anh ve sầu vẫn say sưa hát cho muôn loài nghe và được tốp nhạc công dế trũi cổ vũ cho chất giọng của ve sầu. Cư dân làng mới vui và hăng say lao động xây dựng bản làng. Gần đây, một anh chàng bọ ngựa gầy khẳng từ đâu bay đến và xin tá túc ở làng mới, anh ta luôn có thói chê bai hết người này đến người khác. Ban ngày, hắn thường chui vào chạc ba cây dẻ giữa làng để ngủ và bị tiếng hát của anh ve sầu đánh thức. Hắn liền gây sự: “Hãy im lặng cho ta ngủ”. Trước đây, bọ ngựa cũng đã từng ước mơ thành nghệ sĩ, nó đóng cửa cả mấy ngày để tập hát vẫn không thành. Sau đó nó lại vật lộn với cây vĩ cầm mỏi nhừ cả đôi tay dài đầy gai mà vẫn chẳng nên cơm cháo gì và… đã tự chấm dứt mộng thành nghệ sĩ của hắn nên bọ ngựa luôn ghen ghét với tất cả những ai là nghệ sĩ. Hắn ghen tị vô lối trước tiếng hát của anh ve sầu đang ngân nga làm dịu cả nắng trưa và làm huyền ảo những đêm trăng sáng.

- Mọi người thấy có bất công không, khi mỗi người đều phải làm việc: họ hàng nhà mối phải xây thành, đắp lũy, nhà đom đóm phải thắp sáng cho mọi nhà, nhà kiến suốt ngày khiêng vác thức ăn vượt cả những dốc núi dài. Nhà chị ong vàng bay cả chặng đường xa để thụ phấn cho hoa và lấy mật. Thế mà gã ve sầu thì đâu có làm việc, suốt ngày ca với hát.

- Anh ve sầu đã hát cho chúng ta vui để làm việc không biết mệt, anh đã đem niềm vui đến cho mọi người. Tiếng hát không phải từ trên trời rơi xuống - Chị ong vàng đáp.

- Nhưng, chị vẫn bay đi là để làm việc, mỗi chuyến bay của chị đều kiếm ra phấn thơm và mật ngọt, còn gã ve sầu thì chỉ rong chơi và ca hát.

- Anh đom đóm thì thắp đèn sáng cho cả mọi nhà, còn tiếng hát của anh ve sầu dành chung cho hết thảy mọi người - Cả đàn kiến đồng thanh đáp.

Rồi người ta thấy bọ ngựa rời làng đi và khi về hắn dắt theo một con vật béo ị lại xấu xí và chẳng ai muốn gần vì mùi hôi của hắn. Bọ ngựa liền cao giọng giới thiệu “Đây là võ sĩ bọ hung, là người bạn đầy vũ dũng của bản ta, cũng đã lâu nay tôi mới gặp lại”. Được thể, bọ hung ưỡn ngực, cố khoe bộ cánh đen bóng và bộ móng sắc nhọn đầy lông lá nhưng ở gần hắn thì ai cũng phải bịt mũi. Mấy ngày sau, bọ ngựa lại dẫn về bản một con vật đen thui, da xù xì. Hắn luôn thò ra một cái lưỡi dài đỏ lòm như muốn đớp sống, nuốt tươi những công dân bé nhỏ ở đây. Hắn khệnh khạng ngồi trên đỉnh đồi trước làng và lên giọng: “Hỡi những công dân tí hon, ta là “ông thiềm” đây! Ta không thích nói dài, hẹn sau hai giờ nữa, cả dân làng này phải gom hết những thức ăn bổ dưỡng cho ta, nếu không ta sẽ phá nát hết cả cái làng này và nuốt sống, ăn tươi tất cả những công dân ở đây”.

- Kính thưa “ngài thiềm”, thức ăn bổ dưỡng của cả làng này có xếp lên không được đầy đĩa, thưa ngài. Xin ngài hãy mở lòng… - Gã bọ ngựa run rẩy, quỳ rạp mặt xuống đất và nói.

Mọi người nhìn “ông thiềm” chỉ là một con cóc đen. Chị ong vàng kịp trấn tĩnh dân làng.

- Bà con dân làng hãy bình tĩnh, chúng ta không phải sợ kẻ cướp làng, chúng ta hãy cùng chung sức đánh đuổi được nó ra khỏi bản làng ta - Bác kiến cánh hỏi:

- Lão cóc ỷ thế, hắn đứng trên đồi cao, chỉ còn cách là đào một đường hầm sau lưng nó và hất cổ nó xuống vực - anh đom đóm bật sáng đèn và nói trước dân bản cùng chị ong vàng.

- Làm sao để qua được mặt nó bây giờ, nếu ta kéo cả làng sang đó? - Chị bướm nâu hỏi.

- Chỉ còn cách làm cho nó chợp mắt một lát là ta có thể qua được mặt nó - Đom đóm nói.

- Tôi đã nghĩ ra rồi: “Chỉ có tiếng hát của anh ve sầu là sẽ ru được con cóc già ngủ”.

Khi đí, chúng ta vòng ra sau lưng nó và đào một đường hầm, cần đào thật nhanh nên rất cần có sự trợ giúp của bác tê tê mới chắc chắn thành công. Việc đi mời bác tê tê chỉ có anh mối đất mới đảm đương được. Lúc này, nấp sau gốc vông, bọ ngựa định lên tiếng nói gì, liền bị bác cánh cam chặn lại: “Trước đây, chúng tôi còn tin anh nhưng từ khi thấy anh xum xoe trước con cóc già thì anh không còn xứng là công dân của bản nữa. Cả anh bọ hung nữa, là võ sĩ gì mà khi thấy kẻ thù của bản lại lẩn trốn, có đáng mặt không?

Dàn nhạc được tổ chức với quy mô hoành tráng nhất từ trước đến nay. Anh họa mi chỉ huy dàn nhạc, giọng nam cao lĩnh xướng của anh ve sầu, cùng dàn nhạc công dế trũi, âm hưởng như có sức hút lạ kỳ. Tiếng hát của anh ve sầu như say đắm, cóc đen hết nghiêng đầu lại nghiêng tai nghe, hai mi mắt cứ nặng dần và trĩu xuống, khiến hắn thiu thiu rồi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng biết. Giờ phút chờ đợi đã điểm, các công dân của bản vòng qua sau lưng cóc đen, hắn vẫn chẳng hay biết. Bác tê tê đảm nhận mũi giữa, họ hàng nhà kiến và mối đất ráng sức từ hai phía đào hai địa đạo tiến vào, thực hiện ba mũi giáp công, Không lâu, khi cả ba mũi công đã giáp nhau, bác tê tê lệnh cho hai mũi rút trước, còn bác làm nốt việc thông chốt và rút. Nửa quả đồi sập đổ, kéo theo cả “ông thiềm” xuống vực và chấm dứt cả sự ngạo mạn cùng ý đồ đen tối của lão cóc đen.

Một chiều lặng gió, tiếng sập đồi như một nốt nhấn. Bản hòa tấu kết thúc trong tiếng reo hò chiến thắng của những công dân bản mới. Dân làng vẫn náo nhiệt, tung hê anh ve sầu và những nhạc công dế trũi. Riêng họa sĩ, chim chơ ro bằng những phác họa là những kiệt tác trên lá rừng đã thể hiện xuất sắc về bức thông điệp vì hòa bình đã được chuyển tải tới muôn nơi. Khúc ca hòa bình vẫn ngân nga vang xa trên mọi miền xanh.

                      

 

                                                                      Đức Thắng

                                                   (Phòng GD&ĐT huyện Đà Bắc)

 

 

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục