(HBĐT) - Sáng nay, cả nhà Hoa dậy sớm, mọi thứ Hoa đã chuẩn bị từ chiều hôm trước nhưng cha vẫn bắt Hoa kiểm tra lần cuối xem có thiếu thứ gì không. Hai thằng Tuấn, Tú - con trai Hoa cũng dậy rửa mặt, đánh răng, tiếng còi xe tăcxi kêu ngoài cổng, cha con, ông cháu lễ mễ bê các thứ ra xe. Cứ vào ngày này, tháng này của mỗi năm là cha và Hoa lại về quê chú Bốn để giỗ chú ấy. Nắng mùa thu vàng như mật ong, gió thu thổi nhè nhẹ, bầu trời quang đãng.

 

Hai bên con đường nhựa phẳng lỳ là những cánh đồng trải rộng, lúa đã bắt đầu sậm hạt, tiếng đàn chim sẻ kêu ríu rít gọi bầu, đâu đó, tiếng con chim gáy gọi bạn tình tha thiết, làng quê thật tĩnh lặng, thanh bình.

Xe vừa đỗ xuống cổng nhà chú Bốn, Hoa đã thấy anh cả chú Bốn cùng với các ông, các bà, các cháu của chú Bốn ra đón cha con Hoa. Cha Hoa bước chân vào trong nhà chào hỏi mọi người, ông đặt hoa quả lên ban thờ, rút nén hương, bật lửa châm hương, cha vái 3 vái trước di ảnh của chú Bốn, đôi mắt ông ngân ngấn lệ. Hoa và hai thằng con cũng đến bên ban thờ vái ba vái như cha. Vái xong, cha đi thăm hỏi mọi người trong gia đình chú Bốn rồi ông ngồi vào bàn uống nước, nói chuyện với ông anh cả chú Bốn. Hoa xuống bếp cùng con, cháu chú Bốn làm cơm giỗ chú. Hai thằng Tuấn, Tú như chim sổ lồng, chúng nhanh chóng làm quen với mấy đứa trẻ, chạy nhảy nô đùa ầm ĩ.

*

*     *

Chú Bốn không phải là chú ruột Hoa, chú là đồng đội của cha ngày còn ở chiến trường. Hoa được cha kể lại rằng, cha với chú Bốn cùng là sinh viên khoa sử trường đại học Sư phạm, cha hơn chú Bốn 1-2 tuổi. Tốt nghiệp, cả hai cùng với bao sinh viên khác nhập ngũ, cha và chú Bốn ở cùng nhau trong một tiểu đội bộ binh mà cha là tiểu đội trưởng. Những năm tháng ở chiến trường thật sự ác liệt, gian khổ. Nhưng cha Hoa và các đồng đội vẫn chiến đấu ngoan cường, không ai chịu lùi bước trước khó khăn, nguy hiểm. Họ nhường cơm, sẻ áo, nhường nhau từng viên thuốc, những kỷ niệm ấy không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của cha Hoa. Trong chiến đấu không ai sợ hy sinh, chính vì thế, chú Bốn đã hy sinh thay cha Hoa. Chả là trong một trận đánhở núi rừng Tây Nguyên, bọn Mỹ - ngụy đưa rất nhiều đội quân thám báo để đối phó với quân ta. Trong một lần đi trinh sát, chuẩn bị cho trận đánh lớn, cha Hoa là tiểu đội trưởng, ông đi trước dẫn đầu tiểu đội. Đi được một đoạn đường rừng, chú Bốn đang đi sau bảo với cha:

- Anh Đông ơi, anh để em đi trước, em to khỏe với lại, tai em thính hơn, có bọn thám báo là em phát hiện ra ngay!

Cha bảo:

- Chú đi sau, có động tĩnh gì anh báo chú cùng tiểu đội triển khai theo phương án đã định!

- Không được! Anh cứ để em đi trước!

Trước sự nằn nì của chú Bốn, cha đành lòng đồng ý để chú Bốn đi trước, cha không ngờ đấy lại là chuyến đi trinh sát cuối cùng của chú.

Tiểu đội vừa đi được chừng hơn 2 km, chú Bốn đi trước, phát hiện thấy phía trước có dấu vết mai phục của bọn thám báo. Chú Bốn vẫy tay ra hiệu cho cha và tiểu đội triển khai chiến đấu. Thật không ngờ, chú Bốn vừa nhướn mình quan sát thì bọn thám báo bắn ra một tràng dài của súng R15, chú trúng đạn, máu chảy nhiều nhưng chú vẫn gượng bắn trả chúng, tiểu đội nhanh chóng tạo thành thế gọng kìm, những tiếng súng AK nổ đanh, chắc, cả tiểu đội đã tiêu diệt 8 tên lính biệt động, còn lại chúng tháo chạy. Cha và đồng đội băng bó tạm thời vết thương cho chú rồi cắt rừng đưa chú về trạm xá đơn vị. Về đến trạm xá, chú Bốn lả đi trên tay cha và đồng đội. Chú ngất đi nhưng cũng nói được mấy câu:

- Chào anh và anh em trong đơn vị! Nhớ chiến đấu trả thù cho em!

Nói xong chú nhắm mắt, trái tim ngừng đập. Cha và anh em đồng đội bật khóc. Cha nghẹn ngào:

- Bốn ơi! Em đi thay anh! Anh hứa, anh và đồng đội sẽ trả thù cho em!

Rừng Trường Sơn hôm ấy, trời bỗng nổi mưa to, cha và anh em đồng đội mai táng chú Bốn bên một gốc cây săng lẻ giữa đại ngàn Trường Sơn.

*

*     *

Cha Hoa tham gia chiến đấu triền miên hết mặt trận này đến mặt trận khác cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. ông ra quân, chuyển ngành nhưng cha không được làm nghề dạy học vì sức khỏe suy giảm, cha xây dựng gia đình với mẹ và sinh ra được hai chị em Hoa. Năm Hoa tốt nghiệp phổ thông, Hoa và mẹ muốn thi vào khoa toán trường đại học Sư phạm vì Hoa học giỏi các môn tự nhiên, nhiều năm, Hoa làm lớp phó phụ trách học tập. Nhưng cha bảo Hoa:

- Hoa này! Cha con ta được như ngày hôm nay là nhờ vào công lao của biết bao đồng đội của cha. Đặc biệt là chú Bốn, chú ấy đã hy sinh thay cha nên cha muốn con học khoa sử, con đi tiếp con đường mà cha và chú Bốn đã chọn!

Hoa ngập ngừng, suy nghĩ rồi nói với cha:

- Cha ơi! Môn toán con học giỏi, sau này làm giáo viên có nhiều học sinh học thêm chứ môn sử ít người   học lắm, kinh tế lúc đó khó khăn đấy cha ạ.

Cha bảo:

- Đồng tiền quý thật con ạ! Nhưng con cũng vì cha, vì chú Bốn mà đi tiếp con đường ngày xưa cha và chú ấy đang đi dở dang vì chiến tranh. Môn sử con học sẽ biết, càng học càng thấy cái hay của nó, nó không đơn điệu như người ta nghĩ, mỗi bài giảng là một bài ca làm cho tâm hồn con người hiểu biết về bốn ngàn năm dựng nước của ông cha, những kỳ tích chống giặc ngoại xâm, giữ vững từng tấc đất, ngọn núi, con sông, vùng biển, hải đảo và biết bao những dấu ấn của nền văn hóa, những công lao cống hiến của mỗi con người cho đất nước… con ạ.

Tuy không vui nhưng Hoa nghe lời cha và thi vào khoa sử. 4 năm miệt mài đèn sách, Hoa học giỏi và được giữ lại trường làm giảng viên của khoa. Hoa lấy chồng, sinh con và vẫn ở với cha mẹ. Cha Hoa đã nghỉ hưu, đôi khi thấy Hoa vất vả dạy học, thu nhập về kinh tế hạn hẹp, ông buồn buồn bảo Hoa:

- Ngày xưa cha chiều con, cho con học khoa toán thì ngày nay kinh tế chắc cũng không đến nỗi vất vả, con có nhà cao, cửa rộng, kinh tế khá hơn.

Hoa cười bảo cha:

- Cha ơi! Sao cha lại đi so sánh con với cái Hiền, cái Hương! Chúng nó dạy cấp III, có điều kiện dạy thêm mỗi ngày 2, 3 ca, mỗi ca có đến tiền triệu. Nhưng con biết, con đường mà con  chọn đã ngấm sâu vào tâm can con rồi! Mà cha cũng đã bảo tiền không phải là tất cả rồi còn gì! Sao bây giờ cha lại nhắc đến chuyện đó.

Cha Hoa cười xòa:

- ờ, cha thấy con vất vả thì cha thương.

- Con cảm ơn cha! Cha biết không, mỗi khi đứng trên bục giảng cứ nghĩ đến cha, đến chú Bốn và bao nhiêu đồng đội của cha nữa là trong con lại dấy nên tâm trạng hào hứng, nó có sức mạnh vô hình làm cho bài giảng của con thêm sinh động. Sinh viên ai cũng chăm chú lắng nghe trong giờ giảng của con đấy cha ạ!

Cha Hoa nhìn cô con gái yêu cười mãn nguyện.

Cô tiến sĩ sử học Hồng Hoa hàng năm cứ đến ngày 27/7 lại cùng cha về giỗ chú Bốn và ngày ngày, người ta thấy cô đến trường bằng chiếc xe máy. Nhưng ở cô toát lên một niềm kiêu hãnh của cha, của hương hồn chú Bốn và biết bao đồng đội của cha cô…                                       

 

 

                                                      Nguyễn Anh Đào

                                  (95A, đường Bắc Kạn, TP Thái Nguyên)

 

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục